10:11 19/09/2007

Vừa cho vay vừa sợ

Nguyễn Hoài

Những bất cập về luật đang khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vì ngân hàng sợ bị mất tiền

Một khi ngân hàng còn e ngại bị ... xù nợ vì luật thiếu minh bạch thì hành trình của nguồn vốn còn rất khó khăn mới đến được với doanh nghiệp.
Một khi ngân hàng còn e ngại bị ... xù nợ vì luật thiếu minh bạch thì hành trình của nguồn vốn còn rất khó khăn mới đến được với doanh nghiệp.
Bất cập trong hệ thống pháp luật đăng ký giao dịch bảo đảm và đảm bảo tiền vay đang làm cho bên vay và cho vay cũng như cơ quan giải quyết tranh chấp không biết đi theo hướng nào. Thực tế này dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vì ngân hàng sợ bị mất tiền...

Tại buổi hội thảo "Đăng ký giao dịch bảo đảm và đảm bảo tiền vay" do Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức tại trụ sở Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 17/9/2007, nhiều ý kiến đã bày tỏ vướng mắc xung quanh giao dịch bảo đảm và bảo đảm tiền vay.

Luật mâu thuẫn luật!

Điều ngạc nhiên, khi vướng mắc đầu tiên lại do chính bà Nguyễn Thuý Hiền, Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch Bộ Tư pháp - Nơi vẫn rà soát hiệu lực pháp lý các văn bản pháp luật trước khi ban hành, nêu ra: "Luật dân sự cho phép một tài sản được thế chấp nhiều nơi, tổng giá trị tài sản thế chấp có thể nhỏ hơn, bằng hoặc lớn hơn tổng giá trị các khoản vay nhưng điều 114 Luật Nhà ở thì quy định rằng, nhà ở chỉ được thế chấp một nơi, tổng giá trị tài sản phải lớn hơn tổng tài sản vay và chỉ thế chấp tín dụng".

Mặc dù nhiều người cho rằng điều này không mâu thuẫn vì Luật nhà ở là luật chuyên ngành, còn Luật dân sự là luật chung, nên khi thực thi thì luật chuyên ngành vẫn được ưu tiên áp dụng nhưng theo bà Hiền, thực tế này không thể chấp nhận được vì Luật Nhà ở đang "bó" những thoả thuận, cam kết tự nguyện giữa bên cho vay và bên vay theo Luật Dân sự.

Ông Vũ Văn Trình, trưởng ban tín dụng doanh nghiệp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) lại nêu ra một vướng mắc khác liên quan đến thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm: "Theo Thông tư 05/2005/TTLT - BTP - BTNMT thì mức lệ phí đăng ký cầm cố, thế chấp là 60 nghìn đồng/trường hợp.

Và dù khách hàng vay nhiều hay ít, thế chấp bằng một hay nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng chỉ với số tiền ấy. Nhưng cán bộ một số địa phương lại vận dụng khái niệm "trường hợp" bằng cách yêu cầu mỗi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đi liền với một đơn yêu cầu đăng ký thế chấp và thu 60 nghìn đồng/một đơn yêu cầu".

Với sự "sáng tạo" này, ở Hà Nội, khách hàng khi đăng ký giao dịch bảo đảm phải nộp 02 khoản gồm lệ phí (60 nghìn đồng) và đăng ký thế chấp (330 nghìn đồng đã có VAT)!

Giải quyết như thế nào?

Với sự chồng chéo này đã gây không ít khó khăn đối với tiếp cận tín dụng cũng như xử lý các khoản nợ khó đòi.Trước hết, đối với vấn đề đăng ký giao dịch bảo đảm. Tại khoản 1, điều 2 Nghị định 08/2000/NĐ - CP ngày 10/3/2000 và khoản 1 điều 12 Nghị định 163/2006/NĐ - CP ngày 26/12/2006 đã có sự khác biệt ở chỗ: nếu thế chấp bằng quyền sử dụng đất theo Nghị định 08 thì không phải đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng nếu chiểu theo Nghị định 163 hay Luật Đất đai 2003 thì vẫn phải đăng ký giao dịch. Vậy, ngân hàng phải thực hiện như thế nào?

