Xe Tesla bị điều tra, Elon Musk mất ngay 8 tỷ USD
Cơ quan an toàn giao thông liên bang Mỹ mở một cuộc điều tra chính thức về 11 vụ tai nạn liên quan đến ô tô điện Tesla sử dụng hệ thống Autopolot hoặc các tính năng lái tự động khác đâm vào xe khẩn cấp đang làm nhiệm vụ tại hiện trường của một vụ tai nạn trước đó...
Theo tin từ CNN, Cơ quan An toàn giao thông đường cao tốc Mỹ (NHTSA) cho biết 7 vụ tai nạn trong số trên gây thương vong, với 17 người bị thương và 1 người tử vong. Trong tất cả các vụ đâm va này, xe Tesla gây tai nạn đều đang bật hệ thống lái tự động Autopilot hoặc tính năng kiểm soát hành trình chủ động (adaptive cruise control).
Giá cổ phiếu Tesla có lúc sụt 5% trong phiên giao dịch ngày 16/8, rồi chốt phiên với mức giảm 4,3%. Cú giảm này khiến giá trị tài sản ròng của Tổng giám đốc (CEO) Tesla, ông Elon Musk, giảm 7,6 tỷ USD - theo dữ liệu từ hãng tin Bloomberg.
Các vụ tai nạn được NHTSA điều tra xảy ra trong thời gian từ ngày 222/1/2018 đến ngày 10/7/2021, tại 9 bang của Mỹ. Các vụ tai nạn này chủ yếu xảy ra vào ban đêm, và hiện trường của tai nạn trước đó đều đã thực thi các biện pháp kiểm soát như đèn tín hiệu của xe khẩn cấp, đèn báo hiện trường, biển báo và cọc tiêu giao thông. Tuy nhiên, khi di chuyển tới các hiện trường này, ô tô Tesla đã không tránh được mà đâm thẳng vào xe khẩn cấp đang có mặt ở đó.
Hiện Tesla chưa lên tiếng về cuộc điều tra của NHTSA. Đây không phải là lần đầu tiên tính năng Autopilot bị đặt dấu chấm hỏi. Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) từng kết luận rằng Autopilot là một phần nguyên nhân dẫn tới một vụ tai nạn hồi năm 2018 ở Florida khiến một tài xế xe Tesla tử vong.
Trong một vụ khác, cảnh sát một vùng ngoại ô Houston cho biết không có tài xế trên ghế lái một chiế Tesla gây tai nạn khiến 2 người thiệt mạng hồi đầu năm nay, và Tesla phủ nhận cáo buộc này. Tuy nhiên, vào tháng 4, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Tesla, ông Lars Moravy, xác nhận trong một cuộc trao đổi với nhà đầu tư rằng chiếc xe Tesla đó đã bật tính năng kiểm soát hành trình chủ động và tăng tốc lên 30 dặm/giờ trước khi gây ra vụ tai nạn.
Tesla đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm phát triển công nghệ tự lái hoàn toàn cho xe của hãng. Tesla nói dữ liệu của hãng cho thấy xe dùng Autopilot có tỷ lệ tai nạn tính trên mỗi dặm đường ít hơn so với xe được điều khiển hoàn toàn bởi tài xế. Tuy nhiên, hãng cũng cảnh báo “các tính năng Autopilot hiện tại đòi hỏi tài xế phải giám sát tích cực và không được để mặc cho xe tự động lái”.
NHTSA cho biết cuộc điều tra của cơ quan này nhằm mục đích “hiểu rõ hơn về nguyên nhân một số vụ tai nạn do xe Tesla gây ra”, bao gồm “các công nghệ và phương pháp được sử dụng để giám sát, hỗ trợ và bắt buộc sự tham gia của tài xế vào việc lái xe trong lúc Autopilot được bật”.
Cuộc điều tra liên quan đến các mẫu xe Tesla X, Y, S, và 3, đời từ 2014 đến 2021.
Nhà phân tích Gordon Johnson nói rằng cuộc điều tra của NHTSA không chỉ về những tài xế Tesla sử dụng Autopilot, mà còn về những tài xế khác lưu thông trên đường có thể bị “vạ lây” nếu bị xe Tesla tông vào. “NHTSA đang xem xét một mối nguy hiểm đặc biệt mà Tesla tạo ra cho những người ở bên ngoài xe Tesla, bao gồm những người không bao giờ muốn dùng Autopilot. Bởi thế, đừng nói đến chuyện ‘tài xế Tesla chấp nhận những rủi ro từ Autopilot’ nữa”, ông Johnson, một nhà phê bình Tesla, viết trong một báo cáo.
Những tính năng tự lái như Autopilot của Tesla, hay tính năng kiểm soát hành trình chủ động vốn phổ biến trên nhiều mẫu xe của các hãng khác hiện nay, có tác dụng giảm tốc chiếc xe khi xe phía trước đi chậm lại - theo chuyên gia Sam Abuelsamid thuộc Guidehouse Insights.
Tuy nhiên, ông Abuelsamid cũng nói rằng những tính năng trên bỏ qua những vật thể tĩnh khi xe di chuyển với tốc độ trên 40 dặm/giờ, nên không giảm tốc khi xe di chuyển qua những vật thể tĩnh bên lề đường, chằng hạn một chiếc xe đỗ bên lề đường. Trong trường hợp di chuyển chậm hơn, những chiếc xe này có phanh tự động khi đi qua những vật thể tĩnh.
Theo vị chuyên gia, vấn đề nằm ở chỗ nhiều tài xế xe Tesla có niềm tin rằng xe của mình có thể tự lái chuẩn xác hơn những ô tô khác có tính năng lái tự động. Trong khi đó, khi xe di chuyển qua hiện trường của một vụ tai nạn trước, với biển báo và đèn hiệu, thì tài xế là con người lẽ ra phải có cảm nhận tốt hơn so với một hệ thống lái tự động là máy móc.
“Hệ thống có thể hoạt động rất tốt trong phần lớn thời gian”, ông Abuelsamid nói về Autopilot của Tesla. “Nhưng hệ thống cũng dễ dàng nhầm lẫn những thứ mà con người không bị nhầm. Con mắt của máy móc không thể linh hoạt như mắt người. Vấn đề là tất cả mọi hệ thống máy móc đôi khi vẫn gây ra những lỗi ngớ ngẩn”.