09:15 25/01/2008

70% thu nhập của người Việt dành cho tiêu dùng

Anh Quân

Những số liệu và phân tích từ bảng xếp hạng của tập đoàn tư vấn AT Kearney về sức hút của các thị trường bán lẻ

Tuy có thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp trên thế giới, nhưng người Việt Nam chi tới 70% thu nhập cho mục đích tiêu dùng. Một con số cao so với khoảng con số tương tự là 40% ở các nước phát triển - Ảnh: Việt Tuấn.
Tuy có thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp trên thế giới, nhưng người Việt Nam chi tới 70% thu nhập cho mục đích tiêu dùng. Một con số cao so với khoảng con số tương tự là 40% ở các nước phát triển - Ảnh: Việt Tuấn.
Năm 2007, Việt Nam đã “nhường” vị trí thứ ba cho Trung Quốc để trở thành thị trường bán lẻ có độ hấp dẫn thứ tư trên thế giới.

Theo bảng xếp hạng của tập đoàn tư vấn AT Kearney, sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam đứng sau các nền kinh tế là Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Trong năm 2007, người Việt Nam đã chi gần 45 tỷ USD cho mua sắm và tiêu dùng.

Tuy vậy, tại buổi hội thảo về thị trường bán lẻ diễn ra tại Hà Nội sáng 23/1 vừa qua, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ, phát biểu rằng các nhà đầu tư nước ngoài vn đang tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam.

Báo cáo của AT Kearney cho thấy dù trong năm 2007 vị trí của Việt Nam sụt giảm trong bảng xếp hạng, nhưng thị trường này vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn các thị trường lớn như Mexico hay Malaysia.

Ngoài các tập đoàn phân phối lớn hiện đã có mặt tại Việt Nam như Metro Cash & Carry, Bourbon, Parkson, Zen Plaza, Diamond Plaza..., theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đang có thêm nhiều tên tuổi lớn chờ cơ hội xâm nhập thị trường Việt Nam, như Wal-Mart, Carefour, Tesco, Dairy Farm...

Ông Phạm Hoàng Hà, Giám đốc Ban dự án và Phát triển thị trường, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái, cho hay, doanh thu bình quân trong 5 năm qua của thị trường bán lẻ Việt Nam vào khoảng 37 tỷ USD, chưa phải là một thị trường lớn trong khu vực, tuy nhiên lại có tốc độ tăng trưởng 20% sau mỗi năm.

Ông này cũng đưa ra dự báo, đến năm 2012, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt doanh thu bình quân khoảng 50 tỷ USD.

Báo cáo của AT Kearney cũng cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam ở mức khá cao, 118 điểm, đứng thứ năm thế giới. Mức trung bình của thế giới là 97 điểm. Tuy có thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp trên thế giới, nhưng người Việt Nam chi tới 70% thu nhập cho mục đích tiêu dùng. Một con số cao so với khoảng con số tương tự là 40% ở các nước phát triển.

Một nghiên cứu xã hội học gần đây cho thấy, số đông người Việt Nam chấp nhận mức chi tiêu cao so với thu nhập để được dùng những sản phẩm đắt giá. Sản phẩm công nghệ cao, hàng điện tử thế hệ mới, các dòng xe hạng sang… được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam bởi đa số người tiêu dung mong muốn sở hữu những thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Một trong những yếu tố khiến các nhà phân tích kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam là hệ thống phân phối bán lẻ hiện mới thu hút khoảng 10% chi tiêu của người dân nhưng lại tập trung chủ yếu ở tầng lớp trẻ. Có tới 40% người tiêu dùng Việt Nam vẫn mua hàng hóa tại các chợ, 44% qua các cửa hàng bán lẻ độc lập và khoảng 6% mua từ người sản xuất Hàng hóa.

Việc ra đời các đại siêu thị, các hệ thống phân phối phân bổ hợp lý sẽ rút ngắn khoảng cách về giá bán sản phẩm. Với chất lượng lịch vụ tốt, giá cả hợp lý thì việc chuyển đổi thói quen mua sắm tại các chợ sang các hình thức thương mại hiện đại như siêu thị và cửa hàng tự chọn đang tăng lên.

Theo cam kết WTO, đến 1/1/2009, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các công ty kinh doanh bán lẻ 100% vốn nước ngoài.