Việt Nam đóng vai trò cầu nối giữa châu Á và cộng đồng Pháp ngữ
Trong suốt 10 năm qua, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng như một nhịp cầu nối liền châu Á với cộng đồng các quốc gia sử dụng tiếng Pháp. Với nền tảng đó, Việt Nam mong muốn tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa các quốc gia sử dụng tiếng Pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và công nghệ…
Đây là chia sẻ của GS-TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, tại Diễn đàn One Global Vietnam - La Francophonie 2024 (OGVF 2024). Sự kiện được tổ chức tại Paris, Pháp vào ngày 5 và 6 tháng 10 năm 2024, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh La Francophonie lần thứ 19.
KHÁT VỌNG NÂNG CAO VỊ THẾ
OGVF 2024 tập trung đối thoại vào các thế mạnh địa chính trị, kinh tế, công nghệ, giáo dục, y tế và văn hóa của Việt Nam với tầm nhìn chung của nhiều quốc gia chiến lược như Pháp, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sĩ, Canada và các khu vực kinh tế đang phát triển của châu Phi.
"Hôm nay, chúng ta vinh dự có mặt cùng với đại diện từ 15 quốc gia, tất cả đều sử dụng tiếng Pháp như một ngôn ngữ chung, làm cầu nối cho sự hợp tác. Hội thảo này mở ra cơ hội để trao đổi về triển vọng hợp tác và vai trò quan trọng mà Việt Nam có thể đóng góp trong việc củng cố vị thế của khối Pháp ngữ trên trường quốc tế," GS Khương chia sẻ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ và khẳng định sự coi trọng hợp tác với các quốc gia thành viên. Cộng đồng Pháp ngữ không chỉ có ý nghĩa về ngôn ngữ và văn hóa, mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và gìn giữ những giá trị chung.
Ông cũng nêu bật việc thông qua các sự kiện này, giới tri thức và các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành, đóng góp vào việc nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường của cả dân tộc, đặc biệt là sự chung sức của đồng bào trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài, Việt Nam đã vượt qua khó khăn và đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực quan trọng.
Ông Minh nhấn mạnh rằng, trong hành trình đạt được những thành công này, không thể không kể đến đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của kiều bào – một bộ phận không thể tách rời của dân tộc, một nguồn lực quan trọng, và là những sứ giả thúc đẩy quan hệ hữu nghị của Việt Nam với thế giới. Thành công của người Việt ở nước ngoài không chỉ là niềm tự hào của cá nhân họ, mà còn là niềm tự hào của cả đất nước Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, Việt Nam đang chịu tác động của nhiều yếu tố phức tạp, từ sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đến xung đột, chiến tranh, biến đổi khí hậu và già hóa dân số. Để đối mặt với những thách thức này, Việt Nam định hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và không ngừng đổi mới sáng tạo, khai thác những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Nguyễn Đức Minh bày tỏ mong muốn, trong các cuộc thảo luận ngày hôm nay, các đại biểu sẽ chia sẻ những ý kiến quý báu về việc nâng cao năng lực và vị thế của Việt Nam, không chỉ trong cộng đồng Pháp ngữ mà còn trên phạm vi toàn cầu.
TỔNG LỰC SỨC MẠNH TOÀN CẦU
GS. Dương Minh Hà, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp, nhấn mạnh rằng cộng đồng Pháp ngữ đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, bởi trong 15 năm qua, vấn đề khí hậu đã trở nên ngày càng cấp bách và ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển bền vững toàn cầu. Đây không chỉ là một thách thức môi trường, mà còn là cơ hội để các quốc gia trong khối Pháp ngữ đoàn kết và chung tay đối phó.
“Về mặt kinh tế, tôi tin rằng cộng đồng Pháp ngữ không chỉ là một khối hợp tác vì hòa bình mà còn là một nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế chỉ là bước đầu; tiếp theo sẽ là sự thúc đẩy trong các lĩnh vực khác như thể thao và văn hóa. Phát triển kinh tế bền vững là mục tiêu không thể thiếu, bởi chúng ta không thể đạt được sự phát triển kinh tế mà không có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa. Tất cả các yếu tố như kinh tế, văn hóa và môi trường đều có mối quan hệ mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau. Chính sự liên kết này tạo nên sự bền vững và thịnh vượng trong mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia.”
