Nợ công Mỹ lần đầu vượt 31 nghìn tỷ USD
Nợ công Mỹ đã tăng gần 8 nghìn tỷ USD so với thời điểm đầu năm 2020...
Theo dữ liệu công bố ngày 4/10 của Bộ Tài chính Mỹ, nợ công của Mỹ đã lần đầu tiên vượt 31 nghìn tỷ USD. Điều này diễn ra trong bối cảnh lạm phát ở nước này đang cao kỷ lục, lãi suất tăng và bất ổn kinh tế leo thang.
Dữ liệu cho thấy tổng nợ công Mỹ ở mức 31,1 nghìn tỷ USD, tăng gần 8 nghìn tỷ USD so với thời điểm đầu năm 2020. Riêng 8 tháng qua, con số này tăng 1 nghìn tỷ USD.
Theo CNN, kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, Chính phủ Mỹ đã liên tục vay nợ để hỗ trợ nền kinh tế khi đại dịch lớn nhất lịch sử ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, làm xáo trộn thị trường lao động và gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các khoản vay chính phủ vào cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump và đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden được thực hiện khi lãi suất ở mức thấp. Tuy nhiên, sau các lần tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để hạ nhiệt lạm phát từ đầu năm, chi phí vay nợ đang ở mức cao hơn nhiều.
Ủy ban Vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm Mỹ (CRFB) tháng trước ước tính các chính sách của chính quyền Biden có thể khiến ngân sách nước này thâm hụt 4,8 nghìn tỷ USD trong giai đoạn năm 2021-2031.
"Việc vay nợ quá mức sẽ càng khiến áp lực lạm phát tăng lên, đẩy nợ công quốc gia lên mức kỷ lục mới vào năm 2030 và tăng gấp ba các khoản thanh toán lãi trong thập kỷ tiếp theo - hoặc thậm chí sớm hơn nếu lãi suất tăng nhanh hơn hoặc nhiều hơn dự báo”, CRFB đã viết.
Theo ước tính của tổ chức Peterson Foundation, lãi suất cao có thể khiến Mỹ phải thanh toán lãi thêm 1 nghìn tỷ USD trong thập kỷ này. Chỉ cần lãi suất nợ công tăng lên 1 điểm phần trăm so với ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (C.B.O.) trong vài năm tới, các khoản thanh toán lãi có thể tăng lên vượt mức chi cho quốc phòng của Mỹ vào năm 2029.
Trong đại dịch, Fed đã hạ lãi suất quỹ liên bang (lãi suất cơ bản của Mỹ) về sát ngưỡng 0%. Tuy nhiên, kể từ tháng 3 năm nay, cơ quan này bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ với 5 lần tăng lãi suất liên tiếp, trong đó có ba lần tăng 0,75 điểm phần trăm. Lãi suất cơ bản của Mỹ hiện trong khoảng 3-3,25%. Theo dự báo gần đây nhất của Fed, con số này có thể tăng lên 4,6% vào cuối năm sau, tăng từ mức dự báo 3,8% đưa ra trước đó.
Trong một báo cáo đầu năm nay, C.B.O. đã cảnh báo rằng gánh nặng nợ ngày càng lớn của Mỹ có thể khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng trả nợ của Chính phủ.
Mức vay nợ công của Mỹ đã tăng chóng mặt trong thập kỷ qua. Con số này là 10,6 nghìn tỷ USD khi cựu Tổng thống Barack Obama nhậm chức vào ngày 20/1/2009; 19,9 nghìn tỷ USD khi ông Trump nhập chức vào ngày 20/1/2017, và 27,8 nghìn tỷ USD khi ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021 – theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ.
“Nợ công vượt qua một cột mốc mới cho thấy một vấn đề rất lớn trong tương lai, dù trong ngắn hạn, lạm phát cao mới là vấn đề đáng lo ngại nhất”, nhà kinh tế Alex Pelle của Mizuho Securities nhận xét. “Bất kỳ đợt phát hành trái phiếu thuộc loại nào cũng có thể là một vấn đề, nhưng đó là vấn đề trong 5-10 năm nữa. Một trong những vấn đề của việc sở hữu tiền tệ dự trữ toàn cầu là ai cũng muốn mua trái phiếu Chính phủ Mỹ với giá rẻ”.
Theo các nhà phân tích, Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua việc nâng trần nợ công vào đầu năm 2023 nhằm tránh nguy cơ chính phủ rơi vào cảnh vỡ nợ. Nợ công Mỹ đang cách mức trần hiện tại chỉ 3,14 nghìn tỷ USD.
Các nhà làm luật Mỹ năm ngoái đã cho phép nâng trần nợ liên bang thêm 2,5 nghìn tỷ USD. Nếu Đảng Cộng hòa nắm đa số ghế trong Hạ viện hoặc Thượng viện trước thời hạn trên sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay, dự báo một cuộc chiến liên quan tới vấn đề trần nợ công giữa hai đảng lại có thể xảy ra một lần nữa.