13:52 24/04/2008

ADB nói gì về trái phiếu Việt Nam?

Minh Đức - Kiều Oanh

Thị trường trái phiếu Chính phủ phát hành bằng đồng nội tệ của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Á trong năm 2007

Thị trường trái phiếu Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Thị trường trái phiếu Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố một bản báo cáo về thị trường trái phiếu châu Á, trong đó tổng kết tình hình thị trường năm 2007 và nhận định những thuận lợi và thách thức đối với sự phát triển thị trường trong năm 2008.

Cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc, các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, là những thị trường Đông Á đang nổi lên được bản báo cáo đi sâu phân tích.

Thị trường Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất

Các con số thống kê mà các chuyên gia ADB đưa ra cho thấy, trong số các thị trường đang nổi lên ở khu vực Đông Á, thị trường trái phiếu Chính phủ phát hành bằng đồng nội tệ của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2007, với tốc độ tăng 83% và lượng lưu hành khoảng 8,3 tỷ USD.

Lượng trái phiếu Kho bạc Nhà nước lưu hành tăng 16%, trong khi lượng trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phát hành tăng trưởng mạnh nhất và ngân hàng này hiện chiếm 30% lượng trái phiếu công đang được lưu hành. Mặc dù lượng tín phiếu ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước chỉ chiếm chưa tới 3% nợ Chính phủ, nhưng con số này sẽ tăng do Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng công cụ này để hút tiền về.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam được ADB dự báo là sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, do Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào thị trường trái phiếu nội tệ để thu hút vốn cho công tác phát triển cơ sở hạ tầng. Kho bạc Nhà nước dự định sẽ tăng lượng phát hành của năm nay thêm 55% so với năm ngoái.

Thị trường trái phiếu nội tệ do các doanh nghiệp Việt Nam phát hành cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong năm 2007, với mức tăng lên tới 251% - cao nhất trong số các thị trường đang nổi lên ở Đông Á - và lượng phát hành mới trên 1,1 tỷ USD.

Phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu là các doanh nghiệp đã niêm yết, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ngoài ra còn có các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát điện, đóng tàu, giao thông, dệt may, và các ngân hàng.

Tính chung cho tất cả các thị trường trái phiếu Đông Á đang nổi lên, lượng trái phiếu nội tệ lưu hành chiếm trên 63% GDP. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ này là cao nhất, đạt mức 136,5%, còn ở Việt Nam, tỷ lệ này là thấp nhất, ở mức khoảng 13,7%. Ở Nhật Bản, tỷ lệ này là 165,4%.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, nhưng giá trị giao dịch (một thước đo về tính thanh khoản) của thị trường trái phiếu Việt Nam lại vào hàng thấp nhất trong số các thị trường đang nổi lên ở Đông Á. Lượng giao dịch của trái phiếu Chính phủ Việt Nam năm ngoái giảm khoảng 50% trở về mức tương đương 0,37 lần so với lượng trái phiếu Chính phủ lưu hành bình quân của năm.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, tỷ lệ này là 1,46 lần, ở Indonesia là 1,44 lần, ở Malaysia là 1,47 lần, ở Singapore là 2,99 lần, còn ở Thái Lan là 3,53%.

Các chuyên gia của ADB cho rằng, chính trần lãi suất đã khiến trái phiếu Chính phủ Việt Nam kém hấp dẫn và trở ngại này đã được giải quyết vào tháng 11/2007 khi Chính phủ loại bỏ trần lãi suất và để thị trường tự quyết định.

Cũng như ở nhiều nước khác trong khu vực, để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ như tăng lãi suất, lãi suất trái phiếu VND trên thị trường tăng gần 2% trong năm 2007 và 0,5% trong quý 1/2008.

ADB đánh giá, thị trường trái phiếu của Việt Nam đã phát triển mạnh trong năm qua. Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước không chỉ là một công cụ để hút bớt lượng thanh khoản dư thừa, mà còn là một thành phần mới và quan trọng trên thị trường tiền tệ còn non trẻ của Việt Nam.

Rủi ro gia tăng

Theo các chuyên gia ADB, cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ phần nào đem lại lợi ích cho thị trường trái phiếu nội tệ của Đông Á. Ở giai đoạn đầu của thời kỳ thắt chặt tín dụng hiện nay, các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ đang nổi lên ở Đông Á được lợi nhờ việc giới đầu tư đẩy mạnh tìm kiếm các kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn bên ngoài thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, khi rủi ro gia tăng trên thị trường toàn cầu, giới đầu tư ngoại bắt đầu thoái lui khỏi thị trường châu Á, dẫn tới mức độ bất ổn tăng cao tại các thị trường vốn trong khu vực.

Kết quả, tốc độ phát hành trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp tại các thị trường này đã chậm lại, nhưng vẫn chưa giảm xuống tới mức tương ứng với tốc độ chậm lại của hoạt động phát hành trái phiếu toàn cầu. Cùng với đó, hoạt động phát hành trái phiếu ra nước ngoài tại khu vực này đã chậm lại đáng kể và hoạt động chứng khoán hóa đã ngừng lại ở nhiều nơi.

ADB cho rằng, triển vọng đối với thị trường trái phiếu đang nổi lên tại Đông Á trong tới sẽ là tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Các chuyên gia của ADB nhấn mạnh rằng, hoạt động tín dụng tại các nước trong khu vực, với sự hỗ trợ bởi lượng tiết kiệm dồi dào, sẽ tiếp tục là nguồn lực cho đầu tư thậm chí cả khi dòng tiền đổ vào chứng khoán và trái phiếu ngừng lại.

Theo ADB, trong bối cảnh rủi ro tăng cao, tính thanh khoản yếu của các loại trái phiếu nội tệ của khu vực là yếu tố hạn chế lớn nhất đối với sự phát triển của thị trường. Để giải quyết tình trạng này, ADB khuyến nghị việc tăng cường hơn nữa mức độ đa dạng của các nhà đầu tư, các công cụ phòng hộ, tính thống nhất của giá trái phiếu trên thị trường thứ cấp, và một chương trình thuế thân thiện hơn với nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

ADB đã chỉ ra ba rủi ro chính đối với viễn cảnh thị trường trái phiếu khu vực, bao gồm một giai đoạn suy thoái sâu ở Mỹ, những biến động tiếp tục xảy ra trên thị trường vốn toàn cầu gây áp lực đốivới các nhà đầu tư, và lạm phát tăng cao tại khu vực khiến nhiều quốc gia phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng.