12:11 30/12/2009

Xếp hạng tập đoàn kinh tế thế giới 2009: Thời của dầu khí

GS. Nguyễn Quang Thái

Nhìn từ bảng xếp hạng các năm 2008 và 2009, có thể thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của các tập đoàn

7/10 tập đoàn có doanh số hàng đầu đều thuộc lĩnh vực dầu khí - Ảnh: AP.
7/10 tập đoàn có doanh số hàng đầu đều thuộc lĩnh vực dầu khí - Ảnh: AP.
Tạp chí nổi tiếng Fortune hằng năm đều đưa ra các bảng xếp hạng 100, 500 và 1.000 tập đoàn kinh tế mạnh nhất thế giới và theo từng nước trên các lĩnh vực.

Nhìn từ bảng xếp hạng các năm 2008 và 2009, có thể thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của các tập đoàn. Người viết xin nêu lên 5 nhận xét đáng chú ý:

1. Dầu khí lấn át Top 10

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã khiến các ngân hàng có vị trí khiêm tốn hơn, song điều này không đúng với các tập đoàn dầu khí: 7/10 tập đoàn có doanh số hàng đầu đều thuộc lĩnh vực dầu khí (Mỹ 4, Hà Lan 1, Anh 1, Trung Quốc 1), mặc dù trong số đó vẫn có tập đoàn thua lỗ nặng.

HTML clipboard
Xếp hạng 2009 Xếp hạng 2008 10 tập đoàn hàng đầu năm 2009 (tính theo doanh thu và lợi nhuận) Lĩnh vực Nước Doanh thu 2009 
(triệu USD)
Lợi nhuận 2009 
(triệu USD)
1 3 Royal Dutch Shell Dầu khí Hà Lan 458,361 26,277
2 2 Exxon Mobil Dầu khí Mỹ 442,851 45,220
3 1 Wal-Mart Bán lẻ Mỹ 405,607 13,400
4 4 BP Dầu khí Anh 367,053 21,157
5 6 Chevron Dầu khí Mỹ 263,159 23,931
6 8 Total Dầu khí Pháp 234,674 15,500
7 10 ConocoPhillips Dầu khí Mỹ 230,764 .16,998
8 7 ING Group Ngân hàng Hà Lan 226,577 .1,067
9 16 Sinopec Dầu khí Trung Quốc 207,814 1,961
10 5 Toyota Ôtô Nhật Bản 204,352 .4,349

Ba tập đoàn thuộc lĩnh vực kinh doanh khác là Wal-Mart (bán lẻ), ING Group (ngân hàng) và Toyota (ôtô).

Trong số 20 tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới năm 2009 có 5 của Mỹ; 2 của Trung Quốc; số còn lại chia đều cho các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Ý, Venezuela, Brazil, Na Uy, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Malaysia, Nhật Bản và Ấn Độ, với doanh số gần 100 tỷ USD đến gần 500 tỷ USD.

Tập đoàn điện lực lớn nhất Trung Quốc (State Grid) cũng nằm trong số 20 tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới.

2. Doanh thu không hẳn đi cùng lợi nhuận

Năm 2009 cũng chứng kiến mối quan hệ không mấy "đồng thuận" giữa doanh thu và lợi nhuận của các tập đoàn. Tập đoàn có doanh thu lớn vẫn có thể thua lỗ nặng, trong khi tập đoàn khác có doanh thu khiêm tốn hơn, nhưng lại có lợi nhuận cao hơn (xem bảng).

10 tập  đoàn lỗ lớn nhất (xếp theo mức lỗ) Doanh số (tỷ USD) Mức lỗ (tỷ USD) Doanh số (tỷ USD) Mức lỗ (tỷ USD) 10 tập đoàn lãi lớn nhất (xếp theo mức lãi)
38. Royal Bank of Scotland 113,087 43,167 442,851 45,220 2. Exxon Mobil
18. General Motors 148,979 30,860 141,455 29,864 22. Gazprom
39. Citigroup 112,372 27,684 458,361 26,277 1. Royal Dutch Shell
7. ConocoPhillips 230,764 16,998 263,159 23,931 5. Chevron
19. Ford 146,277 14,672 367,053 21,157 4. BP
31. Pemex 119,235 10,056 183,207 17,410 12. General Electric
52. Hitachi 99,544 7,837 101,565 16,670 48. Nestlé
70. Deutsche Bank 81,360 5,613 234,674 15,500 6. Total
16. Dexia Group 161,269 4,868 76,965 15,309 80. Petronas
10. Toyota 204,352 4,349 405,607 13,400 3. Wal-Mart
Tỷ  lệ lỗ/doanh thu từ  2% đến 40% từ  3% đến 20% Tỷ lệ lãi/doanh thu

Cũng từ bảng trên, có thể thấy 8/10 tập đoàn có lãi lớn nhất nằm trong lĩnh vực dầu khí; hai tập đoàn còn lại thuộc về các lĩnh vực thực phẩm và bán lẻ (đều có liên quan đến nhu cầu tiêu dùng).

Trong khi đó, 4/10 tập đoàn lỗ lớn nhất thuộc về ngành ngân hàng, 6 tập đoàn còn lại thuộc về ngành công nghiệp nặng (ôtô, dầu khí, khai mỏ và điện lực). Điều này phản ánh xu hướng chung là công nghiệp dầu khí nói chung vẫn lãi lớn, trong khi các ngân hàng và một số tập đoàn thuộc ngành công nghiệp nặng có độ rủi ro cao hơn trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu.

Như vậy sự lên xuống thứ hạng phụ thuộc vào chất lượng kinh doanh. Một tập đoàn có thứ hạng doanh số cao vẫn có thể lỗ lớn và ngược lại.

Một điển hình kém hiệu quả là tập đoàn ngân hàng Anh Royal Bank of Scotland (Anh) năm 2008 có doanh số 108 tỷ USD và lãi 15 tỷ USD, nhưng năm 2009 đã kinh doanh thua lỗ, dù có doanh số đạt tới 113 tỷ USD, nhưng lại lỗ hơn 43 tỷ USD (tỷ suất lỗ đến 40%). Tập đoàn xe hơi General Motors (Mỹ) từ mức doanh số 182 tỷ USD năm 2008 đã có mức lỗ đến gần 39 tỷ USD. Năm 2009, doanh số của General Motors dù đạt 149 tỷ USD, nhưng vẫn lỗ hơn 30 tỷ USD.

3. Nhiều tập đoàn của các nước phát triển lâm vào suy thoái

Trong tình trạng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008, các tập đoàn kinh tế từ Mỹ, Tây Âu và Nhật bản cũng trải qua nhiều khó khăn nghiêm trọng.

Tại Mỹ, lần đầu tiên sau nhiều năm, sự sụp đổ của hàng chục ngân hàng lâu đời, sự suy giảm của các hãng ôtô nổi tiếng... đã kéo theo sự suy giảm chưa từng có của nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Rất ít tập đoàn như General Electric giữ nguyên thứ bậc và có lãi đến 17 tỷ USD. Ngay tập đoàn bán lẻ Wal-Mart cũng giảm vị thế từ bậc 1 còn bậc 3. Nhiều "ông lớn" thua lỗ nặng, đòi hỏi có trợ cấp của chính phủ. Ngay hãng dầu khí Conoco cũng đã tăng sản lượng, do đó tăng thứ bậc, nhưng hiệu quả lại giảm, nên lỗ đến 17 tỷ USD. Các tập đoàn xe hơi General Motors lỗ 31 tỷ USD và sụt 9 bậc; Ford lỗ 14 tỷ USD...

Tháng 11/2009 vừa qua, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép Chính phủ được giải tán các tập đoàn tài chính lớn, vì cho rằng luật này cần thiết để ngăn ngừa những vụ sụp đổ làm tiêu tốn nhiều tỉ USD, và rằng thà chia tách những tập đoàn tài chính lớn còn hơn để gây hại cho nền kinh tế.

Tại Tây Âu, sự suy thoái của kinh tế Mỹ cũng đã dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Mặc dù không ít tập đoàn còn giữ được vị thế, thậm chí vươn lên hàng cao hơn như tập đoàn dầu khí của Hà Lan Royal Dutch Shell (từ bậc 3 lên 1); tập đoàn dầu khí BP của Anh (giữ bậc 4), tập đoàn dầu khí Total của Pháp (từ bậc 8 lên 6); tập đoàn xe hơi Wolkswagen của Đức (từ bậc 18 lên 14), ngân hàng Dexia của Bỉ (từ bậc 19 lên 16), tập đoàn bán lẻ Pháp Carrefour (từ bậc 33 lên 25)... thì nhiều tên tuổi khác đã phải lùi bước như ngân hàng BNP Paribas của Pháp (từ bậc 21 giảm còn 24, tụt 13 bậc), ngân hàng Crédit Agricole cũng của Pháp (từ bậc 23 giảm còn 46, tụt 23 bậc), tập đoàn bảo hiểm Assicurazioni Generali của Ý (từ bậc 34 giảm còn 47, tụt 13 bậc)...

Tại Nhật Bản, nước này đã có gần 20 năm trong tình trạng trì trệ và suy thoái kinh tế. Cho đến thời điểm này, sự phục hồi của kinh tế Nhật vẫn diễn ra chậm chạp. Trong điều kiện đó, hàng loạt tập đoàn kinh tế nổi danh một thời của nước này đã tụt hạng cạnh tranh, giảm sản lượng và lợi nhuận. Honda giảm 11 bậc; Hitachi giảm 4 bậc; Nisan giảm 17 bậc và lỗ hơn 2 tỷ USD; Panasonic thua lỗ gần 4 tỷ tuy đã tăng sản lượng; Sony giảm 6 bậc và lỗ 1 tỷ USD; Toshiba tụt 6 bậc và lỗ hơn 3 tỷ USD... Hãn hữu mới có tập đoàn tăng thứ bậc và có lãi như "đại gia" bảo hiểm nhân thọ Nippon Life Insurance (tăng 19 bậc và lãi 1,5 tỷ), một phần do người dân lo lắng cho tương lai không chắc chắn.