Một ví dụ khác mà đại diện Ngân hàng Công thương đưa ra đã cho thấy hành lang pháp lý cho hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm còn hết sức "lộ cộ": việc đăng ký giao dịch bảo đảm thực hiện phân tán nhiều cơ quan như Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm thuộc Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp); Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc cơ quan quản lý nhà đất còn Cục Hàng không dân dụng lại thực hiện đăng ký thế chấp máy bay và Cục Hàng hải thực hiện đăng ký thế chấp tàu biển... Sự phân tán này đã gây nên hàng loạt kẽ hở trong quản lý.

Cụ thể là tài sản đã được dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ vay nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn làm thủ thục pháp lý để chuyển tài sản; xe ô tô đăng ký ở phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh nhưng khi cầm cố lại được đăng ký tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

Vì thế mà có chuyện nực cười rằng, ngay cả trong trường hợp người nhận bảo đảm giữ giấy tờ xe (bản chính) thì chủ xe vẫn có thể báo mất đăng ký, xin cấp lại để bán cho người khác và làm thủ tục sang tên như thường, còn bên "bảo đảm" thì chỉ bảo đảm với một tờ giấy vô tri!

Tiếp đó là vấn đề khó khăn trong việc xử lý khoản nợ chây ỳ. Theo lẽ thường, khi một giao dịch diễn ra giữa bên vay và cho vay luôn được kết thúc bằng một hợp đồng dân sự và đó bằng chứng pháp lý cao nhất. Đáng lẽ, việc xử lý hết sức đơn giản vì đã được quy định rất cụ thể trong các văn bản luật nhưng đến khi ra toà, toà cứ kéo hết toà nọ đến toà kia, từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm đến tái thẩm, từ năm này qua năm khác, làm cho người đi đòi nợ phải kéo dài thời gian, phải cử người vào nơi đang diễn ra phiên toà, thuê văn phòng chỉ để đòi nợ, hết sức nhiêu khê và mệt mỏi.

Cũng tại buổi hội thảo này, nếu tính sơ sơ các kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm và bảo đảm tiền vay thì phải lên tới vài chục kiến nghị.

Ông Trần Dũng, Trưởng phòng Pháp chế - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn nói kiến nghị sửa đổi bổ sung đối với điều 324, 325 và điều 361 đến 371 Bộ luật Dân sự liên quan đến vấn đề tài sản đảm bảo và bảo lãnh; điểm C điều 10 Nghị định 163/2006/NĐ - CP liên quan đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm...

Ông Phan Đức Tú, Phó tổng giám đốc Đầu tư và Phát triển, kiến nghị xử lý vướng mắc liên quan đến điều 114 Luật nhà ở.

Tiếp thu những phản hồi này, bà Nguyễn Thuý Hiền cho rằng: "Bộ Tư pháp sẽ tham mưu và trình Chính phủ để Chính phủ trình quốc hội "Dự luật Đăng ký giao dịch bảo đảm" theo hướng rút gọn, thuận tiện cho giao dịch của các tổ chức tín dụng, giảm chi phí cho bên vay cũng như bên cho vay. Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm đến cải cách tổ chức để thu gọn địa điểm đăng ký bảo đảm giao dịch, để hướng tới hệ thống đăng ký mới thuận tiện và thân thiện".

Tuy nhiên, trong lúc chờ luật mới, chờ "thuận tiện và thân thiện" từ hệ thống đăng ký giao dịch như bà Hiền "hứa" thì hiện tại, các ngân hàng vẫn đối mặt với sự nhiêu khê của thủ tục "hành là chính"!

Một chuyên gia cho rằng, một khi ngân hàng còn e ngại bị ... xù nợ vì luật thiếu minh bạch thì hành trình của nguồn vốn còn rất khó khăn mới đến được với doanh nghiệp.