Vốn FDI vào Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh
Sự khởi đầu ảm đạm về vốn FDI của Trung Quốc năm 2025 diễn ra sau khi tổng vốn FDI vào nước này trong năm ngoái sụt 27,1%...

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong tháng 1 năm nay giảm xuống mức thấp nhất 4 năm, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đương đầu với nhiều cơn gió ngược cùng lúc.
Số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố trong tuần này cho thấy lượng vốn FDI giải ngân trong tháng 1 chỉ đạt 97,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương 13,4 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự khởi đầu ảm đạm về vốn FDI của Trung Quốc năm 2025 diễn ra sau khi tổng vốn FDI vào nước này trong năm ngoái sụt 27,1%, còn 826,3 tỷ nhân dân tệ, tương đương 113,4 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2016.
“Tốc độ giảm của vốn FDI đã chậm lại so với năm ngoái, nhưng xu hướng vẫn đang là giảm”, hãng tin CNN dẫn lời Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Ling Ji phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 20/2. Đây là cuộc họp báo mà nhiều bộ trong Chính phủ Trung Quốc cùng công bố một kế hoạch hành động chung gồm 20 điểm để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Ling cho rằng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm sút là do kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Ông cho biết những thay đổi trong chiến lược của các doanh nghiệp đa quốc gia cũng dẫn đến sự sụt giảm vốn FDI vào các ngành công nghiệp quan trọng của Trung Quốc như ô tô, máy móc và may mặc.
Lĩnh vực bất động sản đang chìm trong khủng hoảng của Trung Quốc đã kéo tụt tốc độ tăng trưởng kinh tế và đè nặng lên khả năng chi tiêu của người tiêu dùng nước này. Đồng thời, trong các lĩnh vực như ô tô và sản phẩm tiêu dùng, các thương hiệu nước ngoài ở Trung Quốc đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu nội địa ngày càng được người dân nước này ưa chuộng do tiến bộ công nghệ và tinh thần chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng.
Thời gian qua, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài - một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ông Ling cho biết, kế hoạch hành động mới sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế, cải thiện hỗ trợ pháp lý và thu hút đầu tư dài hạn vào các công ty niêm yết đại chúng của Trung Quốc.
Trong kế hoạch mới được công bố, Bắc Kinh cũng hứa sẽ mở rộng chương trình thí điểm trao quyền sở hữu hoàn toàn cho nước ngoài trong các lĩnh vực như viễn thông, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Nhà chức trách tuyên bố sẽ xây dựng các chính sách mới để khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài tái đầu tư vào Trung Quốc và dỡ bỏ các hạn chế đối với việc các công ty nước ngoài sử dụng vốn vay trong nước.
Dòng vốn nước ngoài giảm mạnh là một trong những dấu hiệu cho thấy các vấn đề kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc. Những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt chắc chắn sẽ gia tăng khi tăng trưởng chậm lại, và thực tế này có thể đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có ít dư địa hơn để ứng phó với những thay đổi chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sau khi nhậm chức vào tháng 1 vừa qua, ông Trump đã nhanh chóng khơi lại căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Đầu tháng này, ông áp thuế quan 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp thuế quan lên một số hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng vẫn có khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại trên diện rộng nếu ngồi vào bàn đàm phán.
Một cuộc khảo sát thường niên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Trung Quốc được công bố vào tháng trước cho thấy hơn một nửa số doanh nghiệp Mỹ dự báo mối quan hệ song phương ngày càng xấu đi, với con số kỷ lục 30% doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đang cân nhắc hoặc đã chuyển hoạt động ra khỏi nước này.
Trong khi đó, quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc do cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ trước của ông Trump đã được đẩy nhanh bởi đại dịch toàn cầu Covid-19 - nguyên nhân gây ra sự gián đoạn đối với các công ty có cơ sở sản xuất tại đây.
Ngoài ra, môi trường quy chế giám sát được siết chặt ở Trung Quốc cũng khiến đầu tư vào nước này trở nên kém hấp dẫn hơn trước. Một loạt quy định mới liên quan đến an ninh nhà nước và luật phản gián được ban hành trong vài năm qua đã khiến các công ty nước ngoài lo lắng, bên cạnh các vụ bắt giữ các giám đốc điều hành và nhân viên người nước ngoài gây tâm lý bất an trong cộng đồng doanh nghiệp.