10:42 12/04/2007

“Western Union không chỉ có chuyển tiền”

Nguyên Thành

“Hiện tại, Western Union đã có 3.300 điểm đại lý và quan hệ hợp tác với hơn 30 ngân hàng tại Việt Nam”

Bà Christina A.Gold, Chủ tịch Western Union.
Bà Christina A.Gold, Chủ tịch Western Union.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Western Union, bà Christina A.Gold vừa có chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 10 và 11/4. Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà.

Xin bà cho biết mục đích chính chuyến thăm Việt Nam lần nay?

Cách đây 3 năm tôi đã có chuyến thăm đến Việt Nam nhân ngày khai trương văn phòng đại diện của Western Union tại Tp.HCM.

Đây là chuyến thăm thứ 2 của tôi và mục đích chính là gặp gỡ các đối tác đã góp phần cho những thành công của Western Union tại Việt Nam. Chuyến thăm này cũng là dịp để Western Union thể hiện sự cam kết đầu tư lâu dài của mình đối với thị trường Việt Nam.

Western Union có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, vậy bà nhận định thế nào về kết quả đạt được sau 13 năm hoạt động tại thị trường này?

Western Union đã có một sự tăng trưởng rất nhanh trong khu vực cũng như tại Việt Nam.

Hiện nay tại Việt Nam chúng tôi đã có 3.300 điểm đại lý và quan hệ hợp tác với hơn 30 ngân hàng, và theo các con số thống kê thì năm 2006, đã có lượng tiền trên 4 tỷ USD được chuyển vào Việt Nam và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, chiếm 7% tổng giá trị của GDP, như vậy đây là một phần rất quan trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam, trong đó có một phần đóng góp nhỏ của Western Union.

Tại thị trường Việt Nam thì nhóm khách hàng tiềm năng của Western Union là đối tượng nào, thưa bà?

Hiện nay, chúng tôi kết hợp cả lượng tiền chuyển về cũng như lượng tiền chuyển đi. Lượng tiền chuyển về gồm của người Việt sống tại hải ngoại chuyển về cho thân nhân.

Ngoài ra hiện lực lượng lao động đang làm việc tại nước ngoài cũng là một phân khúc khách hàng có nhiều tiềm năng. Theo những con số mà chúng tôi có được thì hiện nay có hơn 400.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài, tạo ra khoản ngoại tệ trên 1,6 tỷ USD.

Cục Quản lý lao động Việt Nam tại hải ngoại dự kiến trong năm 2006 sẽ xuất khẩu 80.000 lao động sang các thị trường nước ngoài, và đến năm 2010 con số này sẽ tăng 10.000 người.

Về số lượng tiền chuyển đi gồm có thân nhân chuyển tiền cho con em đang học tập ở nước ngoài. Nhưng khi mà kinh tế thay đổi thì lượng tiền chuyển đi cũng sẽ thay đổi theo, nói như thế có nghĩa là không chỉ có một chiều chuyển về không, mà có cả lượng tiển chuyển đi và chuyển về từ hai phía.

Dịch vụ của Western Union không chỉ gói gọn trong phạm vi chuyển tiền đi và chuyển tiền về mà chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ khác như : thanh toán cước phí, hoá đơn, chuyển tiền lương của nhân viên v.v...

Trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO, bà có nghĩ sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn so với thời gian trước đây không, thưa bà?

Ở bất kỳ quốc gia nào cũng có sự cạnh tranh gay gắt, nhưng với lịch sử hoạt động 155 năm của Western Union thì riêng tại Việt Nam, chúng tôi nhận thức được rõ ràng như thế này, trong năm 2003 thị phần của chúng tôi là 10% nhưng chỉ 3 năm sau, vào năm 2006 thì nó đã tăng lên là 17,4%, điều này cho thấy là chúng tôi thích cạnh tranh.

Vì sự cạnh tranh sẽ làm cho Western Union ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đối với việc gia nhập WTO của Việt Nam, thì đây là cơ hội cho Việt Nam và chúng tôi rất vui được góp phần vào quá trình phát triển của Việt Nam, khi mà các doanh nghiệp và cá nhân ngày càng chuyển tiền nhiều hơn về cho đất nước.

Chiến lược phát triển tiếp theo của Western Union tại Việt Nam là gì, thưa bà?

Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động tốt để thương hiệu Western Union tồn tại lâu dài tại Việt Nam, nơi mà chủ yếu là nhận tiền chuyển vào.

Còn tại quốc gia mà luợng tiền chuyển đi nhiều như ở Châu Âu, Mỹ thì chúng tôi cũng tăng cường mở rộng các điểm đại lý để cung cấp các dịch vụ chuyển tiền nhanh, đáng tin cậy... và hiện tại thì khách hàng có thể chuyển tiền từ 300.000 điểm đại lý của chúng tôi tại 200 quốc gia trên thế giới.