Xây dựng lộ trình chuyển đổi số, PVcomBank đặt mục tiêu tỷ trọng giao dịch trên kênh số 70%-90% vào 2030
Ngày 20/04/2024, Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã thông qua 11 nội dung quan trọng liên quan đến kết quả kinh doanh năm 2024 và kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Ngân hàng...
Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua: Báo cáo về kết quả hoạt động năm 2023, định hướng hoạt động năm 2024 của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và của PVcomBank. Đại hội cũng thông qua báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2023 của PVcomBank; Tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập; Tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023; Báo cáo tình hình sử dụng Quỹ thù lao, tiền thưởng HĐQT, Ban kiểm soát năm 2023 và kế hoạch Quỹ thù lao, tiền thưởng năm 2024.
Đại hội cũng thông qua Tờ trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của PVcomBank; Tờ trình chủ trương tăng vốn điều lệ của PVcomBank và giao HĐQT xây dựng phương án cụ thể.
Theo báo cáo tại Đại hội, năm 2023, nhờ vào việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, PVcomBank đã đưa ra các chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp trong từng thời kỳ, kiên định mục tiêu tăng trưởng đi đôi với chất lượng, an toàn, phát triển bền vững và hiệu quả. Nhờ đó, Ngân hàng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong năm 2023, quy mô hoạt động tăng trưởng có chọn lọc và bền vững, đảm bảo an toàn hoạt động.
Tại thời điểm 31/12/2023, so với kế hoạch cả năm, doanh thu hợp nhất bằng 148,4%; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất bằng 100,3%. Riêng Ngân hàng mẹ, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt so với kế hoạch năm 2023 lần lượt là 151,1% và 116,5%. So với năm 2022, doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với tăng tưởng đạt 20%, doanh số mua bán ngoại tệ tăng 24%.
Trong các tháng cuối năm 2022 và hai tháng đầu năm 2023, lãi suất huy động liên tục tăng mạnh. Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, lãi suất huy động vốn đã giảm mạnh. Bám sát các diễn biến của thị trường, PVcomBank đã điều hành linh hoạt hoạt động huy động vốn. Tính đến 31/12/2023, số dư huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 197.509 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2022, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, đảm bảo thanh khoản và giảm chi phí vốn của Ngân hàng.
Bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, PVcomBank triển khai nhiều biện pháp giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất đối với khách hàng đang vay vốn, ban hành các chính sách ưu đãi, cắt giảm tối đa thủ tục vận hành, qua đó hỗ trợ khách hàng tiếp cận với nguồn vốn vay một cách nhanh chóng. Ngân hàng triển khai nhiều chương trình ưu đãi tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực là động lực của tăng trưởng kinh tế. Tổng dư nợ năm 2023 đạt 118.443 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm 31/12/2022. PVcomBank cũng tăng cường công tác quản trị rủi ro tín dụng, thực hiện chặt chẽ việc đánh giá chất lượng khách hàng, khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn và kiểm soát nợ xấu đảm bảo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Song song đó, PVcomBank đã tập trung nguồn lực thực hiện phương án tái cơ cấu, tăng cường công tác xử lý thu hồi nợ bằng nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Kết quả, Ngân hàng đã thu hồi/xử lý được 3.713,2 tỷ đồng.
Cùng với các hoạt động kinh doanh chính, PVcomBank tập trung nguồn lực cho công tác chuyển đổi số toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng phục vụ khách hàng. Ngân hàng đã xây dựng một lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2025 – 2030 với mục tiêu tỷ trọng các giao dịch và nghiệp vụ thực hiện trên môi trường số đạt từ 50% - 70% vào năm 2025 và từ 70% - 90% vào năm 2030. PVcomBank tăng cường hợp tác với đối tác IBM trong việc phát triển hệ thống ngân hàng mở, làm việc với Amazon để xây dựng chiến lược chuyển đổi các ứng dụng quan trọng lên hạ tầng Cloud nhằm mục đích nâng cao tính sẵn sàng, khả năng mở rộng, tối ưu hóa chi phí và giảm thiểu rủi ro trong vận hành.
Ở mảng khách hàng cá nhân, nhiều sản phẩm, dịch vụ của PVcomBank đã dịch chuyển dần sang kênh số và hệ sinh thái số của đối tác như: Mua vàng online; Triển khai tài khoản nhiều số hiệu; Chuyển tiền quốc tế cho khách hàng cá nhân trên kênh số; Ra mắt Mobile Banking phiên bản PVConnect…
Trên tiến trình đồng hành cùng Chính phủ và ngành ngân hàng hoàn thành mục tiêu tại Đề án 06 thuộc lĩnh vực ngân hàng cũng như Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, PVcomBank đã thể hiện được vai trò tiên phong khi là một trong số ít ngân hàng kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để triển khai dịch vụ mở tài khoản thanh toán bằng eKYC thông qua việc định danh căn cước công dân gắn chip, giúp quy trình xác thực diễn ra nhanh chóng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm khâu thủ tục cho khách hàng và cả Ngân hàng.
Việc số hóa sản phẩm dịch vụ dành cho tập khách hàng tổ chức cũng được PVcomBank tập trung chú trọng với những kết quả tích cực như: Mở tài khoản thanh toán bằng eKYC; Dịch vụ thu chi hộ, dịch vụ cổng thanh toán; Phát triển/hoàn thiện PVcomBank Business phiên bản mới có các tính năng vượt trội như bảo mật cao, giao diện hiện đại, thông minh cho phép phê duyệt giao dịch, cấp mã OTP; Tích hợp các sản phẩm tài chính ngân hàng số đồng thời liên kết với hệ thống ERP của doanh nghiệp; Tích hợp giải pháp eKYC cho phép khách hàng doanh nghiệp có thể định danh 100% trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ ORC và AI...
Khi trải nghiệm và giá trị của khách hàng ngày một gia tăng, uy tín của PVcomBank cũng được nâng tầm. Đây cũng là một yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng tới 93% khách hàng mới – tương đương đạt 2,36 triệu khách hàng so với năm 2022.