Xu thế dòng tiền: Sẵn sàng vượt đỉnh 1200 điểm?
Tuần qua tuy VN-Index chưa thể thật sự vượt mức kháng cự 1200 điểm, nhưng các chuyên gia cho rằng đó không phải là điều khó khăn
Tuần qua tuy VN-Index chưa thể thật sự vượt mức kháng cự 1200 điểm, nhưng các chuyên gia cho rằng đó không phải là điều khó khăn.
Tất cả các chuyên gia được phỏng vấn đều đánh giá cao kịch bản thị trường sẽ bứt phá trong tuần tới. Có nhiều yếu tố hỗ trợ đã được đề cập tới từ trước và sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tuần tới.
Các chuyên gia đánh giá cao khả năng thu hút dòng tiền của các nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Kết quả kinh doanh sẽ là yếu tố hỗ trợ trực tiếp trong những phiên tới. Ngoài ra, thanh khoản chung trên thị trường cũng đã có sự cải thiện và các chuyên gia coi đó là dấu hiệu tích cực quan trọng trong ngắn hạn.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Sau hai tuần "mắc kẹt" ở vùng kháng cự 1170-1180 điểm, tuần này VN-Index đột phá thành công thì lại "mắc kẹt" ở 1200 điểm. Rất nhiều lần trong các phiên tuần này VN-Index vượt qua 1200 điểm nhưng rồi lại thất bại. Theo anh chị diễn biến như vậy có đáng ngại hay không, anh chị đánh giá triển vọng vượt 1200 điểm như thế nào trong tuần tới?
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đã xác định xu hướng đi lên trong trung và dài hạn, sau khi vượt đỉnh cũ 1170 thị trường tiếp đà tâm lí hưng phấn và kết thúc phiên ngày 6/4 thì trường đóng cửa ở ngưỡng 1199.96 điểm.
Trong tuần từ 2/4 đến 6/4 thị trường đã rất nhiều lần chậm ngưỡng 1200 điểm nhưng đều quay đầu, điều này cho thấy thị trường vẫn còn đang có sự hoài nghi. Việc đầu tuần thị trường xanh nhờ tập trung các mã trụ cột dẫn dắt như VIC, cổ phiếu dòng ngân hàng thì đến phiên cuối tuần mức độ lan tỏa cải thiện rõ rệt. Sắc xanh không chỉ có ở nhóm những cổ phiếu blue chip mà đã lan tỏa sang các cổ phiếu mid-cap.
Thanh khoản cũng đã được cải thiện một cách rõ rệt luôn duy trì ở mức gần 9.300 tỷ đồng. Điều này cho thấy tâm lí các nhà đầu tư được cả thiện rõ rệt, dòng tiền chảy vào thị trường cũng được cải thiện.
Ngoài ra các thông tin vĩ mô tích cực như GDP quý 1 tăng cao nhất trong 10 năm. Việt Nam đang là thị trường (thuộc frontier market) được nhiều quỹ đầu tư nhắm tới và tỉ lệ đầu tư chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục của họ. Vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam để đón các cơ hội từ CPTPP. Ngoài ra, niềm tin vào thị trường Việt Nam được củng cố qua kết quả cuộc khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 cũng tác động tốt đến thị trường chứng khoán.
Vì vậy theo tôi kịch bản thị trường chứng khoán vượt đỉnh 1200 trong tuần tới hoành toàn có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu Phân tích, Chứng khoán Vietinbank
VnIndex đang có phân kỳ giữa đường giá và chỉ báo giao động RSI, điều này cho thấy mặc dù VnIndex tiếp tục tăng điểm nhưng lực tăng điểm đang yếu đi. Nhóm cổ phiếu bất động sản nhất là VIC là động lực tăng điểm chính. VIC vẫn còn động lực tăng giá khi nhà đầu tư nội và ngoại đều đang rất quan tâm tới Công ty Cổ phần Vinhomes với khối lượng 2.679.611.550 cổ phiếu mới nộp hồ sơ đăng ký niêm yết ngày 2/4/2018.
Vì vậy, chúng tôi dự báo VN-Index vẫn tiếp tục tăng điểm mặc dù lực tăng điểm không mạnh.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Cá nhân tôi kỳ vọng thị trường sẽ sớm vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1200 điểm để hướng đến vùng kháng cự mạnh hơn nằm tại 1250-1280 điểm trong một vài tuần kế tiếp.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index bứt phá phiên cuối tuần giúp chỉ số giữ khoảng cách an toàn với 1170 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật như MACD, ADX, đặc biệt là RSI vẫn nằm trong vùng quá mua cho thấy xu hướng thị trường khá mạnh.
