17:01 09/08/2016

7 bí quyết tiếp thêm sự sáng tạo cho con

PV

7 bí quyết tiếp thêm sự sáng tạo cho con - Ảnh 1

1.    Con cũng cần những giờ chơi một mình
Từ những chiếc thùng carton, trẻ nhỏ có thể “biến hóa” thành trang phục của Ninja. Chúng xây những pháo đài và trèo lên cây để tự làm các “ngôi nhà chim” kỳ thú, hay chơi đánh trận giả với việc bày các mô hình trên đất. Sự tưởng tượng của trẻ là không có giới hạn. 
Bạn có biết thuật ngữ “entertain themselves” (tự làm vui bản thân)? Đó là cách mà bọn trẻ tự vui chơi, “tận hưởng” và khiến mình vui theo cách mình thích. Ngay cả các em bé sơ sinh cũng đã có khả năng này. Chỉ đơn giản, bố mẹ hãy để con 1 khoảng thời gian được chơi một mình (trong tầm theo dõi): không ôm ấp, không hít hà, không xoa nựng. Khi con nhỏ, hãy để con dõi đôi mắt nhìn ngắm những ánh sáng tự nhiên, quơ quơ tay với những món đồ chơi trong tầm với, ê a nói chuyện với chú thỏ bông mà không bị bố mẹ “xen ngang”... Dần dần, những giờ “chơi một mình” sẽ giúp con biết cách tự “giải trí” thay vì “nhờ người khác tác động”. Một nghiên cứu của giáo sư Teresa Amabile, thuộc đại học Havard đã chỉ ra trên trang web Creative Education Foundation rằng “ Những đứa trẻ hoàn toàn có khả năng sáng tạo một khi chúng có những giờ chơi tự do đáng kể”. Và thường chúng ta hay thấy mọi người khuyên rằng bố mẹ phải dành thời gian để chơi với con, nhưng đã bao giờ bạn thực hiện việc để con “chơi một mình” một cách chất lượng? 2.    Đồ chơi càng đơn giản càng tốt
Có khá nhiều bố mẹ cho rằng “sáng tạo” là liên quan đến “nghệ thuật” và sự đầu tư (thời gian, công sức, tiền bạc). Nhưng thực tế là: những món đồ đơn giản nhất lại khơi gợi nhiều sự sáng tạo nhất.
Những thứ con bạn cần chỉ là giấy trắng, sáp màu, màu nước, kéo, đất nặn, gỗ vụn… Chúng hoàn toàn không cần tới giá vẽ, màu acrylics, bút lông đắt tiền hay là những bộ đồ chơi tiền triệu. Thực ra,  trẻ con hoàn toàn có thể tạo nên “những tác phẩm” thú vị đầy sự tưởng tượng bay bổng chỉ từ những nguyên vật liệu cơ bản nhất. Và những góc trong nhà như gầm bàn, bàn bếp, gác nghỉ cầu thang….có thể là một “khu trưng bày” của riêng con. Và thường những gì đơn giản, tưởng chừng như là phế liệu bỏ đi lại khơi gợi sự tò mò, óc tưởng tượng của trẻ con và khiến chúng tạo nên những điều đầy bất ngờ nhất. 3.    Hỏi và nghe trẻ trả lời
Cuộc sống thực tế đòi hỏi chúng ta phải luôn đưa ra các quyết định và các cách giải quyết vấn đề. Những câu trả lời như “ Đó không phải là lỗi của con”, “Con không biết cách làm việc đó”, “Con không biết tại sao việc đó lại xảy ra”… không phải là dạng câu trả lời có thể sẽ đưa một đứa trẻ tiến lên phía trước và phát triển bản thân. 
Vì vậy, nếu con bạn muốn mua 1 bộ đồ chơi lắp ráp trong khi ở nhà có sẵn 1 bộ, hãy hỏi con về lý do con cần có bộ đồ chơi này. Hãy yêu cầu trẻ phải kể ra được những lý do thuyết phục được bố mẹ, thì bố mẹ mới mua cho con. Hay với những bé lớn hơn, khi bé muốn mua một món đồ yêu thích, hãy yêu cầu bé list ra các cách con có thể tự kiếm tiền để mua món đồ đó. Làm thêm việc nhà, dọn vườn, rửa xe, trông em… bao nhiêu công việc trẻ liệt kê là bấy nhiêu lần trẻ “vận động não” để hiện thực hóa mong muốn của mình.

