7 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ
Riêng tháng 7, doanh thu Thế giới di động (bao gồm Topzone) và Điện máy xanh là 7,2 ngàn tỷ đồng - trong đó, doanh thu tháng tăng 5% so với cùng kỳ, và giảm nhẹ so với tháng liền trước do qua mùa cao điểm máy lạnh và kết thúc sự kiện bóng đá...
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG-HOSE) đã công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2024 với doanh thu MWG đạt 76.541 tỷ, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu (125.000 tỷ).
Theo MWG, riêng tháng 7, doanh thu TGDĐ (bao gồm Topzone) và ĐMX là 7,2 ngàn tỷ đồng - trong đó, doanh thu tháng tăng 5% so với cùng kỳ, và giảm nhẹ so với tháng liền trước do qua mùa cao điểm máy lạnh và kết thúc sự kiện bóng đá.
MWG cho biết, với lợi thế kinh doanh danh mục sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng và luôn chủ động triển khai các giải pháp bán hàng mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng, công ty ghi nhận tăng trưởng dương ở một số ngành hàng bắt đầu vào mùa cao điểm như máy tính xách tay và máy giặt, bên cạnh nhóm điện thoại vẫn đang duy trì mức tăng trưởng tích cực liên tục sau nhiều tháng.
Doanh thu online 7 tháng đầu năm đạt gần 6,3 ngàn tỷ đồng, chiếm 12% tổng doanh thu của cả hai chuỗi.
Về chuỗi BHX, lũy kế 7 tháng đầu năm, chuỗi Bách Hóa Xanh đạt 23 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ.
Riêng tháng 7, doanh thu đạt hơn 3,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 28% so với tháng cùng kì và tăng nhẹ so với tháng liền trước. Cả 2 ngành hàng tươi sống và FMCG đều duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số so với tháng 7-2023. Đáng chú ý, doanh thu bình quân trong tháng 7 đạt 2,1 tỷ đồng/cửa hàng
Tính đến cuối tháng 7, MWG có 1.028 cửa hàng TGDĐ (bao gồm Topzone) – giảm 18 cửa hàng so với cuối tháng 6. Tương tự, chuỗi Điện Máy Xanh cũng giảm 59 điểm bán xuống còn 2.034 cửa hàng. Trong khi đó, chuỗi EraBlue tại Indonesia ghi nhận tăng 4 cửa hàng lên con số 65.
Trong báo cáo cập nhất mới nhất của VCSC, VCSC cho biết kết quả kinh doanh của TGDĐ & DMX ở mức vượt trội so với thị trường, nắm giữ khoảng 60% thị phần mảng ICT và khoảng 50% thị phần mảng CE. Lợi nhuận được cải thiện thông qua việc đàm phán với các nhà cung cấp tốt hơn và hỗ trợ từ các thương hiệu. Ngoài ra, các nỗ lực tái cơ cấu nhằm tinh giản bộ máy và đóng cửa các cửa hàng có kết quả kinh doanh kém đã góp phần giảm bớt chi phí hoạt động.
VCSC cũng đưa ra triển vọng nửa cuối năm 2024 đối với MWG là tập trung cải thiện biên lợi nhuận thông qua tối ưu hóa giá vốn hàng bán, ra mắt các sản phẩm độc quyền, và kiểm soát chi phí hoạt động. Kế hoạch đóng cửa các cửa hàng đã hoàn tất trong tháng 8/2024.
Đồng thời, VCSC cũng đưa ra triển vọng nửa cuối năm 2024 đối với BHX. Theo đó, BHX được kỳ vọng sẽ ghi nhận lãi trong quý 3 và quý 4/2024. Công ty sẽ tiếp tục tập trung vào việc tối ưu hóa các chi phí cửa hàng và logistics để duy trì và tăng khả năng cải thiện biên lợi nhuận. Tiến trình tối ưu hóa chi phí cửa hàng đã hoàn thành 60%-70% mức mục tiêu, trong khi việc tối ưu hóa trung tâm phân phối nhìn chung đã đáp ứng được các mục tiêu của công ty.
BHX có kế hoạch sẽ mở thêm 50-100 cửa hàng mới trong nửa cuối năm 2024. Khoảng 50% số cửa hàng mới mở gần đây đã đạt mốc hòa vốn ngay sau khi khai trương, và các cửa hàng còn lại đạt mốc này trong vòng 3 tháng.
VCSC cho biết doanh thu/cửa hàng tại TP. HCM vẫn duy trì ở mức cao hơn nhẹ so với các khu vực khác, với các cửa hàng ở ngoại thành TP.HCM đạt được mức doanh thu tương đương 80%-90% mức doanh thu được ghi nhận trong khu vực nội thành; Công ty đã tái cơ cấu mô hình bán hàng trực tuyến từ hệ thống tập trung sang hệ thống được tích hợp ở cấp cửa hàng, giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí.
Ngoài ra, BHX có kế hoạch tăng vốn đầu tư xây dựng cơ bản để mở rộng số lượng cửa hàng trong năm 2025; tuy nhiên, ban lãnh đạo vẫn chưa chốt kế hoạch chi tiết bao gồm số lượng cửa hàng và khu vực sẽ mở cửa hàng.
Về An Khang: Theo VCSC kế hoạch tái cơ cấu đang được thực hiện, và công ty đang tập trung vào việc đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả với mục tiêu đưa số lượng cửa hàng về 300 vào cuối năm 2024. Doanh số/cửa hàng đạt 500 triệu đồng trong quý 2/2024; mục tiêu hòa vốn ở mức 550 triệu đồng/cửa hàng mỗi tháng.
Về Era Blue (Indonesia): Era Blue hiện đang vận hành 61 cửa hàng tại Indonesia, chủ yếu tập trung vào các mô hình cửa hàng mini và super mini. Doanh số hàng tháng/cửa hàng là khoảng 4,5 tỷ đồng đối với cửa hàng mini và 2,5 tỷ đồng với cửa hàng siêu mini, cao hơn nhiều so với các cửa hàng tương tự tại Việt Nam. Tuy nhiên, công ty chưa ghi nhận lãi do chi phí ban đầu và chi phí trụ sở chính cao, được cơ cấu để hỗ trợ cho hơn 100 cửa hàng. Mục tiêu cho quý 4/2024 là đạt mức hòa vốn. Một đợt phát hành công khai lần đầu đang được xem xét cho năm 2027, tùy thuộc vào kế hoạch mở rộng lên khoảng 500 cửa hàng của công ty.