Ngoài ra, một khía cạnh không thể thiếu trong hợp tác quốc tế hiện nay là vấn đề chuyển đổi năng lượng và quan hệ giữa các quốc gia. “Chúng tôi đã có những đóng góp đáng kể trong việc hỗ trợ một số nước, như Campuchia, trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Điển hình là sáng kiến FrancoTech, tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng xanh. Đây cũng là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Pháp và Việt Nam, khi Việt Nam có tiềm năng tự nhiên dồi dào để phát triển năng lượng xanh, còn Pháp sở hữu nhiều kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này. Chúng tôi đã có một số dự án hợp tác năng lượng ở Việt Nam và sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Tôi tin rằng tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia là vô cùng lớn”, GS. Hà nói.
Bàn về việc thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp, một công cụ hữu hiệu trong kết nối toàn cầu và phát triển kinh tế, tại Việt Nam, ông Roberto de Primis, Nhà sáng lập và Giám đốc, EURintelligence, Chủ tịch kiêm Nhà sáng lập, Câu lạc bộ Pháp ngữ về Kinh doanh Châu Âu, Nguyên Giám đốc Điều hành, Phòng Thương mại Bỉ - Việt Nam, chia sẻ rằng nếu Việt Nam thúc đẩy việc sử dụng tiếng Pháp một cách mạnh mẽ, quốc gia này có thể tận dụng hiệu quả sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài trong khối Cộng đồng Pháp ngữ để phát triển các mô hình kinh tế xanh và kinh tế sạch. Đây không chỉ là cơ hội để thu hút nguồn lực và công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, mà còn tạo ra một môi trường thuận lợi cho hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong việc ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, bao gồm các hiệp định với các đối tác lớn như Liên minh châu Âu (EVFTA) và Vương quốc Anh (UKVFTA). Đây chỉ là bước khởi đầu, mở ra con đường để Việt Nam không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Những hiệp định này giúp Việt Nam khai thác tốt hơn các nguồn lực về trí tuệ, công nghệ và sáng tạo mà đất nước đang sở hữu, tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh, và kinh tế tuần hoàn.
Trong tương lai, việc kết hợp giữa nền tảng hợp tác quốc tế từ khối Pháp ngữ và những thỏa thuận FTA tiên tiến sẽ giúp Việt Nam không chỉ gia tăng tầm ảnh hưởng về kinh tế mà còn tạo ra một hệ sinh thái phát triển toàn diện, nâng cao vị thế trí tuệ và năng lực cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam có thể tận dụng sự kết nối đa phương này để trở thành một điểm đến chiến lược cho các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ sạch.
Về phần mình, ông Raffaele Trapasso, Trưởng phòng Khởi nghiệp, Giáo dục & Kỹ năng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), nhấn mạnh Pháp và Cộng đồng Pháp ngữ có tầm ảnh hưởng lớn trong OECD. Một nửa nền kinh tế của Việt Nam được xây dựng trên các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và khu vực kinh tế phi chính thức. Đây là đặc thù riêng của Việt Nam, và trong bối cảnh toàn cầu với sự phát triển vượt bậc của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và những thách thức chung, chúng ta cần tìm cách thúc đẩy tiếng Pháp và vai trò của các doanh nghiệp sử dụng tiếng Pháp để đảm bảo rằng không chỉ có Silicon Valley là trung tâm khi nhắc đến khoa học và công nghệ. Hiện tại, các công nghệ AI đang lan rộng và ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu, vì vậy chúng ta cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khối Pháp ngữ phát triển mạnh mẽ hơn, đóng vai trò tích cực trong cuộc cách mạng công nghệ.
Đối với một quốc gia như Việt Nam, nơi kinh tế phụ thuộc nhiều vào các SMEs và sự linh hoạt của khu vực kinh tế phi chính thức, việc hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp này là vô cùng quan trọng. Ở châu Âu, các quốc gia đã triển khai bộ khung chính sách 'taxonomy' để hỗ trợ SMEs và chính quyền, từ đó thúc đẩy sự phối hợp giữa khu vực tư nhân và nhà nước trong việc phát triển bền vững.
“Đây cũng chính là thông điệp mà tôi muốn nhấn mạnh: OECD và Cộng đồng Pháp ngữ cần cùng nhau hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển các nền kinh tế tuần hoàn, thích ứng với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng môi trường,” ông Trapasso nói.