11:38 08/11/2023

Việt Nam đạt tỷ lệ phủ sóng 4G hơn các nước thu nhập cao trung bình

Phan Anh

Tỉ lệ phủ sóng điện thoại di động băng rộng 4G của Việt Nam hiện nay đã lên đến 99,8% xét trên dân số. Trong khi các nước thu nhập cao trung bình, tỷ lệ này chỉ là 99,4%...

Mục tiêu xóa các điểm lõm sóng 4G.
Mục tiêu xóa các điểm lõm sóng 4G.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cung cấp, chia sẻ trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều ngày 7/11/2023.

SẼ HOÀN THÀNH PHỦ SÓNG Ở CÁC ĐIỂM LÕM TRƯỚC THÁNG 6/2024

Đại biểu Đoàn Thị Lê An, đoàn Cao Bằng, cho biết trả lời phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ chỉ đạo các nhà mạng có giải pháp phù hợp hơn nữa nhưng tinh thần sẽ phủ sóng triệt để các thôn bản, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào là những nơi người dân thiệt thòi nhất; phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo.

Nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội giai đoạn 2021-2023, đại biểu cho rằng Bộ đã tích cực tham mưu triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng số, triển khai phủ sóng toàn quốc với 99,73% thôn, bản, hoàn thành 1.071/1.760 thôn, bản có sóng di động, hiện còn 266 vùng lõm và các thôn, bản có hạ tầng cơ sở khó khăn, còn 689 thôn, trong đó có 562 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn chưa có sóng di động.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp hoàn thành mục tiêu phủ sóng triệt để tại các thôn, bản.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp hoàn thành mục tiêu phủ sóng triệt để tại các thôn, bản.

Đại biểu đoàn Cao Bằng đề nghị Bộ trưởng cho biết, hết năm 2023 có hoàn thành được mục tiêu này không? Đồng thời cho biết giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu trên?

Trả lời đại biểu về phủ sóng vùng sâu vùng xa, miền núi, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết từ năm khi xảy ra đại dịch Covid-19 năm 2021, học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã có Chương trình Sóng và máy tính cho em.

Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng và các Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành rà soát từng vùng lõm sóng để tiến hành phủ sóng.

Đến nay có 2100 vùng lõm sóng đã được phủ sóng. Tỉ lệ phủ sóng điện thoại di động băng rộng 4G của Việt Nam hiện nay đã lên đến 99,8% xét trên dân số. Trong khi các nước thu nhập cao trung bình, tỷ lệ này là 99,4%, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Có lẽ Việt Nam là một trong những nước làm tốt công tác phủ sóng tới vùng sâu, vùng xa vì có Quỹ viễn thông công ích do các nhà mạng đóng góp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Có lẽ Việt Nam là một trong những nước làm tốt công tác phủ sóng tới vùng sâu, vùng xa vì có Quỹ viễn thông công ích do các nhà mạng đóng góp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong năm 2023, sau khi rà soát, các địa phương đã phát hiện thêm vẫn còn khoảng 420 điểm lõm sóng cần tiếp tục thực hiện phủ sóng. Thời gian tới Bộ sẽ sử dụng Quỹ Viễn thông công ích để triển khai thực hiện nhiệm vụ này và phấn đấu hoàn thành trước tháng 6/2024.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề cập tới những khó khăn trong triển khai những điểm vùng sóng còn lại khi có đến 150 điểm chưa có điện. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Tập đoàn Điện lực để bàn giải pháp đưa điện đến các vùng này, trong đó có tính đến phương án điện mặt trời.

ĐẾN NĂM 2030, 100% DÂN SỐ SẼ ĐƯỢC PHỦ SÓNG 5G

Có cùng quan tâm vấn đề phủ sóng mạng 4G và 5G ở những vùng khó khăn, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, đoàn Bạc Liêu, nhắc lại mục tiêu mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra vào năm 2025 với 100% dân số sẽ được phủ sóng mạng 4G và đến năm 2030, 100% dân số sẽ được phủ sóng 5G.

Theo đại biểu, việc phủ sóng di động ở nhiều xã, thôn, bản còn khó khăn, nhất là ở những nơi chưa có điện lưới. Để hoàn thành các mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông cần thúc đẩy doanh nghiệp viễn thông đổi mới các phương thức.

Từ lâu, các nước trên thế giới đã cho phép hình thức phát triển thuê bao di động trực tuyến. Trong khi Việt Nam đang bước vào quá trình chuyển đổi số rộng khắp trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam có áp dụng cách thức phát triển thuê bao di động viễn thông trực tuyến không và việc này sẽ thực hiện như thế nào, lộ trình cụ thể trong thời gian tới, đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, đoàn Bạc Liêu.
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, đoàn Bạc Liêu.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến con số 99,8% dân số đã được phủ sóng 4G và trong năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu đặt ra. Với sóng 5G, cuối năm nay sẽ triển khai đấu giá tần số và các nhà mạng sẽ triển khai diện rộng trên toàn quốc.

Theo người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng có thuận lợi khi cơ bản sẽ lắp đặt các trạm phát sóng 5G trên hạ tầng cũ, tức là cột ăng ten của 2G, 3G, 4G nên giảm chi phí đầu tư, thời gian triển khai sẽ rất nhanh. Đến năm 2030, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu phủ sóng 5G và tôi nghĩ là sẽ nhanh hơn.

Khi nói đến đăng ký thuê bao, nhất là ở những vùng xa, không thuận lợi khi phải tìm đến cửa hàng của các nhà mạng. Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang cho nghiên cứu thí điểm để đăng ký thuê bao bằng hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo chính xác, không xuất hiện các sim rác.

Sau khi Luật Viễn thông được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này, có hiệu lực vào ngày 01/7/2024 sẽ có một Nghị định trong đó có quy định hình thức đăng ký thuê bao online.