7 bí quyết tiếp thêm sự sáng tạo cho con - Ảnh 2

4.    Thường xuyên đến bảo tàng
Bất kỳ bảo tàng nào, dù nhỏ hay lớn đều có những thông tin mới mẻ với đứa trẻ. Nơi đó sẽ cung cấp cho trẻ thông tin về lịch sử, công trình nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa hay kiến thức mà ở khía cạnh nào đó chúng chưa bao giờ được tiếp cận. Với trẻ con, những gì mới mẻ đều khiến chúng thích thú!
Và dĩ nhiên, bảo tàng không phải là màn hình TV. Ở bảo tàng, con được chuyển động xung quanh hiện vật, khám phá mọi thứ và thậm chí là "tương tác". Yếu tố "động" này giúp các giác quan vận dụng linh hoạt từ thị giác nhìn mọi thứ xung quanh, thính giác nghe những thông tin mới được truyền tải, xúc giác có thể được "sờ" vào những vật trưng bày một cách nhẹ nhàng để cảm nhận. 5.    Những nguyên liệu cần cho sự sáng tạo
Khi trẻ được tiếp xúc với các công cụ thú vị, những chất liệu bất ngờ… trẻ sẽ được tối ưu khả năng sáng tạo. Albert Einstein khi lên 4 tuổi, ông được chú của mình tặng cho 1 chiếc la bàn – ông đã vô cùng thích thú xen lẫn ngạc nhiên trước công dụng của nó. Sau này, Einstein đã tuyên bố rằng “sự kiện” đó đánh dấu mốc khởi đầu cho sự tìm tòi và sáng tạo khoa học của ông sau này.
Nếu bạn muốn con mình loay hoay, tìm tòi và sáng tạo, hãy đảm bảo trong nhà luôn có những món đồ sau: Sổ vẽ; Bút sáp màu; Keo dán; Kéo; Bút chì; Màu nước; Giấy báo cũ; Hộp carton cũ; Quả địa cầu; Những mẩu gỗ vụn các hình dạng… 6.    Để trẻ tự chọn quần áo
Khi trẻ muốn tự quyết định mặc gì, dù cho trang phục có thể rất “kì lạ”, có thể là chiếc áo màu hồng đi với chiếc quần màu xanh lá, hay một cô bé con quyết định mặc cả váy lẫn… quần, thì chỉ bởi chúng đang muốn trải nghiệm cảm giác độc lập và thể hiện tính cá tính đó thôi. Đừng cau mày. Đừng sợ mất mặt. Và nhất là đừng chê bai sự lựa chọn của trẻ. Hãy để trẻ được tự do lựa chọn. Bạn cứ nghĩ mà xem, khi trẻ mở tủ đồ ra, hàng loạt lựa chọn trước mặt, và chúng sẽ cân nhắc, tưởng tượng rồi quyết định sẽ chọn trang phục nào. Sự kết hợp mà trẻ thấy thích thú nhất tại thời điểm đó sẽ đem lại cho trẻ các cảm giác thú vị lắm.
7.    ĐỪNG CHO TRẺ CHƠI GAME TRÊN MÁY TÍNH
Có nên để 1 đứa trẻ lớn lên bên máy tính hàng giờ liền trong ngày thay vì đi ra ngoài và hòa nhập vào cuộc sống thực? Có nên để trẻ đắm chìm trong những trò chơi hư cấu? Game ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ theo nhiều cấp độ. Những trò chơi này khiến trẻ mất dần tính tập trung, khiến trẻ ham muốn được thỏa mãn ngay lập tức. Ngoài ra, dạng trò chơi này còn hạn chế sức sáng tạo của trẻ bởi chỉ bằng cách mở máy lên, trẻ sẽ đi vào một thế giới được tạo ra sẵn, mô phỏng đầy đủ cuộc sống thực. Trẻ dễ dàng bị “gây nghiện” bởi ma lực của các trò chơi này rất hấp dẫn, làm cho trẻ trẻ cảm thấy các hoạt động thực trở nên nhàm chán. 
Thay vì chơi bowling thật, trẻ lại thấy hấp dẫn hơn khi tham gia 1 trận đấu online. Thay vì đổ mồ hôi chạy theo  bóng trên sân cỏ, trẻ lại thích thú khi sút bóng bằng các cú click chuột trên máy. Những đứa trẻ đâu cứ nhỏ bé mãi được, chúng sẽ dần mỗi ngày lớn lên, và cuộc sống sau này của chúng không phải được điều khiển bằng 1 nút enter hay chỉ cần thành thạo vài nguyên tắc cơ bản như trong game máy tính. Cuộc sống ngoài kia rất bận rộn, rất cạnh tranh, rất màu sắc… và các con cần được thực hành va chạm mỗi ngày thông qua các giao tiếp xã hội cơ bản chứ không phải tốn thời gian vào các trò chơi hư cấu.

Ninh Vũ Nhu