91 trung tâm đăng kiểm nguy cơ đóng cửa vì thiếu nhân sự
Loạt tiêu cực liên quan đến đăng kiểm trong thời gian gần đây sẽ được đưa ra xét xử, dự kiến diễn ra đồng loạt trong tháng 7/2024. Điều này có thể khiến 91 trung tâm đăng kiểm sẽ phải đóng cửa dẫn đến nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định…
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải về dự báo tình hình kiểm định xe cơ giới thời gian tới, khi các địa phương đưa vụ án liên quan đến đăng kiểm ra xét xử.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có hơn 900 đăng kiểm viên làm việc tại 112 trung tâm đã bị khởi tố. Trong số đăng kiểm viên bị khởi tố, hiện vẫn còn 291 người tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định (Hà Nội có 113 người, TP.HCM có 54 người).
Cục Đăng kiểm cho biết trường hợp xét xử đồng thời trong tháng 7, dự báo sẽ có 91 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa trong thời gian 3 tháng, sớm nhất hết tháng 9 mới có thể mở cửa trở lại phục vụ.
Với lượng phương tiện đến kiểm định gia tăng và việc các cơ quan tố tụng đưa vụ việc ra xét xử trong thời gian tới, cả nước có tới 36 địa phương nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định.
Theo đó, 36 địa phương có nguy cơ ùn tắc gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kon Tum, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, TP.HCM, Trà Vinh và Tuyên Quang.
Trường hợp xét xử không đồng thời, nếu các trung tâm đăng kiểm được đưa ra xét xử và kết án không cùng thời điểm, việc đóng cửa các trung tâm đăng kiểm sẽ không diễn ra cùng lúc nên có thể duy trì một số đơn vị. Đồng thời, việc tiến hành điều động nhân sự hỗ trợ cho các trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa để tăng công suất, sẽ giảm tải nguy cơ ùn tắc.
Đáng chú ý, 100% các trung tâm đăng kiểm thuộc cục tại Hà Nội và TP.HCM sẽ phải dừng hoạt động. Do đó, nguy cơ ùn tắc đăng kiểm tại các địa phương chắc chắn sẽ xảy ra, đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai.
Tại Hà Nội hiện có 28/31 trung tâm đăng kiểm (3 trung tâm đăng kiểm chưa thể hoạt động do không đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực), với 50/63 dây chuyền đang hoạt động. Số đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng vẫn đang hỗ trợ làm việc chiếm tỷ lệ 55%.
Trường hợp số đăng kiểm viên này bị đưa ra xét xử đồng thời (dự kiến trong tháng 7), chỉ còn 91 đăng kiểm viên của 28 trung tâm đăng kiểm làm việc. Lượng phương tiện bị ảnh hưởng trong tháng dự kiến là 90.552, do công suất đáp ứng chỉ còn khoảng 40% nhu cầu kiểm định trong tháng (khoảng 35.880 người).
Tương tự, tại TP.HCM, hiện có 18/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động với 42/45 dây chuyền, tổng số 146 đăng kiểm viên. Trong đó, 54/146 đăng kiểm viên bị khởi tố vẫn đang làm việc, tham gia hỗ trợ kiểm định.Trường hợp số đăng kiểm viên này bị xét xử đồng thời, sẽ có 3 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động, 15 trung tâm đăng kiểm hoạt động đáp ứng khoảng 83% nhu cầu kiểm định trong tháng (khoảng 48.960 xe).
Cục Đăng kiểm cho rằng trong bối cảnh tình trạng ùn tắc đăng kiểm, ảnh hưởng đến đời sống người dân và đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải, cần sửa đổi Nghị định 139 và Nghị định 30 với trình tự, thủ tục rút gọn, theo hướng loại trừ trường hợp thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị đăng kiểm.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác chuẩn bị kịch bản, ứng phó các tình huống xảy ra.
Với chủ phương tiện và doanh nghiệp, Cục Đăng kiểm khuyến cáo nên đăng kiểm sớm hoặc di chuyển đến các địa phương có nhiều trung tâm đăng kiểm đang hoạt động.