16:10 20/03/2007

Việt Nam có thể đạt kỷ lục mới về hút vốn nước ngoài

“Khả năng thu hút từ 15-17 tỷ USD vốn FDI mỗi năm là hoàn toàn trong tầm tay Việt Nam”

Các nhà đầu tư nước ngoài đang trao đổi tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam lần 2 - Ảnh: TT.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang trao đổi tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam lần 2 - Ảnh: TT.

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam lần thứ 2, khai mạc ngày 19/3 ở Hà Nội, đại diện nhiều tập đoàn tài chính lớn của thế giới cho rằng Việt Nam có thể đạt kỷ lục mới về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2007, khi đang ở thời điểm hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi.

“Khả năng thu hút từ 15-17 tỷ USD vốn FDI mỗi năm là hoàn toàn trong tầm tay Việt Nam”, Tổng giám đốc VinaCapital Don Lam nói.

Ông Don Lam cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư 400 triệu USD xây dựng một khu mua sắm kết hợp với các căn hộ cho thuê tại Việt Nam.

Ông Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital, cũng đồng tình với nhận định trên của Tổng giám đốc VinaCapital, vì theo ông sắp có một loạt dự án đầu tư lớn được triển khai ở Việt Nam, trong đó có dự án trị giá 5 tỷ USD của tập đoàn HonHai.

Tổng giám đốc toàn cầu tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông-Thượng Hải (HSBC), ông Michael Geoghegan cũng chỉ ra những thuận lợi khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Ông cho rằng, với dân số trẻ, Việt Nam sẽ không gặp phải những thách thức mà các nước có dân số già đang phải đối mặt, lực lượng lao động của Việt Nam ngày càng có kỹ năng và trình độ cao hơn. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam cũng tiếp thu rất nhanh những dịch vụ công nghệ cao như Internet, điện thoại di động.

“Lực đẩy từ việc gia nhập WTO sẽ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam những khởi sắc mới, đặc biệt là về lượng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam”, ông nói.

Đại diện các tập đoàn tài chính cũng cho rằng thách thức đối với Việt Nam là ở chỗ làm thế nào để duy trì ổn định và bền vững dòng vốn đầu tư này, khi mà khả năng hiện thực hóa các dự án đã ký còn vấp phải không ít vấn đề như việc giải ngân chậm, các thủ tục hành chính rườm rà cũng như việc thực hiện các luật còn chưa đồng bộ.

“Chúng tôi sẽ xem Việt Nam mở cửa thế nào, thực hiện cam kết ra sao và từ đó quyết định tiếp tục đầu tư nữa hay không”, Tổng giám đốc VinaCapital Don Lam nói.

Giám đốc Dragon Capital Dominic Scriven chia sẻ: “Nguồn vốn trực tiếp hay gián tiếp nước ngoài cũng đều phụ thuộc vào các yếu tố nội địa. Anh có duy trì được vốn đầu tư hay không phải xem cách anh “đối đãi” với khách hàng và đối tác. Nhưng tôi nghĩ theo chiều hướng lạc quan, nguồn vốn đổ vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng cao”.

Theo đánh giá xếp hạng mới nhất về tự do kinh tế của 157 nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí lớn như tự do kinh doanh, tự do thương mại, tự do tài chính...., Việt Nam đứng ở vị trí thứ 138 so với Thái Lan ở vị trí 50 và Trung Quốc th119.

Vì vậy, theo các nhà đầu tư, để thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư trong năm 2007, Việt Nam sẽ phải nỗ lực nâng cao năng lực quản lý nguồn vốn, rà soát, sửa đổi việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và tạo môi trường đầu, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và công khai hơn nữa.