Xu hướng thị trường do vậy nhiều khả năng vẫn duy trì trong ngắn hạn, rủi ro thấp. Mục tiêu của nhịp tăng này có thể đạt 1250-1270 điểm của chu kỳ sóng trung hạn.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Như tôi đã chia sẻ trong những nhận định trước, các mốc điểm số hiện tại không phải là vấn đề của thị trường, do vậy việc thị trường test liên tục ở mốc 1200 không có gì đáng ngại. Thị trường sau khi tăng điểm và phục một vùng giá cao thì việc tích luỹ trở lại là hết sức bình thường.
Như tuần trước tôi có nhận xét yếu tố dòng tiền đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý 1. Thị trường tăng trong tuần qua cũng phần nào hé lộ một kịch bản lợi nhuận tích cực cho các nhóm hút tiền. Tôi cho rằng việc thị trường vượt mốc 1200 trong tuần này là hoàn toàn có triển vọng.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thanh khoản tuần này đã có sự phục hồi tích cực hơn tuần trước, đồng thời các blue-chips đã giao dịch trở lại ở mức độ bình thường. Đó có thể xem là dấu hiệu dòng tiền quay lại hay chưa. Mức giao dịch như vậy có thỏa mãn kỳ vọng của anh chị?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Sự cải thiện của thanh khoản trong tuần qua được xem là một tín hiệu tốt đối với xu thế tăng điểm của thị trường. Đồng thời nó cũng phản ánh tâm lý lạc quan, kỳ vọng của nhà đầu tư đối với xu hướng tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn, nhất là sau khi vùng đỉnh lịch sử 1170-1187 điểm đã bị vượt qua.
Tôi cho rằng, khối lượng giao dịch sẽ tiếp tục được cải thiện trong tuần tới khi mà các nhóm cổ phiếu đang thu hút được sự quan tâm của dòng tiền như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... trở lại dẫn dắt thị trường.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu Phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Theo tôi thanh khoản thị trường khó có những đột phá mạnh do thị trường cũng chưa có những đợt IPO lớn và các nhân tố mới để thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, dòng tiền cũng chưa có dấu hiệu rút ra, nhà đầu tư vẫn có thể lựa chọn các mã/ngành tiềm năng để xoay vòng tìm kiếm lợi nhuận.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Như tuần trước tôi có nhận xét, việc thanh khoản thị trường giảm sút là do nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin từ kết quả kinh doanh quý 1, và khi mà các thông tin dần được hé lộ thì thanh khoản sẽ được cải thiện. Cùng với đó là điểm số cũng tăng lên phản ánh những thông tin tích cực từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, do vậy việc dòng tiền quay trở lại như vậy cũng là một tín hiệu khả quan trong ngắn hạn.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tuần này, xu hướng chỉ số ổn định, thanh khoản cải thiện tạo điều kiện cho dòng tiền vận động rõ rệt ở ngành bất động sản, chứng khoán, ở các cổ phiếu chưa tăng giá cũng như ở một số cổ phiếu vừa và nhỏ.
Thông tin tích cực từ mùa đại hội cổ đông cũng như báo cáo kiểm toán năm tài chính 2017 của một số doanh nghiệp niêm yết cũng là thông tin hỗ trợ tích cực cho thị trường.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thanh khoản trung bình 9300 tỷ; Dòng tiền vẫn đang tập trung vào những mã blue-chips. Đó cũng là tín hiệu tích cực sau một tuần thị trường lình xình, thanh khoản kém.
Thị trường đã có sự lan tỏa tốt hơn, nhóm blue-chips đã có dấu hiệu giảm nhiệt, dòng tiền chảy đều vào nhóm cổ phiếu mid-cap và một vài cổ phiếu penny có kết quả kinh doanh tốt. Điều này cho thấy dòng tiền của các nhà đầu tư đã quay trở lại với thị trường. Có thể thấy kì vọng của các nhà đầu tư và dòng tiền sẽ được đổ thêm vào các cổ phiếu mid-caps và những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong quý này.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã bắt đầu và đây là lúc nhanh tay chọn trước các cổ phiếu có tiềm năng. Anh chị đang quan tâm tới những cổ phiếu/ngành nghề nào. Liệu có hiện tượng đột biến lợi nhuận?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Với sự phân hoá của thị trường trong thời gian qua, chúng ta cũng có thể nhận thấy được những nhóm cổ phiếu nào có kết quả kinh doanh quý 1 khả quan, một phần nào thông tin đã phản ánh vào giá.
Do vậy nếu bây giờ mới tìm kiếm cơ hội ở những nhóm cổ phiếu này thì theo tôi cũng không phải là nhanh tay nữa, mà chỉ là củng cố cho xu hướng của thị trường trong ngắn hạn.
