Việt Nam cần “thúc” giải ngân vốn FDI để đảm bảo tăng trưởng
Tại phiên tranh biện với chủ đề: "Nhận diện chiều hướng của thách thức và đánh giá khả năng xoay chuyển tình thế của Việt Nam" trong khuôn khổ Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam, nhận định rằng mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn có “cửa hẹp” để Việt Nam đổi chiều chính sách.
Và để Việt Nam thực sự có bức tranh kinh tế sáng trong năm 2023, chúng ta phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tìm các giải pháp để thúc giải ngân vốn FDI bên cạnh giải ngân đầu tư công.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, trong quý 1, 2 của năm 2023, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng tới quý 3 tình hình kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/02/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, có 261 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 42,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,76 tỷ USD (tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ). Có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 6,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 535,4 triệu USD (giảm 85,1% so với cùng kỳ); có 440 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 10% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD (tăng 3,7% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,17 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm hơn 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 202,1 triệu USD và gần 141,9 triệu USD.