15:16 23/07/2019

Xuất khẩu cá tra “giảm tốc”

Bạch Huệ

Sau giai đoạn lập đỉnh cả về giá lẫn số lượng, cá tra xuất khẩu của Việt Nam đã đảo chiều. Cá tra xuất khẩu sang Mỹ giảm gần 28%

Cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) 4 tháng liên tiếp từ tháng 3-6/2019, giá trị xuất khẩu cá tra giảm từ 6-17,6% so với cùng kỳ năm 2018. 

Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Brazil và Colombia giảm cũng kéo tốc độ tăng trưởng chung chậm lại. 

Tuy nhiên, sang quý 3 -giai đoạn xuất khẩu tăng tốc, dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tăng trưởng trở lại, tuy nhiên sẽ không quá 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Với thị trường Trung Quốc, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 254,3 triệu USD, tăng 1,2%, chiếm 26,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Điều này cho thấy xu hướng xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, phần lớn cá tra Việt Nam vẫn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông sau khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm.

Với thị trường EU, trong nửa đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 138,5 triệu USD, tăng 18% và chiếm 14,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. 

Trong đó, giá trị xuất khẩu sang 4 thị trường đơn lẻ là Hà Lan, Anh, Đức và Bỉ tăng lần lượt 0,7%; 46%; 51,3% và 35,2% so với cùng kỳ năm 2018. 

Cho tới nay, phần lớn Việt Nam xuất khẩu sản phẩm cá tra phile đông lạnh sang EU nên giá xuất khẩu trung bình chưa cao, duy nhất Hà Lan là thị trường được phát triển với nhiều sản phẩm cá tra giá trị gia tăng nhất trong khu vực. 

"Dự báo, quý 3/2019, xuất khẩu cá tra sang EU tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng tương đương với hai quý đầu năm. Có một thuận lợi với cá tra Việt Nam tại EU là sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu cá tra sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để đẩy mạnh sang thị trường này. Với hai sản phẩm cá tra chủ lực là: cá tra phile tươi, ướp lạnh thuế sẽ giảm từ 9% xuống 0% sau 3 năm; cá tra phile đông lạnh sẽ giảm từ 5,5% xuống còn 0% sau 3 năm EVFTA có hiệu lực. Sản phẩm cá tra đông lạnh được xóa bỏ thuế trong vòng 3 năm từ mức 8% như hiện nay", VASEP phân tích. 

Xuất khẩu cá tra “giảm tốc” - Ảnh 1.

Xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2019.

Riêng thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 141,9 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 6/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm mạnh tới 40,8%.

Tác động của việc tăng thuế bán phá giá trong đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đã ảnh hưởng rõ nét hơn tới xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này.

Tháng 4/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017. Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9/2018. 

Đúng như dự báo của VASEP vào cuối quý 1/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể giảm mạnh sau thông báo về mức thuế của POR14. Trong quý 3/2019 tới, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này khó có thể tăng so với cùng kỳ/

Với thị trường ASEAN, VASEP cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang khu vực này đạt 100,8 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Thái Lan tăng 9,7%; Philippines tăng 11,8% và Malaysia tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước. ASEAN đang được đánh giá là một thị trường cần được lưu tâm đối với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam trong thời gian tới. Dự báo, quý 3/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này tiếp tục khả quan.