Xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh do thương chiến leo thang
Một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiếp tục yếu đi và cần có thêm biện pháp hỗ trợ tăng trưởng
Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 8 do xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm mạnh. Dữ liệu này là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiếp tục yếu đi và cần có thêm biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung leo thang.
Theo tin từ CNBC, giới phân tích đang kỳ vọng Bắc Kinh sẽ công bố thêm các biện pháp kích cầu trong trong vài tuần tới đây để ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế giảm tốc mạnh dưới sức ép thương mại gia tăng từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong đó, nhiều chuyên gia không loại trừ khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ có đợt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong 4 năm.
Hôm thứ Sáu, PBoC đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại lần thứ 7 kể từ đầu năm 2018 để giải phóng thêm thanh khoản trong hệ thống tài chính. Vài ngày trước đó, một cuộc họp nội các ở Bắc Kinh gửi đi tín hiệu rằng chính sách tiền tệ có thể sắp được nới lỏng thêm.
Dữ liệu hải quan công bố ngày 8/9 cho thấy xuất khẩu tháng 8 của Trung Quốc giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 2% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 3,3% trong tháng 7 và giảm 1,3% trong tháng 6.
Sự suy giảm của tháng 8 diễn ra cho dù đồng Nhân dân tệ xuống giá được kỳ vọng sẽ bù đắp một phần sức ép chi phí cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Trong tháng 8, đồng Nhân dân tệ giảm giá quá ngưỡng 7 tệ đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Cùng với đó, Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đã tin rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng trong tháng 8 vì kế hoạch áp thuế quan từ tháng 9 sẽ thúc đẩy các công ty tiến hành giao hàng sớm - điều thường xảy ra trong những đợt áp thuế trước.
Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng trên, xuất khẩu của Trung Quốc đã chứng kiến một tháng đi xuống.
"Xuất khẩu yếu cho dù Nhân dân tệ giảm giá mạnh, cho thấy nhu cầu bên ngoài suy yếu sẽ là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc năm nay", chuyên gia kinh tế Zhang Yi thuộc Zhong Hai Sheng Rong Capital Management nhận xét.
Xuất khẩu tháng 8 của Trung Quốc sang Mỹ giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức giảm 6,5% trong tháng 7. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ trong tháng 8 giảm 22,4%.
Nhiều nhà phân tích dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ còn giảm tốc trong những tháng sắp tới, bằng chứng là các cuộc khảo sát gần đây đều cho thấy đơn hàng xuất khẩu mà các nhà máy ở nước này nhận được giảm sút. Vào ngày 1/10 và 15/12, Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục có thêm những đợt áp thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc.
Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 5,6%, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, mức giảm này thấp hơn mức dự báo giảm 6% mà giới phân tích đưa ra trước đó và bằng với mức giảm của tháng 7.
Nhu cầu trong nước yếu đi là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của Trung Quốc giảm, bên cạnh giá hàng hóa cơ bản toàn cầu giảm xuống. Tiêu dùng và đầu tư trong nước của nước này vẫn yếu bất chấp các biện pháp kích cầu.
Thặng dư thương mại tháng 8 của Trung Quốc đạt 34,84 tỷ USD, giảm so với mức 45,06 tỷ USD trong tháng 7, và thấp hơn so với mức dự báo thặng dư 43 tỷ USD.
Tháng 8 chứng kiến sự leo thang mạnh mẽ của thương chiến Mỹ-Trung, khi ông Trump tuyên bố áp thuế 15% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ và để đồng Nhân dân tệ trượt giá.
Tuần trước, Mỹ-Trung nhất trí tổ chức đàm phán cấp cao tiếp theo vào đầu tháng 10 ở Washington, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ dỡ thuế quan áp lên hàng hóa của nhau. Giới phân tích cũng không kỳ vọng hai bên sớm đạt một thỏa thuận thương mại.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 8 là gần 27 tỷ USD, giảm so với mức xấp xỉ 28 tỷ USD trong tháng 7.
Mặc dù vậy, trong 8 tháng đầu năm, thặng dư thương mại Trung-Mỹ vẫn vượt 195 tỷ USD. Giải quyết mất cân đối lớn này là một trong những chủ đề chính của đàm phán thương mại giữa hai nước.