Xuất khẩu tôm sang loạt thị trường lớn giảm mạnh
Xuất khẩu tôm đang có xu hướng giảm mạnh dù ngành tôm được dự báo sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa có báo cáo về xuất khẩu tôm tháng 11/2018. Theo đó, xuất khẩu tôm Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi, tiếp tục giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 304,3 triệu USD. Tổng xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường tính tới tháng 11 năm nay đạt 3,27 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ.
Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam có xu hướng giảm là do giá tôm trong nước và thế giới giảm, nhu cầu nhập khẩu thấp từ các thị trường chính. Đầu năm 2018, do thời tiết lạnh nhiều, các nước như Mỹ, Canada có bão tuyết nên lượng tôm tiêu thụ giảm đáng kể, hàng tồn kho lớn. Bên cạnh đó, do giá tôm giảm nên giá xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng không thể tăng.
"Hiện tại giá tôm thế giới đang ở mức thấp nhất, đây là điều khác biệt so với mọi năm. Nguồn cung từ các nước tăng, tôm tồn kho tại Mỹ cao, nên tôm Việt Nam không thể xuất mạnh sang thị trường này mặc dù đơn hàng còn nhiều. Theo biểu đồ giá tôm tại Mỹ của trang tin Urner Barry (UB) trong tuần thứ 3 của tháng 11/2018, chỉ số giá tôm nuôi tại thị trường này đạt mức thấp nhất trong 3 năm qua", VASEP nêu.
Tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường lớn đều giảm mạnh như EU (-36,6%), Trung Quốc (-25,7%), Hàn Quốc (-20,7%), Mỹ (-2,8%). Tuy nhiên, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 11%.
Trong đó, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,8% tổng nhập khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Hai quý đầu năm nay, nhập khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản sụt giảm.
Tuy nhiên, bước sang quý 3 năm nay, nhập khẩu tôm sang thị trường này bắt đầu sụt giảm. Tháng 11 năm nay, nhập khẩu tôm sang EU giảm mạnh 36,3% với giá trị nhập khẩu sang 3 thị trường lớn nhất trong khối đều giảm ở mức 2 con số.
Do vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU tính tới tháng 11 năm nay giảm nhẹ 0,1% đạt 779,7 triệu USD. Hiện tại, tôm Việt Nam vẫn duy trì được những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ lớn khác trên thị trường EU như Ấn Độ và Thái Lan.
Hai đối thủ này của Việt Nam giảm dần xuất khẩu sang EU do vướng phải những vấn đề về đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Hơn nữa, hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực trong năm 2019 sẽ tạo cơ hội cho tôm Việt Nam xuất sang EU trong năm 2019.
Thị trường châu Âu là thị trường lớn nhất đối với sản phẩm tôm của Việt Nam, đồng thời là nơi áp dụng mức thuế cao nhất. Nếu hiệp định thương mại với EU được ký kết, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi về thuế trong khi Thái Lan vẫn ở mức 20%.
Với Mỹ, đây là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 18,1% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Sau khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giảm liên tục từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đã phục hồi tăng trưởng dương trong 3 tháng 8, 9 và 10 năm nay. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 11 lại giảm nhẹ 2,8% so với cùng kỳ. Luỹ kế, 11 tháng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 593,7 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ.
VASEP nhận định kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 - POR12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017) khả quan hơn nhiều so với những lần xem xét trước đó đã giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam yên tâm đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Mỹ.
"Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng là một cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này do Mỹ có thể áp thuế 25% đối với tôm nhập khẩu từ Trung Quốc. Dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2018 sẽ đạt khoảng gần 3,8 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với năm 2017", VASEP nhận định.