12:37 14/02/2023

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu thu hút 25 tỷ USD vốn FDI vào năm 2030

Chu Khôi

Chiến lược hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) đến 25 tỷ USD, thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD…

Ngành nông nghiệp đã và đang tích cực thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu FDI.
Ngành nông nghiệp đã và đang tích cực thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu FDI.

Tại "Hội nghị hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho rằng cần nhìn nhận các dự án chương trình hợp tác quốc tế là tài sản quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ là đơn vị được ủy thác, do đó phải phát huy hết trách nhiệm để đem lại lợi ích cho đất nước.

CHUẨN BỊ 14 ĐỀ XUẤT DỰ ÁN MỚI VỚI TỔNG VỐN 3,2 TỶ USD

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định: “Hợp tác quốc tế đóng vai trò ngày càng quan trọng, hỗ trợ cho mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực. Thông qua đó, nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện để tăng thu nhập, việc làm cho bà con nông dân, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và toàn cầu”.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), và tiếp tục đàm phán FTA mới với Israel và Canada. Về cơ bản, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết FTA với tất cả các thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trọng điểm, giúp các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh về giá (do giảm thuế) khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Hội nghị diễn ra tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hội nghị diễn ra tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việc ký kết và triển khai các FTA đã tạo ra cơ hội lớn của xuất khẩu nông lâm thuỷ sản. Trong giai đoạn 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đã tăng từ 27,4 tỷ USD năm 2013 lên 53,2 tỷ USD năm 2022 (mức tăng trưởng trung bình đạt 9,4%/năm).

Năm 2022 mặc dù trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, xung đột Nga-Ukraine dẫn tới khủng hoảng về năng lượng và phân bón, tác động của biến đổi khí hậu nhưng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam vẫn tiếp tục đạt kỷ lục mới.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho hay ngành nông nghiệp đã và đang tích cực thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA); trao đổi kinh nghiệm xây dựng và chuyển giao công nghệ giúp ngành nông nghiệp có thể đẩy nhanh quá trình tiếp cận nền khoa học tiên tiến, trình độ lãnh đạo và quản lý kinh tế hiện đại, nhất là trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

 

"Riêng trong năm 2022, ngành nông nghiệp đã huy động được 300 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại trong 5 năm tới; ngoài ra đã phê duyệt 15 dự án trị giá 25 triệu USD của các tổ chức phi chính phủ".

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Công tác thu hút vốn ODA được tích cực đẩy mạnh. Tính đến hết năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt nhiều dự án được đề xuất hoặc có chủ trương đầu tư với tổng vốn vay 840 triệu USD. Bộ cũng phối hợp với các doanh nghiệp chuẩn bị 14 đề xuất dự án mới với tổng vốn 3,2 tỷ USD.

Đề cập điểm mới trong hợp tác quốc tế năm vừa qua, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng đã làm tốt công tác kết nối trí thức và thông tin với các sáng kiến: Nhóm đối tác Một sức khỏe; nhóm hỗ trợ quốc tế về nông nghiệp xanh, bảo tồn quản lý tài nguyên thiên nhiên; nhóm điều phối chuyển đổi nông nghiệp bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm đối tác công tư cho phát triển nông nghiệp.

Bước sang năm 2023, nhằm phát huy tốt nhất thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng đến xây dựng thương hiệu phát triển bền vững, thực hiện những cam kết của Việt Nam ở COP26, COP27.

Đặc biệt, ngành tập trung vào định hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và huy động nguồn lực bên ngoài phát huy uy tín, nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD; thu hút vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 25 tỷ USD; thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu phấn đấu, nông nghiệp Việt Nam sẽ dẫn đầu ít nhất một sáng kiến toàn cầu hoặc khu vực. Mỗi năm chuyển giao một công nghệ mới hoặc một mô hình tổ chức sản xuất mới. Có ít nhất 500 lượt cán bộ, sinh viên, thực tập sinh được đào tạo ở nước ngoài hàng năm.

PHẢI TRÂN QUÝ NGUỒN LỰC QUỐC TẾ

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Công tác hợp tác quốc tế luôn cần đi trước một bước để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội với những cách làm sáng tạo, phục vụ đắc lực cho chủ trương của Đảng và Nhà nước cho vấn đề “tam nông”, xoay quanh 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh.

Để hiện thực hóa những mục tiêu của Chiến lược hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030, Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần nhìn nhận các dự án chương trình hợp tác quốc tế là tài sản quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ là đơn vị được ủy thác, do đó phải phát huy hết trách nhiệm để đem lại lợi ích cho đất nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan:" Nguồn lực quốc tế cần hướng vào nâng cao vị thế,khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan:" Nguồn lực quốc tế cần hướng vào nâng cao vị thế,
khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam".

"Cần trân quý những dự án hợp tác quốc tế để lan tỏa tầm ảnh hưởng, mang lại giá trị cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tác động của các dự án hợp cũng cần được đánh giá một cách toàn diện không chỉ coi đó là một nguồn ngân sách nhất định. Không phân biệt dự án lớn hay nhỏ, ngân sách nhiều hay ít, quy mô một vùng hay nhiều địa phương để phát huy hết khả năng hấp thụ dự án với các cơ chế, cách tiếp cận mới cho nông nghiệp Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

 

“Hợp tác quốc tế là để hỗ trợ mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, những quan hệ hợp tác sẽ giúp tiếp cận nhiều mô hình mới, tư duy mới. Từ đó góp phần vào các mục tiêu phát triển bền vững, giúp tăng thu nhập cho người dân, hạn chế rủi ro của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Bộ trưởng, nguồn lực quốc tế cần hướng vào nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, để chiếm lĩnh thị phần tại các thị trường lớn và mức thu nhập cao như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada...  Cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước ASEAN, Trung Đông, Liên minh kinh tế Á – Âu. Châu Phi, châu Mỹ… Nông nghiệp Việt Nam sẽ tập trung xây dựng thương hiệu nhà xuất khẩu nông lâm thủy sản có trách nhiệm – minh bạch – bền vững trên toàn cầu. Gắn xuất khẩu nông sản với quảng bá văn hóa, ẩm thực, du lịch và môi trường; kết hợp thu hút chuyển giao công nghệ.

Để tăng cường hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế đối ngoại, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Chủ động tham mưu, dự báo tình hình biến động thị trường, chính sách và giải pháp trong quan hệ với các đối tác quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng nông sản Việt Nam đề cử thành viên tham gia các tổ chức Hiệp hội ngành hàng của các thị trường nhập khẩu lớn. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ cử Tham tán nông nghiệp Việt Nam sang các thị trường lớn.