08:24 07/05/2019

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang vướng "điểm nghẽn" nào?

Bảo Quyên

Giao thông đô thị đang được cho là điểm nghẽn nghiêm trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đòi hỏi sự liên kết hành động chặt chẽ hơn giữa các địa phương chứ không phải là sự cố gắng của từng địa phương.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đòi hỏi sự liên kết hành động chặt chẽ hơn giữa các địa phương chứ không phải là sự cố gắng của từng địa phương.

"Là một vùng kinh tế động lực nhưng kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, chất lượng phát triển đô thị còn thấp, chỉ số PCI, PAPI trong những năm gần đây còn chưa cao, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, đang là rào cản, cản trở sự phát triển của vùng".

Đánh giá trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại hội nghị phát triển vùng kinh tế trong điểm phía Nam, do Chính phủ tổ chức tại Đồng Nai ngày 6/5.

"Không có giao thông kết nối thì thất bại"

Cùng với những tồn tại trên, Thủ tướng cũng chỉ ra bất cập về cơ chế, chính sách cho phát triển vùng chưa được hoàn thiện, thiếu đột phá. Còn thiếu sự liên kết vùng, vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", dẫn tới không thể liên kết mạnh mẽ được, công tác phối hợp giữa các địa phương trong vùng còn rất hạn chế.

Theo người đứng đầu Chính phủ, muốn vùng kinh tế trong điểm phía Nam phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế của cả nước, thì phải thống nhất quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng. Phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính.

Vùng kinh tế trong điểm phía Nam đã được gọi là vùng trọng điểm thì phải có cơ chế chính sách hoạt động đặc thù cho toàn vùng để bảo đảm sự phát triển thuận lợi, thực hiện sứ mệnh đàu tàu dẫn dắt các vùng kinh tế khác.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trong vùng phải rà lại, chỉ đạo quyết liệt từng chỉ tiêu, có biện pháp đồng bộ để bố trí đội ngũ cán bộ xứng tầm trong triển khai thực hiện, nhất là những mũi quan trọng.

Có mặt tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn thừa nhận, việc phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông của khu vực, nếu nhìn về lâu dài, là không ổn. Đơn cử, ở Tp.HCM hiện cứ 1 km2 đất thì có 2,1 km đường trong khi theo tiêu chuẩn phải là 1 km2 có 10 km đường. Người đứng đầu thành phố nhìn nhận, cơ sở hạ tầng - giao thông của Tp.HCM đang ngày một căng thẳng do lượng người và phương tiện tăng mạnh qua mỗi năm.

Do đó, Bí thư Thành ủy Tp.HCM kiến nghị, cần rà soát quy hoạch vùng về kinh tế, giao thông, đặc biệt là việc phân bổ ngân sách bởi mức phân bổ ngân sách hiện nay quá thấp so với đóng góp kinh tế mà vùng này mang lại cho cả nước.

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói rằng, quá tải về hạ tầng giao thông của khu vực này đang là bài toán cần có lời giải. Tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, cảng biển Cái Mép - Thị Vải thiếu đồng bộ trong kết nối với giao thông đường bộ, tuyến đường sắt Bắc - Nam cũ kỹ.

"Giao thông đô thị đang là điểm nghẽn nghiêm trọng của vùng kinh tế trọng điểm này", Bộ trưởng Thể nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cho rằng, cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, đặc biệt là các tuyến cao tốc, hệ thống đường vành đai Tp.HCM, hệ thống cảng - logistics. Một số ý kiến kiến nghị cũng tập trung vào việc phát triển các tuyến giao thông kết nối vùng như xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng vận chuyển hàng hóa cho cả vùng…

"Không phải xong hội nghị rồi thôi"

Nhìn nhận ở phạm vi rộng hơn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp tới 47% GDP của cả nước, đang đối mặt với khó khăn trong duy trì tăng trưởng, đòi hỏi sự liên kết hành động chặt chẽ hơn giữa các địa phương chứ không phải là sự cố gắng của từng địa phương.

"Qua thực tiễn khảo sát ở các địa phương, tỉnh Đồng Nai "sốt ruột" muốn đầu tư kết nối hạ tầng với thành phố Hồ Chí Minh nhưng thành phố Hồ Chí Minh thì thấy bình thường. Tỉnh Bình Dương lại sốt ruột muốn kết nối với Đồng Nai nhưng Đồng Nai thấy chưa quan trọng", Phó thủ tướng dẫn thực tế bất cập trong đầu tư hạ tầng vùng và yêu cầu Hội đồng vùng phải "ngồi lại" sắp xếp thành danh mục các dự án ưu tiên, mang tính liên kết vùng", Phó thủ tướng nói.

Ghi nhận các ý kiến phản ánh, góp ý nói trên, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổng hợp để soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làm cơ sở tổ chức thực hiện, "chứ không phải xong hội nghị rồi thôi".

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vùng kinh tế năng động bậc nhất của Việt Nam, là trung tâm thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Đây cũng là nơi khởi nguồn cho những đột phá kinh doanh thời lúc bắt đầu mở cửa đất nước.

Nổi bật nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong lĩnh vực giao thông, trong đó nhiều dự án mang tính nội vùng, liên vùng về giao thông đã được triển khai và đưa vào khai thác như dự án cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là tại các khu đô thị để tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội và tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Tạo điều kiện, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn; cần tôn vinh các dự án và lên án đấu tranh đối với các doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh; tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm... làm cho môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư và các hạng mục dự án sân bay quốc tế Long Thành đã được giao. Thủ tướng nêu rõ, phấn đấu trong năm 2020 phải khởi công công trình này.

Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu phải khánh thành đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ trong năm 2021.