14:44 04/10/2018

30 năm thu hút FDI: Thành công nhưng vẫn còn những thua thiệt

KIỀU LINH

Sau 30 năm, Việt Nam trở thành một trong những khu vực thu hút FDI thành công nhất thế giới nhưng vẫn còn những hạn chế, tồn tại, thua thiệt

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam diễn ra sáng 4/10.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam diễn ra sáng 4/10.

"Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước ta nhìn chung là đáng quý nhưng có tranh thủ được nguồn lực này để nâng cao quốc lực hay không là trách nhiệm của chúng ta, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ trong thời gian tới", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam diễn ra sáng 4/10.

Thách thức lớn từ khu vực FDI

Đánh giá cao thành tựu mở cửa, thu hút nguồn vốn FDI trong suốt 30 năm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Khu vực đầu tư nước ngoài trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Lũy kế đến ngày 20/8/2018, cả nước có 26.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991 - 2017.

Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập.

Việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực trong nước còn thấp. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký. Năm 2017, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện mới đạt khoảng 55,5%, có nghĩa là có tới gần 1/2 tổng vốn đầu tư đăng ký nhưng chưa được thực hiện. 

Một số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đã gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hay một số doanh nghiệp khác có vốn đầu tư nước ngoài có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế. Thậm chí, còn có trường hợp bên nước ngoài trong các liên doanh đã tạo áp lực buộc bên Việt Nam phải nhượng lại phần vốn góp, chuyển doanh nghiệp liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, làm hạn chế khả năng liên kết và chuyển giao công nghệ…

Không phải mang gì đến cũng nhận

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc mở cửa thu hút FDI là chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu của đất nước. Việt Nam trở thành một trong những khu vực thu hút FDI thành công nhất thế giới.

Song, sau 30 năm thu hút FDI, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, những thua thiệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. "Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước ta nhìn chung là đáng quý nhưng có tranh thủ được nguồn lực này để nâng cao quốc lực hay không  là trách nhiệm của chúng ta, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ trong thời gian tới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, trong thời gian tới, Việt Nam thực hiện với nội hàm mở rộng hơn, không chỉ thu hút vốn mà còn hợp tác về quản lý, tăng cường mua lại, sáp nhập, hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác về lao động, đảm bảo công bằng xã hội. Hợp tác FDI mang tính chủ động, bình đẳng, có tính lựa chọn của Việt Nam. Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì là ta nhận nấy. Cần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, kinh doanh. Tuy nhiên, khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phát triển lao động, đầu tư mang tính chất bền vững, tạo giá trị gia tăng cao, thu hút các dự án công nghệ tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt một số nhiệm vụ như giữ vững môi trường chính trị, nền tảng tinh kết vĩ mô, sự ổn định an ninh, quốc phòng, đối ngoại, thúc đẩy mạnh mẽ hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao. 

Ngoài ra, hoàn thiện khung pháp luật, tương thích một số luật phù hợp các cam kết quốc tế, các hiệp định FTA thế hệ mới, nâng tầm nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh liên kết, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao...