Ấn Độ đối mặt khủng hoảng nước tồi tệ nhất lịch sử
Hàng trăm triệu người dân Ấn Độ đang lâm vào tình cảnh thiếu nước trầm trọng
Theo một báo cáo của viện nghiên cứu chính sách cho chính phủ Ấn Độ Niti Aayog, nước này đang đối mặt với khủng hoảng nước tồi tệ nhất trong lịch sử. Khoảng 600 triệu người dân nước này đang sống trong tình cảnh thiếu nước trầm trọng.
Báo cáo trên chỉ ra rằng, trung bình có khoảng 200.000 người dân Ấn Độ thiệt mạng mỗi năm vì thiếu nước hoặc do nguồn nước bị ô nhiễm.
Vài năm trở lại, việc phát triển nguồn nước bền vững tại Ấn Độ gần như dậm chân tại chỗ. Dù 80% các bang của Ấn Độ có luật về bảo vệ nguồn nước, nhưng hệ thống quản lý ì ạch, kém hiệu quả đã khiến việc này không tạo ra được thay đổi nào đáng kể, báo cáo trên chỉ ra.
Một số bang có khả năng quản lý nguồn nước tốt như Gujarat, Madhya Pradesh, Andhra Pradesh thì đang phải chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong vài năm gần đây.
Ngoài ra, kỹ thuật tưới tiêu kém hiệu quả cùng với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng mạch nước ngầm đã đẩy quốc gia đông dân thứ 2 thế giới lâm vào khủng hoảng nước.
Ấn Độ là quốc gia chủ yếu phát triển nông nghiệp với 80% nguồn nước được sử dụng cho tưới tiêu. Các biện pháp tưới tiêu kỹ thuật cao giúp tiết kiệm nước lại đắt đỏ mà không được chính phủ hỗ trợ.
"Một số bang tại Ấn Độ miễn phí điện cho nông dân hoặc hỗ trợ về tài chính để nông dân khai thác nguồn nước ngầm - giếng khoan hoặc giếng ống, dẫn tới việc khai thác vô tội vạ và gây lãng phí nguồn nước ngầm", Suresh Rohilla, giám đốc quản lý nước đô thị tại Trung tâm Khoa học và Môi trường, cho biết.
CNN dẫn lời Samrat Basak, giám đốc Viện Tài nguyên Thế giới tại Ấn Độ, cho biết: "Về cơ bản, nước là thứ không được xem là giá trị tại Ấn Độ. Người dân coi nước là thứ miễn phí".
Theo báo cáo trên, 3/4 dân số Ấn Độ đang bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm và 20% bệnh tật tại nước này được cho là có liên quan trực tiếp với tình trạng này.
Thiếu nước trầm trọng, người dân tại thành phố Shimla, bang Himachal Pradesh, xếp hàng đợi lấy nước vào bình - Ảnh: AP/Getty Images.
Vì không có đủ các nhà máy xử lý rác thải, nước thải chưa được xử lý ở các đô thị của nước này thường được đổ thẳng vào dòng hạ lưu - nguồn nước được dùng để uống ở khu vực nông thôn, báo cáo trên chỉ ra.
Trong báo cáo trên, viện nghiên cứu chính sách Niti Aayog dự báo 21 thành phố lớn của Ấn Độ sẽ cạn kiệt nguồn nước ngầm vào năm 2020. Khoảng 100 triệu người, bao gồm dân sống tại các thành phố lớn như Delhi, Bangalore và Hyderabad, sẽ phải sống ở các đô thị không có nước ngầm, báo cáo trên cho biết.
"Ấn Độ là quốc gia khai thác nguồn nước ngầm ở mức cao nhất thế giới", Basak cho biết.
Trong bối cảnh ngày càng phát triển để phục vụ cho 1,3 tỷ dân, nước này sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi.
"Ấn Độ chỉ có 4% lượng nước toàn cầu nhưng lại chiếm tới 16% dân số toàn cầu. Nếu đem so các con số này, bạn sẽ hiểu vì sao tình trạng hiện tại lại xảy ra", Basak nói.
Thời gian qua, khủng hoảng nước đã làm nổ ra làn sóng biểu tình tại nước này. Đầu tháng 6, người dân tại thành phố Jammu, miền bắc Ấn Độ, đã chặn tuyến tàu đi New Delhi để phản đối tình trạng thiếu nước. Hồi tháng 3, tại Bengaluru, thủ phủ của bang Karnataka miền nam Ấn Độ, hơn 10.000 nông dân đã mang máy kéo vào thành phố khiến giao thông tê liệt.