17:16 09/10/2008

5 nguyên tắc khôi phục lòng tin trong khủng hoảng

Minh Đức

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị 5 nguyên tắc có thể giúp các chính phủ khôi phục lòng tin trong tình thế hiện nay

“IMF nhận thấy những rủi ro tăng mạnh đối với sự ổn định tài chính toàn cầu và thúc giục hành động toàn diện”.
“IMF nhận thấy những rủi ro tăng mạnh đối với sự ổn định tài chính toàn cầu và thúc giục hành động toàn diện”.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị 5 nguyên tắc có thể giúp các chính phủ khôi phục lòng tin trong tình thế hiện nay.

Ngày 7/10, IMF công bố Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu (GFSR). Bản báo cáo này tập trung phân tích tình thế của các nhóm quốc gia trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên toàn cầu.

Cần hợp tác toàn cầu

Trong thông điệp vừa phát đi, cơ quan này nhấn mạnh: “IMF nhận thấy những rủi ro tăng mạnh đối với sự ổn định tài chính toàn cầu và thúc giục hành động toàn diện”.

Theo bản báo cáo, các điều kiện tài chính và tiền tệ hiện đã được thắt chặt hơn, sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro tiếp tục giảm đi, và các rủi ro về kinh tế vĩ mô toàn cầu, tín dụng, thị trường, vốn khả dụng và rủi ro của các thị trường mới nổi đã tăng lên.

IMF cũng nhấn mạnh quyết tâm của các chính phủ trong việc đối phó với các thách thức này, và cho rằng một cam kết chung của các chính phủ nhằm giải quyết những thách thức một cách hiệu quả sẽ có ích cho sự hồi phục của ổn định tài chính toàn cầu.

“Báo cáo GFRS ngày hôm nay cho thấy chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như thế nào”, Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss - Kahn viết trong lời giới thiệu bản báo cáo.

Tổng giám đốc IMF nhấn mạnh thêm: “Thời điểm của những giải pháp nhỏ lẻ đã qua. Vì vậy tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách có những đối sách khẩn cấp với cuộc khủng khoảng tại cấp quốc gia, với các biện pháp toàn diện nhằm khôi phục lại lòng tin vào khu vực tài chính. Đồng thời, các chính phủ phải phối hợp chặt chẽ những nỗ lực của mình để giúp hệ thống tài chính quốc tế ổn định trở lại”.

Ông Jaime Caruana, Cố vấn và Vụ trưởng Vụ Các thị trường vốn và tiền tệ của IMF, tác giả bản báo cáo trên, cũng lưu ý: “Hệ thống tài chính toàn cầu đang trải qua những bất ổn chưa từng thấy trong một vài tháng qua. Kể từ mùa xuân năm nay, tình hình đã trở nên ngày càng nghiêm trọng. Nhưng khi ở trong tình thế nghiêm trọng như vậy, ý thức về sự khẩn cấp và quyết tâm của chính phủ các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề sắp tới cũng như ý thức về sự cấp bách phải tăng cường hợp tác toàn cầu là những diễn biến tích cực”.

“Tuy nhiên, cần có những hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề về không đủ vốn, giá trị tài sản có giảm, và thị trường cấp vốn có hoạt động khác thường. Nếu giữa các quốc gia có sự nhất quán về cách tiếp cận toàn diện như vậy thì sẽ đủ để khôi phục lòng tin và sự vận hành hợp lý của thị trường cũng như ngăn ngừa sự suy giảm kéo dài của nền kinh tế toàn cầu”, ông Caruana bổ sung.

Trong báo cáo trên, nước Mỹ vẫn là tâm điểm của cuộc khủng hoảng, khi thị trường nhà ở tiếp tục suy giảm và suy thoái kinh tế lan rộng hơn góp phần làm cho chất lượng các khoản cho vay hiện có xấu đi.

Với bước ngoặt của chu kỳ rủi ro còn chưa tới, báo cáo GFRS ước tính rằng tổn thất đã được công bố cho các khoản cho vay và tài sản có được chứng khoán hóa ở Mỹ có thể lên tới 1,4 nghìn tỷ USD - so với con số ước tính của báo cáo GFRS tháng 4/2008 là 945 tỷ USD. Các nhà chức trách Mỹ và một số nước khác đã thực hiện các biện pháp để hỗ trợ tăng lòng tin vào các tổ chức và thị trường tài chính, gồm cả việc bơm vốn cho các tổ chức tài chính hoặc đề nghị mua các tài sản có gặp vấn đề.

Ông Caruana cho biết: “Khó có thể đánh giá được thành công cuối cùng của các biện pháp đó. Nhưng khi các chính sách cụ thể trở nên rõ ràng, các nhà chức trách sẽ cần phải truyền đạt rõ ràng tới công chúng về việc làm thế nào để kiềm chế rủi ro cho những người nộp thuế”.

Báo cáo GFSR lưu ý rằng những bên đi vay và các tổ chức tài chính tại các thị trường mới nổi, là các đối tượng mà cho tới gần đây vẫn có khả năng chống đỡ tương đối tốt, sẽ phải đối mặt với một môi trường kinh tế có nhiều thách thức hơn: tín dụng toàn cầu thắt chặt kết hợp với sự tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ đẩy nhanh sự suy giảm của chu kỳ tín dụng trong nước tại một vài quốc gia.

Đặc biệt dễ bị tổn thương là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào các luồng vốn ngắn hạn hay những nền kinh tế có hệ thống ngân hàng với đòn bẩy tài chính được quốc tế tài trợ.

Trong ngắn hạn và nhằm hỗ trợ sự ổn định tài chính toàn cầu, báo cáo GFSR khuyến nghị các nhà chức trách của các quốc gia bị ảnh hưởng nên công bố công khai một cam kết hợp tác nhằm giải quyết vấn đề này.

5 nguyên tắc

Dựa trên kinh nghiệm rút ra từ những cuộc khủng khoảng trước, báo cáo khuyến nghị 5 nguyên tắc có thể giúp các chính phủ khôi phục lòng tin trong những tình thế đặc biệt hiện nay:

Thứ nhất, sử dụng các biện pháp toàn diện, kịp thời và được truyền đạt rõ ràng tới công chúng.

Thứ hai, hướng tới một gói các biện pháp nhất quán và chặt chẽ nhằm ổn định hệ thống tài chính toàn cầu tại khắp các quốc gia.

Thứ ba, đảm bảo sự ứng phó nhanh trên cơ sở phát hiện sớm những sự căng thẳng tài chính nhằm kiềm chế các hậu quả đối với hệ thống.

Thứ tư, đảm bảo rằng sự can thiệp khẩn cấp của các chính phủ chỉ là tạm thời và lợi ích của những người nộp thuế được bảo vệ.

Thứ năm, tránh quên mất mục tiêu về một hệ thống tài chính lành mạnh, cạnh tranh và hiệu quả hơn trong tương lai.