4. Sự "thăng hoa" của các tập đoàn thuộc nhóm những nước mới nổi

Sự nổi lên của Trung Quốc là khá rõ: tập đoàn dầu khí Trung Quốc Sinopec đã vượt lên đứng thứ 9 với doanh thu 208 tỷ USD, lợi nhuận 2 tỷ USD, từ hạng 16 của năm 2008. Một tập đoàn dầu khí khác là China National Petroleum cũng đứng thứ 13, đạt doanh số 181 tỷ USD và lãi suất 10 tỷ USD, trong khi năm 2008 chỉ đứng thứ 25; tập đoàn điện lực State Grid đứng thứ 15 về doanh số và có lợi nhuận 664 triệu USD, từ thứ 24 doanh số năm 2008.

Tuy nhiên, lợi nhuận của ba tập đoàn Trung Quốc này không thể so được với lợi nhuận của hai tập đoàn dầu khí khác: Gazprom (Nga) và Brazil Petrobras. Từ thứ hạng 47 của năm 2008, Gazprom vượt lên đứng thứ 22 thế giới với doanh số 141 tỷ USD, và lãi suất đạt tới 30 tỷ USD. Trong khi đó, Brazil Petrobras từ thứ hạng 63 năm 2008 đã leo lên hạng 34 với doanh thu 118 tỷ USD và lợi nhuận 19 tỷ USD.

Một tên tuổi khác đến từ Ấn Độ cũng gây sự chú ý: tập đoàn dầu khí Indian Oil đạt doanh số 63 tỷ USD, tuy đứng thứ 105 trong các tập đoàn kinh tế của thế giới, nhưng nay đã có mặt trong 20 tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới năm 2009.

Các tập đoàn kinh tế của một số nước Đông Á cũng khởi sắc, tiêu biểu như Hàn Quốc, với:

- Samsung, doanh số 110 tỷ USD, lợi nhuận 5 tỷ USD và đứng thứ 40 trong các tập đoàn kinh tế thế giới;

- LG, doanh số 82 tỷ USD và lợi nhuận gần 1 tỷ USD;

- SK, doanh số 80 tỷ USD, lợi nhuận 259 triệu USD;

- Huyndai, doanh số 73 tỷ USD, lợi nhuận gần 1 tỷ USD.

Malaysia có tập đoàn dầu khí Petronas, cùng thời với Vietsopetro của Việt Nam, nhưng đã đạt doanh số 77 tỷ USD, lợi nhuận lên tới 15 tỷ USD, đứng thứ 80 thế giới về doanh số và thứ 9 thế giới về lợi nhuận, hơn cả Wal-Mart.

5. Sự thăng trầm của các ngân hàng

Có thể thấy một số lượng không nhỏ ngân hàng thương mại hàng đầu đều có bước tụt giảm cả về doanh số và lợi nhuận trong hai năm gần đây. Có tới 4/10 ngân hàng đạt doanh số cao nhất lại chịu cảnh thua lỗ trong năm nay: ING Group, Dexia, Royal Bank of Scotland và Citigroup.

Đáng chú ý, Trung Quốc đang là một cường quốc kinh tế mới nổi với các tập đoàn ngân hàng rất mạnh như

- Ngân hàng Công thương doanh số 71 tỷ USD, là tập đoàn kinh tế đứng thứ 92 thế giới và nằm trong số 15 ngân hàng mạnh nhất toàn cầu, với doanh số 70 tỷ USD và lợi nhuận 16 tỷ USD, tỷ suất lợi nhuận đến 20%;

- Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc doanh số 58 tỷ USD, xếp thứ 125 thế giới và thứ 21 trong các ngân hàng toàn cầu;

- Ngân hàng Trung Quốc doanh số 51 tỷ USD, xếp thứ 145 thế giới và thứ 26 trong các ngân hàng toàn cầu;

- Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc doanh số 48 tỷ USD, xếp thứ 155 thế giới và thứ 29 trong các ngân hàng toàn cầu.

Qua bảng xếp hạng, có thể thấy kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp, nhưng đã lấp ló những tín hiệu mang sinh khí mới, có khả năng từng bước làm đảo lộn các thể chế kinh tế toàn cầu và cả trật tự kinh tế của các tập đoàn, mà thế “thượng phong” của Mỹ đang bị đe dọa ít nhiều. Nhưng theo các dự báo kinh tế được nhiều chuyên gia thừa nhận, sự nổi lên của Trung Quốc còn là một quá trình không đơn giản, và rằng còn phải chờ thêm vài mươi năm nữa, thậm chí lâu hơn thế, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mới có vai trò lớn hơn trong “rổ” tiền tệ toàn cầu.