15:49 28/07/2023

Vietcap: Ngân hàng Nhà nước khó giảm thêm lãi suất, VN-Index có thể chỉ đạt 1.250 điểm vào cuối năm

Thu Minh

Vietcap duy trì quan điểm tích cực về thị trường nhưng giảm dự báo VN-Index 2023/2024 từ 1.300/1.500 xuống 1.250/1.450 điểm vào cuối năm 2023 và năm 2024.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chứng khoán Vietcap (VCI) vừa có báo cáo triển vọng vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023 trong đó giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ 6,0% xuống 5,0% do xuất khẩu và sản xuất yếu hơn, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường lao động và tiêu dùng.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC KHÓ GIẢM LÃI SUẤT

Vietcap giảm dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu năm 2023 xuống lần lượt -7,3% và -10,1% so với mức -2,5% cho cả xuất khẩu và nhập khẩu từ dự báo trước đây. Kỳ vọng đơn hàng nước ngoài sẽ phục hồi vào năm 2024 và dự báo tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt là 10,3% và 12,6%. Đồng thời, giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 7,0%.

Mặc dù việc tiếp tục cắt giảm lãi suất trong nước là phù hợp, do tăng trưởng chậm lại kể từ quý 4/2022 và nhu cầu tín dụng yếu trong nửa đầu năm 2023,  Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ khó có thể cắt giảm thêm lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn do lãi suất đồng VND hiện thấp hơn lãi suất USD.

Giả định Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ thực hiện một lần cắt giảm trần lãi suất tiền gửi (đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng) từ 25 điểm cơ bản xuống 4,50% trong nửa cuối năm 2023 và không thay đổi lãi suất điều hành vào năm 2024. Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng 1,0% trong năm 2023 và duy trì ổn định vào năm 2024.

Vietcap: Ngân hàng Nhà nước khó giảm thêm lãi suất, VN-Index có thể chỉ đạt 1.250 điểm vào cuối năm - Ảnh 1

Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng gồm: Hỗ trợ tài khóa, giải ngân đầu tư công đã tăng tốc trong tháng 5 và tháng 6, với giải ngân lũy kế đạt 215 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023 (+43,3%). Ngoài ra, Chính phủ đã thực hiện cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng và giảm 36 loại phí có hiệu lực từ ngày 01/7 đến 31/12/2023 và tăng mức lương cơ sở theo luật định đối với lương của cán bộ, công chức có hiệu lực từ tháng 7/2023 .

Chính sách nới lỏng tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước:  NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong nửa đầu năm 2023 từ 50 điểm cơ bản đến 200 điểm cơ bản, điều này sẽ giúp lãi suất cho vay ngân hàng tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023.

Du lịch: Lượng khách du lịch tiếp tục phục hồi, đặc biệt là khách du lịch từ Trung Quốc, sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục ổn định do Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia đang đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

HẠ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG CHỨNG KHOÁN

Với thị trường chứng khoán, Vietcap duy trì quan điểm tích cực về thị trường nhưng giảm dự báo VN-Index 2023/2024 từ 1.300/1.500 xuống 1.250/1.450, để phù hợp hơn với mục tiêu giá theo phương pháp phân tích cơ bản đối với các cổ phiếu theo dõi.

Theo quan điểm của VCI, hai thay đổi chính trong triển vọng tổng thể kể từ tháng 01/2023 phần lớn bù đắp cho nhau. Triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn kém hơn rõ ràng so với dự kiến vào đầu năm và dự báo sự phục hồi của các đơn hàng xuất khẩu sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023 thay vì vào quý 3/2023. Do đó, dự báo sự phục hồi của thị trường lao động và niềm tin của người tiêu dùng đã được lùi sang năm 2024.

Tuy nhiên, chính sách nới lỏng từ NHNN trong nửa đầu năm 2023 được ban hành sớm hơn kỳ vọng. Điều này sẽ giúp giảm bớt tác động đối với nền kinh tế trong nước do sự sụt giảm kéo dài trong xuất khẩu và sản xuất, đồng thời đã giúp gia tăng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trong nước đối với cổ phiếu.

Vietcap: Ngân hàng Nhà nước khó giảm thêm lãi suất, VN-Index có thể chỉ đạt 1.250 điểm vào cuối năm - Ảnh 2

Về chiến lược đầu tư, VCI khuyến nghị gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ngành ngân hàng và tiêu dùng trong nửa cuối năm 2023. Mặc dù chúng tôi vẫn thận trọng với các khuyến nghị ngành nói chung tại Việt Nam do vốn hóa thị trường nghiêng về một số lượng nhỏ cổ phiếu trong một số ngành, các ngành này tương đối đồng nhất về động lực.

Mặc dù chất lượng tài sản của các ngân hàng không rõ ràng như thông thường do Thông tư 02, nhưng lợi ích của việc hoãn trả nợ theo quy định này lớn hơn rủi ro. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023 từ mức 4% trong nửa đầu năm và định giá vẫn hấp dẫn với P/B tổng hợp trong danh mục theo dõi gần chạm mốc 1 độ lêch chuẩn (SD) dưới mức trung bình 7 năm.

Cổ phiếu hàng tiêu dùng ghi nhận diễn biến ngoài dự kiến kém tích cực lớn nhất về lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh trong nửa đầu năm 2023 và giá cổ phiếu đã giảm tương ứng. Tuy nhiên, cơ hội tăng trưởng cấu trúc dài hạn vẫn hấp dẫn.

Cổ phiếu bất động sản đã ghi nhận một số đợt tăng giá cổ phiếu mạnh mẽ từ mức cuối năm 2022, nhưng một số cổ phiếu có hệ số beta cao hơn có thể đã tăng giá quá nhanh. Mặc dù thị trường đã được hỗ trợ bởi việc cắt giảm lãi suất và các chỉ thị của Chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường, nhưng vẫn còn sự bất ổn đáng kể về tác động đối với NPV dự phóng theo luật đất đai mới, Chính phủ tăng cường giám sát việc phê duyệt dự án và phí sử dụng đất cũng như thời gian phục hồi trong niềm tin của khách mua nhà.