10:31 06/10/2024

Việt Nam trên con đường hướng đến “Kỷ nguyên trí tuệ”

Vân Nguyễn

GS. Klaus Schwab nhận định Việt Nam đã và đang chủ động chuẩn bị cho tương lai số với 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của quốc gia. Đến năm 2050, cấu trúc kinh tế và xã hội của Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể với sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang “Kỷ nguyên trí tuệ”…

GS. Klaus Schwab cùng với các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường Đại học và công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM tại buổi talkshow.
GS. Klaus Schwab cùng với các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường Đại học và công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM tại buổi talkshow.

Trong chuyến thăm và làm việc tại TP.HCM từ ngày 5 - 6/10/2024, GS. Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới - World Economic Forum (WEF) đã có nhiều hoạt động với lãnh đạo Thành phố, phát biểu tại buổi nói chuyện với giới trẻ, làm việc với Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR).

Tại buổi đón tiếp tại Ủy ban nhân dân Thành phố vào chiều ngày 5/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM bày tỏ vui mừng khi được chào đón GS Klaus Schwab, Phu nhân và các cộng sự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đến thăm TP.HCM; Chuyến thăm lần này của GS có ý nghĩa đặc biệt khi Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP.HCM đánh dấu sự cộng tác giữa TP.HCM và WEF sau hơn 2 năm thảo luận, đã chính thức được ra mắt vào ngày 25/9 vừa qua dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

VIỆT NAM HƯỚNG ĐẾN “KỶ NGUYÊN TRÍ TUỆ”

Tại buổi Talkshow với các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường Đại học và công dân trẻ tiêu biểu của Thành phố sáng ngày 6/10 với chủ đề “Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”, GS. Klaus Schwab nhấn mạnh: “Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa phong phú và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, đang đứng trước ngưỡng cửa của sự chuyển đổi này. Đất nước này đã đón nhận các xu hướng đổi mới công nghệ, số hóa và hiện đại hóa bằng những chính sách đầy tầm nhìn của chính phủ nhằm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc số tại khu vực Đông Nam Á”.

GS. Klaus Schwab cùng lãnh đạo TP.HCM tại Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR)
GS. Klaus Schwab cùng lãnh đạo TP.HCM tại Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR)

Đồng thời, chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 của Chính phủ Việt Nam đã đề ra các mục tiêu đầy tham vọng, hướng đến việc nâng cao năng suất, cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo tăng trưởng bao trùm cho tất cả các tầng lớp xã hội”

Đưa ra những thế mạnh về tiềm năng phát triển của Việt Nam, GS. Klaus Schwab cho rằng với hơn 100 triệu dân, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 6 đến 7% và độ tuổi trung vị của dân số chỉ hơn 30 tuổi, là một quốc gia trẻ với tiềm năng lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD vào năm 2050.

“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện chủ yếu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp và xuất khẩu, đặc biệt là các lĩnh vực điện tử và sản xuất, nhưng đến năm 2050 cấu trúc kinh tế và xã hội sẽ thay đổi đáng kể với sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại mà tôi gọi là “Kỷ nguyên Trí tuệ”, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhấn mạnh.

4 LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ TÁI ĐỊNH HÌNH BỐI CẢNH MỚI

GS. Klaus Schwab nhận định: “Việt Nam đã chủ động chuẩn bị cho tương lai số. Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ Việt Nam, với mục tiêu đưa Việt Nam vào top 50 quốc gia về chính phủ số và kinh tế số vào năm 2025, là một nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi của nước này”

 
GS. Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới - World Economic Forum (WEF)
GS. Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới - World Economic Forum (WEF)

“Đổi mới trong năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh và phương tiện giao thông điện sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp của Việt Nam. Bằng cách đón nhận công nghệ xanh, Việt Nam không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn định vị mình là một quốc gia tiên phong trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu”.

Trong đó, ông nêu ra 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của Việt Nam.

Thứ nhất, AI và tự động hóa trong sản xuất. Ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, dệt may và ô tô, là động lực chính đằng sau sự phát triển kinh tế của nước này. Kỷ nguyên Trí tuệ, với đặc trưng là AI và tự động hóa, sẽ cách mạng các quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí.

Tuy nhiên, GS cũng lưu ý điều này cũng mang đến thách thức mất việc làm, đặc biệt là đối với lao động tay nghề thấp. Chính phủ Việt Nam đã nhận ra thách thức này và đang ưu tiên phát triển lực lượng lao động. Thông qua các sáng kiến như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và các chương trình như mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến năm 2030.

“Việt Nam đang tập trung nâng cao và tái đào tạo lực lượng lao động để đảm bảo nguồn nhân sự sẵn sàng cho các công việc mới, đòi hỏi kỹ năng vận dụng công nghệ cao”, Chủ tịch sáng lập WEF khuyến nghị.

Thứ hai, thương mại điện tử và dịch vụ số: Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số của Việt Nam. Các nền tảng như Tiki, Shopee và MoMo đã phát triển nhanh chóng và nhận được sự ủng hộ của một nhóm dân số trẻ am hiểu công nghệ.

Trong đó, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra các mục tiêu đầy tham vọng, hướng tới việc có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2025.

“Điều này mang lại cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), giúp họ tiếp cận thị trường mới và có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Thách thức hiện nay là đảm bảo hạ tầng số của Việt Nam bắt kịp với sự phát triển này, mở rộng phạm vi phủ sóng 5G và tăng cường khả năng tiếp cận internet tin cậy, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn”, GS. Klaus Schwab cho biết.

Thứ ba, hạ tầng số và đô thị thông minh: Chính phủ Việt Nam đang đầu tư đáng kể vào việc xây dựng đô thị thông minh trên khắp cả nước, bao gồm Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Các sáng kiến này nhằm cải thiện quản lý đô thị thông qua việc sử dụng Internet vạn vật (IoT), AI và phân tích dữ liệu.

Theo đó, kế hoạch quốc gia về phát triển đô thị thông minh đến năm 2025 của chính phủ hướng tới xây dựng các thành phố không chỉ hoạt động hiệu quả và bền vững mà còn được kết nối thông qua số hóa. Đây là một bước quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu công dân Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi đầu tư liên tục vào hạ tầng số, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Thứ tư, phát triển bền vững và công nghệ xanh: “Kỷ nguyên trí tuệ” mang lại cho Việt Nam cơ hội dẫn đầu trong phát triển bền vững. Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và công nghệ số có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.