09:20 19/11/2007

30 năm quan hệ đối tác EU-ASEAN

Thùy Linh

Từ ngày EU mở rộng, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của khối này, sau Mỹ và Nhật Bản, Trung Quốc và Liên bang Nga

Da giày, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU.
Da giày, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU.
Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-EU, sẽ được tổ chức tại Singapore, ngày 22/11/2007. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ tham dự sự kiện quan trọng này.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, đây không chỉ là hoạt động chào mừng những thành tựu đã đạt được trong quá khứ mà sẽ tạo một động lực mới cho việc phát triển quan hệ của EU-ASEAN tiến xa hơn nữa. Dự kiến một kế hoạch hành động chung sẽ được thông qua tại Hội nghị này. Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và vị thế quan trọng trong khu vực, chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, góp phần tăng cường đoàn kết và hợp tác giữa EU-ASEAN.

Đối tác thương mại hàng đầu

Từ ngày EU mở rộng, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 sau Mỹ và Nhật Bản, Trung Quốc và Liên bang Nga. Các chỉ số thương mại năm 2006 cho thấy EU đang là thị trường lớn thứ hai của các nước Đông Nam Á.

Trong bài viết nhân dịp chuẩn bị tham dự cuộc họp thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối tác EU – ASEAN, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã khẳng định: “Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Liên minh châu Âu và ASEAN đã phát triển mạnh mẽ. Quan hệ thương mại và đầu tư song phương tăng trưởng mạnh. ASEAN đã và đang là một đối tác thương mại quan trọng của EU hơn cả Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Ấn Độ. EU và Trung Quốc mỗi đối tác chiếm khoảng 11% tổng thương mại của ASEAN. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp của EU vào ASEAN trong những năm gần đây lớn hơn nguồn vốn của EU đầu tư vào các đối tác châu Á khác”.

Với quy mô hợp tác phát triển rộng lớn, EU đã cam kết khoản ngân quỹ 1,25 tỷ Euro cho hợp tác phát triển với các nước Đông Nam Á. Tài trợ của EU cho hội nhập khu vực và tăng cường năng lực đạt mức 10 triệu Euro một năm. Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng nhấn mạnh trong bài viết của mình rằng: “EU hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN. Còn khối ASEAN là đối tác thương mại tổng thể lớn thứ 5 của EU. Các con số này không chỉ cho thấy sức nặng của quan hệ kinh tế hiện có của chúng tôi mà còn chỉ rõ tiềm năng phát triển quan hệ này”.

Người đứng đầu Uỷ ban châu Âu cũng cho biết: EU ủng hộ các nỗ lực của ASEAN hướng tới hội nhập khu vực hơn nữa bởi châu Âu đã học được từ chính lịch sử của mình rằng hội nhập mạnh mẽ hơn là sự đảm bảo tốt nhất cho ổn định và thịnh vượng. “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng một ASEAN mạnh mẽ và thống nhất sẽ dẫn tới một tương lai an toàn và cân bằng trong khu vực Đông Á rộng lớn hơn. Khi tôi gặp các nhà lãnh đạo ASEAN tôi sẽ chuyển tới họ thông điệp rằng châu Âu sẽ tích cực ủng hộ các nỗ lực của họ để xây dựng một Cộng đồng ASEAN”, ông nói.

Trong bài viết của mình, ông Chủ tịch EU cũng chúc mừng Việt Nam được bổ nhiệm làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cho biết các quốc gia thành viên EU mong muốn hợp tác với Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu.

Tiến tới Hiệp định Tự do mậu dịch EU-ASEAN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng đề cập đến việc ký kết Hiệp định tự do mậu dịch EU-ASEAN và cho rằng: “Việc tự do hóa hơn nữa đầu tư và thương mại song phương sẽ mang đến những lợi ích đáng kể cho xã hội chúng ta. Chúng ta cần sử dụng động lực đã có của việc triển khai các cuộc đàm phán FTA giữa EU và ASEAN và hướng tới việc nhanh chóng ký kết một Hiệp định Tự do mậu dịch (FTA) toàn diện và có ảnh hưởng sâu rộng. Các nghiên cứu và phân tích kinh tế đã cho thấy rằng một hiệp định hẹp và ít tham vọng sẽ không mang đến những lợi ích giống như hiệp định toàn diện mà chúng ta mong muốn. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tiếp tục đầy hoài bão như chúng ta đã thỏa thuận khi khởi động các cuộc đàm phán.”

Hội nghị bộ trưởng ngoại giao EU-ASEAN tại Nuremberg (CHLB Đức) tháng 4 vừa qua đã nhất trí xem xét sớm tiến hành đàm phán thành lập khu vực tự do EU-ASEAN. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đây là một bước tiến mới đầy ý nghĩa trong mối quan hệ giữa hai bên.

Ông Philippe Meyer, nhân vật thứ hai sau Cao uỷ Thương mại EU Peter Mandelson, tham gia đàm phán FTA EU-ASEAN, trong lần trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Việt Nam mới đây cũng khẳng định: Những lợi ích chúng ta có thể hưởng được từ FTA trước hết là sự đa dạng hoá trong hoạt động thương mại, đặc biệt giữa những bên có quy định ưu đãi thương mại. Bên cạnh đó cũng tạo ra những dịch vụ thương mại mới, hàng hoá và dịch vụ tốt có chất lượng cao.

Ông Philippe Meyer đưa ra dự đoán rằng những lợi ích kinh tế từ Hiệp định tự do mậu dịch giữa ASEAN và EU sẽ rất lớn, có thể tạo ra thêm tới 40% về lợi ích kinh tế, những nước có lợi ích từ sự tự do hoá của chúng ta sẽ chiếm đến 70% và các quốc gia ASEAN bình quân có thể tăng được thêm 2,2% GDP của mình. Và tôi nghĩ rằng dự đoán này cũng rất đúng với Việt Nam và chúng ta không thể bỏ qua được lợi ích này.

Thách thức lớn nhất mà ASEAN đang phải đương đầu, theo ông Philippe Meyer, chính là làm sao dung hoà một quan điểm chung khi tiếp cận đàm phán FTA. Bởi trong nội khối ASEAN, các nước thành viên có trình độ phát triển khác nhau và có những mối quan tâm lợi ích khác nhau, làm sao ASEAN có thể đưa ra một cách tiếp cận chung nhất mà không khiến cho sự mặc cả ở mức thấp nhất. Việt Nam với vai trò điều phối viên sẽ rất khó trong vấn đề này, làm sao thuyết phục các nước thành viên chấp nhận sự nhân nhượng để đưa ra một bản chào hợp lý nhất và mang tính đại diện cao nhất.