Yếu tố đột biến theo tôi là có khả năng xảy ra ở nhóm cổ phiếu Ngân Hàng, Chứng khoán và tích cực ở nhóm bất động sản. Những nhóm này tôi cũng đã chia sẻ rất nhiều trong thời gian qua.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Với nỗ lực tái cơ cấu ngân hàng, mạnh tay trích lập nợ xấu được thực hiện từ vài năm trở lại đây, ngành ngân hàng được dự báo sẽ là ngành tiếp tục tăng trưởng thêm 20% so với năm 2017.
Thị trường chứng khoán ở xu hướng tăng điểm dài hạn với thanh khoản cải thiện giúp cho các công ty chứng khoán cũng được dự báo là một năm ăn nên làm ra. Bất động sản khởi sắc cũng giúp cho một loạt các cổ phiếu trên sàn tăng…
Theo chúng tôi, năm 2018 dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung ở cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu Phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Chúng tôi kỳ vọng vào 2 ngành là bất động sản và ngân hàng. Theo dự báo của chúng tôi, ngành bất động sản và ngân hàng có thể tăng trưởng chung ở mức 20% và cá biệt có các Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh năm 2018 tăng tới 50% so với năm 2017.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Mùa đại hội cổ đông cũng như báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2018 ghi nhận nhiều kết quả tích cực đặc biệt từ nhóm ngành ngân hàng với hàng loạt các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận khủng. Điển hình như tại VPBank, sau khi thu về hơn 8.130 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2017 vừa qua, kế hoạch lãi năm nay lên tới 10.800 tỷ đồng, tăng gần 33%. MBBank tại đại hội cổ đông vừa rồi cho biết mức lợi nhuận trong năm nay dự kiến đạt 6.800 tỷ đồng trước thuế, tăng 47%. VIB và HDBank cũng nhiều tham vọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 lên tới 43% và 62%, lần lượt đạt 2.005 tỷ đồng và 3.921 tỷ đồng…
Qua đó có thể thấy nhóm ngành ngân hàng dự đoán vẫn sẽ là nhóm ngành chủ đạo đẫn dắt thị trường vượt đỉnh đặc biệt tại khối ngân hàng ngoài quốc doanh. Nhóm những ngân hàng này dư địa tăng trưởng trong năm 2018 vẫn còn khá lớn và sẽ là một kênh đáng chú ý của những nhà đầu tư.
Ngoài nhóm ngành ngân hàng, bất động sản cũng là nhóm ngành được kì vọng sẽ có bước tiến vượt bậc trong năm 2018. Ba tháng đầu năm 2018 nhóm bất động sản duy trì lực cầu khá tốt phản ánh kết quả kinh doanh ấn tượng cũng như kế hoạch khủng trong năm 2018 các cổ phiếu như DXG, FCN, CTD, CII, LDG, KDH, VIC, VPH, NTL…đồng loạt tăng mạnh.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi hiện đang quan tâm đến cổ phiếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản tầm trung và thủy sản.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường vượt đỉnh lịch sử 1170-1180 điểm và thanh khoản tăng. Anh chị có tăng tỷ trọng cổ phiếu lên không? Mức phân bổ hiện tại như thế nào?
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu Phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Thị trường chưa hút được dòng tiền mới vì vậy tỷ trọng cổ phiếu của chúng tôi vẫn giữ ở mức 70%. Nhà đầu tư có thể cân nhắc giữ một phần tiền để canh mua cổ phiếu yêu thích khi thị trường điều chỉnh do ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán Mỹ.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi tiếp tục duy trì mức cổ phiếu cao trong danh mục khi dòng tiền liên tục luân phiên vận động và lan tỏa giữa các nhóm ngành cổ phiếu được đánh giá cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng của mình ở mức 60% cổ phiếu (trong đó, phần danh mục trung hạn chiếm 30%).
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi vẫn giữ chiến lược đầu tư như tuần trước, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng. Tôi chỉ gia tăng tỷ trọng khi thị trường về vùng giá hấp dẫn.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Mỗi nhà đầu tư đều có một chiến lược đầu tư của riêng mình. Nhìn vào xu hướng chung của thị trường là xu hướng tăng, tuy nhiên, phải theo dõi sát diễn biến của thị trường và những mã quan tâm hàng ngày để có những quyết định đúng đắn cho danh mục của mình. Quan điểm: tìm những cổ phiếu cơ bản tốt để đầu tư theo phương pháp giá trị, ngoài ra có thể tìm những mã để chơi ngắn ngày (chiếm tỉ trọng nhỏ -vừa trong danh mục).
Khi thị trường chính thức có tín hiệu vượt được ngưỡng kháng cự và đạt được 1200, các mã thuộc các ngành tiêu điểm cho tín hiệu, lúc đó có thể tăng tỉ trọng cổ phiếu. Tuy nhiên, vẫn nên giữ danh mục với tỉ trọng cổ phiếu-tiền mặt hợp lý để có thể ứng phó với những diễn biến bất ngờ của thị trường thế giới và trong nước.