08:01 03/10/2024

Ấn Độ quay xe đẩy mạnh xuất khẩu gạo, doanh nghiệp gạo trong nước bị ảnh hưởng ra sao?

Thu Minh

Ấn Độ sẽ làm gia tăng nguồn cung gạo xuất khẩu, tạo nhiều áp lực giảm giá gạo (giá xuất khẩu và giá trong nước) và cũng làm tăng sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp gạo Việt Nam...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ấn Độ hôm 27/9 thông báo các quy định mới đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong bối cảnh lượng tồn trữ gạo trong nước tăng mạnh và nông dân chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới, dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy Ấn Độ hiện đang phải gánh chịu lượng tồn trữ gạo cao kỷ lục.

Các biện pháp hàng loạt như: giảm một nửa thuế xuất khẩu gạo đồ, từ 20% xuống 10%, giảm thuế xuất khẩu gạo lứt (brown rice) và thóc (husked rice) xuống 10%. Thông báo cũng cho biết các lô gạo xay xát một phần hoặc toàn bộ (semi-milled or wholly-milled) sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào.

Trước đó, từ giai đoạn T8/2022-T9/2023, Ấn Độ liên tục tung ra hàng loạt quy định nhằm giảm xuất khẩu gạo. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu gạo của nước này đã giảm từ 35% xuống 30% tổng xuất khẩu của thế giới. Mặc dù Ấn Độ chiếm 26% tổng sản lượng gạo toàn cầu, 30% trong tổng xuất khẩu gạo toàn cầu nhưng sau đó giá gạo không tăng do sản lượng gạo thế giới vẫn tăng tốt trong giai đoạn 2022-2024 khiến thâm hụt Cung – Cầu cải thiện.

Theo Chứng khoán Yuanta, hiện tại, cung - cầu đã về 0, tức là tình trạng thiếu cung đã kết thúc trong khi sản lượng gạo toàn cầu tiếp tục được USDA dự báo tăng 1,3% cho niên vụ 2024/25.

Do đó, với quy định mới thúc đẩy xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ làm gia tăng nguồn cung gạo xuất khẩu, tạo nhiều áp lực giảm giá gạo (giá xuất khẩu và giá trong nước) và cũng làm tăng sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp gạo Việt Nam như: LTG, PAN, TAR, AGM, AFX.

Ấn Độ quay xe đẩy mạnh xuất khẩu gạo, doanh nghiệp gạo trong nước bị ảnh hưởng ra sao?  - Ảnh 1

Mới đây, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 13,3% về lượng, tăng 12,9% kim ngạch so với tháng 7/2024 nhưng giá giảm 0,4%, đạt 851.079 tấn, tương đương 509,82 triệu USD, giá trung bình 599 USD/tấn.

Tính chung cả 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 5,8% về lượng, tăng 21,7% về kim ngạch và tăng 15% về giá so với 8 tháng năm 2023, đạt trên 6,15 triệu tấn, tương đương gần 3,85 tỷ USD, giá trung bình 625,9 USD/tấn.

Gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines trong 8 tháng đầu năm 2024, chiếm 45,7% trong tổng lượng và chiếm 44,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt gần 2,81 triệu tấn, tương đương gần 1,72 tỷ USD, giá 611 USD/tấn, tăng 19,7% về lượng, tăng 39,8% về kim ngạch và tăng 16,7% về giá so với 8 tháng năm 2023.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng 27,3% về lượng, tăng 54,4% kim ngạch và tăng 21,3% về giá so với 8 tháng năm 2023, đạt 913.888 tấn, tương đương 557,77 triệu USD, giá 610,3 USD/tấn, chiếm 14,9% trong tổng lượng và chiếm 14,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 112% về lượng, tăng 152,9% kim ngạch và tăng 19,3% về giá so với 8 tháng năm 2023, đạt 582.872 tấn, tương đương 345,94 triệu USD, giá trung bình 593,5 USD/tấn, chiếm 9,5% trong tổng lượng và chiếm 9% trong tổng kim ngạch.