Xử lý 705 nghìn tỷ nợ xấu, cơ chế mới giúp hơn 50 nghìn tỷ
Tổng lượng nợ xấu ngân hàng đã xử lý từ khi chính thức nhận diện đến nay
Báo cáo tại hội nghị toàn ngành hôm qua (9/1), Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, nợ xấu hệ thống đã giảm khá mạnh trong năm 2017.
Cụ thể, đến cuối tháng 11/2017, ước tính tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 2,3%; tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu so với tổng dự nợ ước tính đến cuối 2017 giảm xuống còn 7,91% so với mức 10,08% cuối 2016.
Về xử lý nợ xấu nội bảng, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng các khoản nợ xấu được xử lý được trong 11 tháng năm 2017 ước đạt 93,7 nghìn tỷ đồng, phần lớn do khách hàng trả nợ và các tổ chức tín dụng sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý.
Tính chung từ năm 2012 (thời điểm chính thức nhận diện một cách đầy đủ và triển khai đề án xử lý) đến hết tháng 11/2017, toàn hệ thống đã xử lý được 705,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 407,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,81%, còn lại là bán nợ.
Đáng chú ý, dù mới chỉ bắt đầu có hiệu lực hơn bốn tháng cuối năm 2017, nhưng Nghị quyết 42 của Quốc hội về hỗ trợ xử lý nợ xấu cũng đã bước đầu tạo cú hích cho hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo đánh giá bước đầu đến 31/12/2017, toàn hệ thống đã xử lý được trên 50 nghìn tỷ đồng xác định theo nghị quyết trên.
Ở một nội dung khác, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, đến cuối tháng 11/2017, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống tăng 27% so với tháng 1/2017, chiếm 16,4% tổng tín dụng.
"Tín dụng tiêu dùng tăng nhanh có thể là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất tiêu dùng. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nếu không được kiểm soát tốt theo mục đích và đối tượng sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới", ông Kim Anh báo cáo.