18:53 05/08/2024

64% doanh nghiệp chưa chuẩn bị cho chuyển đổi xanh

Nguyệt Hà

Kết quả khảo sát trên diện rộng từ 2.734 cơ sở về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam với việc chuyển đổi xanh mà Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thực hiện đã đưa ra những con số khá bất ngờ và rất đáng lo ngại tới quá trình chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu Netzero mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26...

Thép là ngành phát thải nhiều carbon và có tỷ lệ xuất khẩu cao vào EU. Ảnh: Vneconomy
Thép là ngành phát thải nhiều carbon và có tỷ lệ xuất khẩu cao vào EU. Ảnh: Vneconomy

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với sự hỗ trợ của quốc tế; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, không xây dựng nhà máy điện than mới sau 2030 tiến tới giảm dần điện than từ 2045; giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với 2020; tăng cường bảo vệ rừng và quản lý sử dụng đất nhằm giảm phát thải khí nhà kính; tham gia liên minh thích ứng toàn cầu...

Để hiện thực hóa cam kết này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”. Với mục tiêu Xanh hóa nền kinh tế, Chiến lược đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Nhiều chuyên gia đánh giá cam kết của Việt Nam tại COP26 thực sự là một tham vọng. Và để hiện thực hóa mục tiêu này, từ nay tới 2050 Việt Nam sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ.

TRÊN 50% DOANH NGHIỆP CHO RẰNG CHUYỂN ĐỔI XANH LÀ “KHÔNG THỰC SỰ CẦN THIẾT”

Tuy nhiên, kết quả khảo sát thực tế từ 2.734 doanh nghiệp của Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) lại cho thấy mức độ sẵn sàng để chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, có tới trên 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá chuyển đổi xanh chưa thật sự cần thiết.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát, có 5,1% doanh nghiệp cho rằng “Rất không cần thiết” 12,3% cho rằng “Không cần thiết”, 33,9% cho rằng “Bình thường”. Đáng chú ý, có tới 64% doanh nghiệp chưa hề có sự chuẩn bị đối với chuyển đổi xanh trong khi thời điểm chuyển tiếp của nhiều chính sách tại các thị trường lớn sắp qua đi.

Theo kết quả khảo sát, hiện có 48,7% doanh nghiệp cho rằng rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh ở mức độ cần thiết, trong đó 16,9% đánh giá là rất cần thiết. Tuy nhiên, vẫn có 17,4% đánh giá là không cần thiết/rất không cần thiết.

Có 67/69 doanh nghiệp sản xuất giấy không biết mình phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Có 67/69 doanh nghiệp sản xuất giấy không biết mình phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Điều đáng ngạc nhiên là không có nhiều sự khác biệt trong đánh giá mức độ cần thiết phải giảm phát thải, chuyển đổi xanh giữa các doanh nghiệp chỉ hoạt động nội địa với doanh nghiệp xuất khẩu. Trong bối cảnh EU sẽ Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon của EU đã chính thức có hiệu lực vào tháng 10/2023 tập trung vào các nhóm hàng hóa phát thải cao là xi măng, điện, phân bón, sắt, thép, nhôm và hydrogen và sẽ mở rộng ra các sản phẩm ngành hàng khác thì con số trên thật sự đáng lo ngại.

Các doanh nghiệp ngành Nông, lâm thủy sản và công nghiệp đánh giá mức độ cần thiết chuyển đổi cao hơn so với ngành Xây dựng, Dịch vụ. Cụ thể: 59,6% doanh nghiệp ngành Nông, lâm thủy sản đánh giá cần thiết phải giảm phát thải, chuyển đổi xanh, trong đó 24,9% đánh giá là rất cần thiết.

Tỷ lệ này ở doanh nghiệp ngành Công nghiệp là 54,1%, trong khi đó có 45% doanh nghiệp 2 ngành Xây dựng và Dịch vụ đều đánh giá chuyển đổi xanh là cần thiết. Một số ngành đặc thù có sự nhận diện mức độ cần thiết khá cao như sản xuất dệt may với 55,9% (34 doanh nghiệp được khảo sát); 52,7% với công nghiệp chế biến, chế tạo 52,6% (499 doanh nghiệp), Khai khoáng 56,5% (46 doanh nghiệp), Vận tải kho bãi với 48,8% (125 doanh nghiệp).

Các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ đánh giá cần thiết phải giảm phát thải, chuyển đổi xanh cao hơn một chút so với doanh nghiệp trong nước (55,2% so với 48%). Ngoài ra, doanh nghiệp có doanh thu càng lớn đánh giá mức độ cần thiết giảm phát thải và chuyển đổi xanh càng cao

64% DOANH NGHIỆP VIỆT NAM CHƯA CHUẨN BỊ GÌ

Liên quan đến mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh, có đến 64% doanh nghiệp được khảo sát “chưa chuẩn bị gì”.

Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, chỉ có 5,5% đã thực hiện các hoạt động “cắt giảm lượng khí thải trong một số hoạt động trọng tâm”. Tỉ lệ “đã thực hiện theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hàng năm” chỉ ở mức 3.8%.

Với các diễn biến chính sách từ các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ và nội luật hóa ở Việt Nam hiện nay, việc các doanh nghiệp trong nước gần như chưa chuẩn bị gì sẽ tạo ra những sức ép rất lớn trong tương lai khi các quy định hết thời gian chuyển tiếp và chuyển sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ.

Các doanh nghiệp chỉ hoạt động nội địa có mức độ sẵn sàng không cao như các doanh nghiệp hoạt động, hướng đến xuất khẩu. Trong khi 68,7% doanh nghiệp có phạm vi hoạt động trong nước chưa chuẩn bị gì cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh thì tỷ lệ này ở doanh nghiệp có phạm vi hoạt động ở nước ngoài và cả nội địa và nước ngoài đều thấp hơn, lần lượt là 53,7% và 55,6%.

Doanh nghiệp FDI có mức độ sẵn sàng cao hơn doanh nghiệp nội địa
Doanh nghiệp FDI có mức độ sẵn sàng cao hơn doanh nghiệp nội địa

Các doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp có mức độ sẵn sàng tích cực cao hơn so với các lĩnh vực còn lại. Tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch cũng không nhiều. Cụ thể, doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp có tỷ lệ chưa chuẩn bị gì thấp nhất (55,6%) và tỷ lệ đã cắt giảm lượng khí phát thải trong một số lĩnh vực và đã theo dõi, công bố kết quả giảm phát thải hàng năm cao nhất, lần lượt là 7,7% và 4,7%.

Trong khu vực Công nghiệp, doanh nghiệp khai khoáng có mức độ sẵn sàng cao nhất (tỷ lệ chưa chuẩn bị gì chỉ 41,3%, tỷ lệ đã thực hiện cắt giảm khí nhà kính là 10,9%; đã theo dõi, công bố kết quả 8,7%. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành Logistic có tỷ lệ chưa chuẩn bị gì cao nhất (68,8%).

So với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp khối FDI có mức độ sẵn sàng tốt hơn: Tỷ lệ doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì thấp hơn (51,1% so với 65,1%), tỷ lệ đã thực hiện cắt giảm khí phát thải cao hơn và tỷ lệ đã thực hiện theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hàng năm.

Đặc biệt, doanh nghiệp có doanh thu lớn thì mức độ sẵn sàng cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh cũng tốt hơn. Chẳng hạn, những doanh nghiệp có doanh thu năm 2022 trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ chưa chuẩn bị gì thấp gần nhất với tỷ lệ 48,7%. Đồng thời tỷ lệ doanh nghiệp đã thực hiện theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hàng năm cao nhất đạt 8,9%.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát một số doanh nghiệp nằm trong danh sách ban đầu gồm 1.912 cơ sở bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (theo Quyết định số 01/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy có không ít doanh nghiệp chưa biết mình nằm trong danh sách bắt buộc thực hiện kiểm kê.

Chẳng hạn, có tới 67/69 doanh nghiệp ngành giấy và nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên chưa biết mình phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Doanh nghiệp có quy mô lớn nhất mảng sản xuất dây cáp điện tại Việt Nam cũng chưa biết mình nằm trong danh sách dù Quyết định ban hành đã 2 năm và chưa biết cần phải tuân thủ và thực hiện như thế nào.

"Đó là lý do tại sao hầu hết doanh nghiệp đều kiến nghị cần có sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý về cách thức đo đạc, kiểm kê và lập báo cáo phát thải khí nhà kính dù các Bộ hữu quan đã ban hành các Thông tư liên quan", Báo cáo nhận định.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng đề nghị sự hỗ trợ kiến thức của các bên tư vấn về cách thức thiết lập chiến lược, và xây dựng lộ trình chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững sau quá trình kiểm kê.

 

Ban IV đã phối hợp với Báo VnExpress thực hiện khảo sát trực tuyến từ ngày 26 tháng 11 đến 08 tháng 12 năm 2023. Tổng số doanh nghiệp tham gia: 2.734 đại diện doanh nghiệp (sau khi làm sạch dữ liệu). Các doanh nghiệp tham gia khảo sát có tính đa dạng về quy mô, loại hình, lĩnh vực, vì thế, các kết quả, thông tin tổng hợp được thể hiện trong báo cáo sẽ có tính đại diện khá cao cho tiếng nói của doanh nghiệp trong thực tiễn. Kết quả khảo sát này là một phần trong báo cáo "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" do Ban này thực hiện và đã trình Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua.