Vụ thất thoát tại CNS: Nguy cơ lợi dụng Quy chế khen thưởng để làm trái luật
Điều lệ công ty cũng thể hiện, “trường hợp có những quy định mới của pháp luật khác với những điều trong Điều lệ này thì những quy định của pháp luật đó đương nhiên được áp dụng và điều chỉnh hoạt động của Tổng công ty”, tuy nhiên các bị can vẫn sử dụng quy chế khen thưởng cũ để chi thưởng hơn 17,3 tỷ đồng trái quy định.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (viết tắt là CNS) gồm ông Chu Tiến Dũng (SN 1962, cựu Tổng giám đốc) và 9 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cáo trạng thể hiện, CNS là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TPHCM, được thành lập năm 2006 theo mô hình công ty mẹ - con, kinh doanh đa ngành. Đến năm 2021, công ty có vốn điều lệ 2.608 tỷ đồng.
Việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng được pháp luật quy định cụ thể tại các Nghị định. Doanh nghiệp phải ban hành Quy chế quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Tổng giám đốc là người quyết định mức chi thưởng cho đối tượng được hưởng theo đúng mục đích sử dụng của Qũy.
Các bị can khác gồm: Đỗ Văn Ngà (SN 1967, kế toán trưởng), Nguyễn Hoành Hoa (SN 1958, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên), Nguyễn Hoàng Anh (SN 1982, cựu Phó Tổng giám đốc);
Hoàng Minh Trí (SN 1973, đại diện phần vốn của CNS tại TIE, thành viên HĐQT của TIE, phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung thuộc CNS), Lê Viết Ba (SN 1982, Phó phòng Tài chính – kế toán CNS), Nguyễn Đức Vượng (SN 1973, chánh văn phòng CNS), Vũ Lê Tùng (SN 1966, phó Tổng giám đốc CNS), Huỳnh Tấn Tư (SN 1969, phó Tổng giám đốc CNS).
Ngoài ra còn các bị can Phạm Thúy Oanh (SN 1972, kế toán trưởng Công ty cổ phần TIE).
Cáo trạng thể hiện, từ ngày 20/1 – 4/12/2015, CNS đã chi tiền thưởng cho cá nhân, đơn vị ngoài doanh nghiệp số tiền hơn 4,3 tỷ đồng nhưng không có chứng từ như danh sách chi thưởng, báo cáo thành tích…).
Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định, giai đoạn này việc chi tiền từ Qũy khen thưởng căn cứ theo Quy chế được ban hành năm 2014 theo hướng dẫn tại nghị định 71/2013-NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Quy chế này không quy định cụ thể mức thưởng nên việc chi trên là đúng quy định tại Nghị định.
Tuy nhiên, từ ngày 1/12/2015, Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 thay thế Nghị định số 71, quy định rõ “Doanh nghiệp phải ghi rõ mức thưởng trong Quy chế quản lý sử dụng quỹ để quản lý và sử dụng…”. Do quy định thay đổi nên Quy chế năm 2014 cũng hết hiệu lực và phải sửa đổi.
Cáo trạng cho rằng, ngày 9/12/2015, UBND TPHCM có công văn gửi CNS để triển khai Nghị định 91. Các cá nhân thuộc Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo phòng tài chính kế toán, văn phòng nắm rõ việc phải ban hành quy chế mới.
Từ năm 2016, CNS có công văn dự thảo Điều lệ để tổng hợp, trình UBND TPHCM nhưng UBND TPHCM chưa ban hành quyết định phê duyệt Điều lệ của CNS. Do Điều lệ mới chưa được phê duyệt nên công ty chưa ban hành Quy chế mới.
Song ngay tại Điều lệ công ty cũng thể hiện, “trường hợp có những quy định mới của pháp luật khác với những điều trong Điều lệ này thì những quy định của pháp luật đó đương nhiên được áp dụng và điều chỉnh hoạt động của Tổng công ty”.
Do đó, Viện kiểm sát cáo buộc các bị can sử dụng quy chế cũ để chi thưởng hơn 17,3 tỷ đồng từ ngày 27/4/2016 đến ngày 29/6/2018 là trái quy định tại Nghị định 91.
Theo cáo buộc, do có sự thống nhất trong Ban lãnh đạo công ty về việc sử dụng nguồn tiền từ quỹ khen thưởng để phục vụ công tác đối ngoại, ngoại giao, tri ân với các đơn vị, cá nhân ngoài công ty vào các dịp lễ, tết trong năm hoặc đột xuất nên khi có đề xuất, Ban giám đốc và Phòng kế toán – tài chính không kiểm tra thông tin về đối tượng được khen thưởng, thành tích cụ thể, cơ sở để đưa ra mức khen thưởng, gây thất thoát số tiền lớn cho công ty.
Trong đó, ông Chu Tiến Dũng phải chịu trách nhiệm về số tiền thất thoát hơn 17,3 tỷ đồng.Cơ quan tố tụng xác định ông Dũng có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình làm việc, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, ăn năn hối cải.
Ngoài ra, cơ quan tố tụng truy tố các bị can về hành vi thoái vốn tại Công ty cổ phần TIE (vốn điều lệ 95,6 tỷ đồng, CNS nắm giữ 70% vốn), gây thất thoát hơn 4,6 tỷ đồng.
Theo đó, từ năm 2014- 2016, UBND TPHCM có kế hoạch tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư của CNS tại TIE.
Cáo buộc thể hiện, nhóm đại diện vốn biết rõ, tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2015, TIE có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 12,1 tỷ đồng nên CNS sẽ được hưởng lợi tức. Nhưng các bị can không điều chỉnh thời điểm, phương án thoái vốn để CNS nhận được cổ tức năm 2015. CNS bị mất quyền nhận cổ tức năm 2015 là hơn 4,6 tỷ đồng.
Với hành vi này, ông Nguyễn Hoành Hoa phải chịu trách nhiệm chính. Hiện ông Hoa đã khắc phục hơn 3,1 tỷ đồng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.