Việt Nam phối hợp với quốc tế truy tìm Trịnh Xuân Thanh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi liên quan đến truy tìm Trịnh Xuân Thanh
Liên quan đến vụ chạy trốn của Trịnh Xuân Thanh, đặt giả thuyết Trịnh Xuân Thanh bị bắt giữ ở một quốc gia mà Việt Nam chưa ký hiệp định dẫn độ tội phạm, vậy quá trình pháp lý sẽ được xử lý như thế nào?
Đây là câu hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhận được tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ, chiều 22/9.
Ông Bình cho biết sẽ chuyển câu hỏi đến các cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam. Các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam đang phối hợp với nhau và các cơ quan liên quan quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ việc này, ông Bình đáp.
Như VnEconomy đã thông tin, ngày 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) - Bộ Công an đã ra quyết định truy nã Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty PVC.
Trước đó, ngày 15/9/2016, C46 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 165 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại PVC.
Cũng trong ngày 16/9/2016, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự, C46 đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.