20:01 14/07/2021

700 nghìn cành hoa cúc xuất khẩu phải hủy bỏ vì vướng quy định

Chu Khôi

Những ngày vừa qua, Công ty TNHH Dalat Hasfarm (Dalat Hasfarm, Lâm Đồng) kêu cứu vì doanh nghiệp này phải hủy bỏ 700.000 cành hoa cúc chuẩn bị xuất khẩu sang Australia...

Doanh nghiệp kêu cứu vì hoa cúc xuất khẩu phải hủy bỏ do vướng quy định.
Doanh nghiệp kêu cứu vì hoa cúc xuất khẩu phải hủy bỏ do vướng quy định.

Nguyên nhân được xác định là do từ ngày 1/7/2021, thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất glyphosate đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam, nhưng đây là hoạt chất mà phía Australia yêu cầu phải sử dụng để xử lý ngâm cành hoa cúc nhằm triệt mầm hoa.

Tại buổi trả lời báo chí và doanh nghiệp diễn ra ngày 14/7 liên quan đến việc 700.000 cành hoa cúc xuất khẩu sang Australia bị hủy bỏ, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: "Chúng ta không thể vì một doanh nghiệp xuất khẩu hoa mà làm trái với quy định. Hơn nữa, chúng ta phải đặt sức khỏe, tính mạng người dân và môi trường lên trên hết". 

QUY ĐỊNH "KHÔNG GIỐNG AI" CỦA AUSTRALIA

Theo Công ty TNHH Dalat Hasfarm, hiện chỉ có 2 chủng loại là hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành xuất khẩu riêng sang thị trường Australia là bị ảnh hưởng, còn lại các loại hoa khác như: hoa cát tường, hoa hồng, hoa lan hồ điệp… hiện nay vẫn xuất khẩu bình thường sang Australia, cũng như các quốc gia khác.

Ngay cả đối với hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành, hiện nay chỉ có Australia quy định phải ngâm xử lý cành bằng glyphosate, còn lại các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Đài Loan, Malaysia… đều không có yêu cầu này.

 
Glyphosate là hoạt chất có khả năng gây ung thư (nhóm 2A) cho con người theo công bố của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thông tư số 10/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 đã ghi rõ: các thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến hết ngày 30/6/2021.

Ông Hoàng Trung cho biết khi đưa ra quy định loại bỏ hoạt chất glyphosate, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Bảo vệ thực vật đã thông báo và tất cả các doanh nghiệp đều biết việc này. Trước tháng 3/2021, thống kê lại trên cả nước còn 51 tấn hoạt chất glyphosate, sử dụng trong 1 vụ là hết. Hiện nay doanh nghiệp báo cáo không còn.

"Chúng tôi đã làm đúng theo thông lệ quốc tế và khoa học, bảo đảm đủ thời gian để doanh nghiệp thích ứng với quyết định của Bộ, chứ chúng ta không thể nói cấm là cấm hay bất ngờ hoặc là doanh nghiệp không biết. Chúng ta không thể vì một doanh nghiệp xuất khẩu hoa mà chúng ta làm trái với quy định. Hơn nữa, chúng ta phải đặt sức khỏe, tính mạng người dân và môi trường lên trên hết", ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

SẼ ĐÀM PHÁN THUYẾT PHỤC AUSTRALIA THAY ĐỔI

Đề cập về hoạt động sản xuất, xuất khẩu hoa, ông Hoàng Trung cho hay, đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu hoa đi 20 quốc gia trên thế giới gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, các nước ở EU… với rất đa dạng chủng loại hoa.

Đối với thị trường Australia, theo quy định hiện hành về kiểm dịch thực vật của nước này, có 2 loại hoa gồm hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành, khi xuất khẩu vào Australia bắt buộc phải xử lý nhúng cành vào dung dịch có chứa hoạt chất glyphosate (hàm lượng từ 0,25 - 0,5 %). Biện pháp này có mục đích ngăn chặn sự nảy mầm của thân, cành hoa và nhằm ngăn ngừa nguy cơ xâm nhiễm thực vật ngoại lai vào Australia.

Trước khi Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được văn bản kiến nghị từ Dalat Hasfarm với kiến nghị cho phép tiếp tục sử dụng hoạt chất glyphosate để xử lý cành hoa xuất khẩu sang Australia cho phù hợp với yêu cầu của phía Australia.

Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản trả lời và thông báo cho Dalat Hasfarm cũng như nhiều cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Lâm Đồng về vấn đề này như: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội hoa Đà Lạt, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hoa của Lâm Đồng rất rõ ràng về các quy định, lộ trình cấm lưu hành, sử dụng glyphosate tại Việt Nam cũng như các quy định trong thủ tục kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu hoa sang các nước.

Cục Bảo vệ thực vật và Dalat Hasfarm cũng đã thống nhất sẽ khảo nghiệm một hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật khác nhằm thay thế glyphosate. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã có công hàm gửi toàn bộ tài liệu kỹ thuật khảo nghiệm cho phía Australia, cũng như liên tục đàm phán với phía Australia để được xem xét cho phép thay thế glyphosate bằng một loại hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật khác trong thời gian sớm nhất có thể.

Trong thời gian chờ được phía Australia cho phép thay thế glyphosate bằng hoạt chất khác, ông Hoàng Trung khuyến cáo, để giải quyết khó khăn, phía Dalat Hasfarm cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu hoa (hoa cúc và cẩm chướng cắt cành) sang thị trường Australia cần chuyển hướng xuất khẩu loại hoa này sang các thị trường khác không yêu cầu phải sử dụng hoạt chất glyphosate.

“Chúng tôi rất chia sẻ với Dalat Hasfarm, bởi hiện nay dịch bệnh Covid-19 cũng khiến hoạt động sản xuất, tiêu thụ hoa tại thị trường nội địa gặp rất nhiều khó khăn, tụt giảm mạnh, nhất là ở các đô thị lớn. Không chỉ có hoa mà nhiều mặt hàng rau, củ, quả khác của Đà Lạt cũng đang chung cảnh ngộ", ông Hoàng Trung chia sẻ, đồng thời khẳng định, việc cấm lưu hành, sử dụng hoạt chất thuốc trừ cỏ glyphosate kể từ ngày 1/7/2021 theo luật định cũng không thể không thực hiện.