07:59 24/02/2022

An Phát Holdings bắt nhịp thị trường nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học PBAT thế giới

Tuấn Sơn

PBAT là nguyên liệu nhựa có đủ các tính năng vật lý đồng thời không gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, điều mà khó có chất dẻo nào có được. Các nhà khoa học chỉ ra rằng PBAT là giải pháp đơn giản và kinh tế nhất để tạo ra sản phẩm phân hủy sinh học dùng thay thế cho các sản phẩm nhựa truyền thống...

Thị trường PBAT dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Thị trường PBAT dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Một lĩnh vực không còn quá mới mẻ trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, hiện An Phát Holdings là đại diện đầu tiên và duy nhất triển khai xây dựng Nhà máy chất dẻo phân huỷ sinh học PBAT.

THỊ TRƯỜNG PBAT THẾ GIỚI SÔI ĐỘNG

Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất nhựa truyền thống đã thất bại trong việc tái chế và ngăn chặn sản phẩm của chính họ tạo ra rác thải nhựa, xa hơn là vi nhựa. Trách nhiệm với môi trường ngày càng gây sức ép lên hầu hết các nhà sản xuất. Một số đang cố gắng thúc đẩy tái chế, một số khác đang dịch chuyển sang xu hướng đầu tư vào chất dẻo có khả năng phân hủy sinh học, trong đó có polybutylene adipate co-terephthalate (PBAT).

PBAT là nguyên liệu nhựa có đủ các tính năng vật lý đồng thời không gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, điều mà khó có chất dẻo nào có được. Các nhà khoa học chỉ ra rằng PBAT là giải pháp đơn giản và kinh tế nhất để tạo ra sản phẩm phân hủy sinh học dùng thay thế cho các sản phẩm nhựa truyền thống.

Hiện thị trường này đang phát triển sôi động trên thế giới khi nhu cầu PBAT tăng mạnh tại các quốc gia. Dự báo đến năm 2026, PBAT sẽ chiếm 30% tổng dung lượng thị trường nhựa phân hủy sinh học toàn cầu và đạt hơn 2 triệu tấn.

Tại châu Âu, Novamont (Ý) và BASF (Đức) đang là những nhà cung cấp nguyên liệu PBAT chính khi Chính phủ các nước này đưa ra lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Còn châu Á, một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng nổi lên một số dự án để chuẩn bị tiền đề cho chiến lược giảm rác thải nhựa của các Chính phủ. PBAT cũng trở thành “cơn sốt vàng” khi các ông lớn trong ngành dự đoán sản lượng nguyên liệu này của Trung Quốc sẽ tăng lên 400.000 tấn vào năm 2022 (tăng xấp xỉ 167% so với năm 2020).

Có thể nói, thị trường PBAT thế giới được nhận định sẽ rất sôi động trong tương lai gần, trong bối cảnh nhận thức về việc bảo vệ môi trường và thói quen tiêu dùng thay đổi ngày càng rõ rệt. Ngoài ra, những chính sách bảo hộ và thúc đẩy từ phía Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển hướng sang phát triển bền vững.

AN PHÁT HOLDINGS XÂY NHÀ MÁY PBAT ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM

Thực tế, doanh nghiệp này đã quan tâm và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nhựa sinh học gần 10 năm nay. Năm 2015, An Phát Holdings nhập PBAT từ nước ngoài để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Đến năm 2018, doanh nghiệp cho ra mắt thương hiệu AnEco tại Việt Nam nhưng gặp trở ngại vì giá thành sản phẩm tương đối cao so với các sản phẩm nhựa truyền thống.

Phát biểu tại Lễ động thổ nhà máy PBAT, Ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị khẳng định nhà máy là lời giải xuất sắc và hợp lý nhất cho bài toán về nguồn nguyên liệu của Tập đoàn: tự chủ nguyên liệu, giảm giá thành để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước và tiến tới thay thế cho các sản phẩm nhựa truyền thống.
Phát biểu tại Lễ động thổ nhà máy PBAT, Ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị khẳng định nhà máy là lời giải xuất sắc và hợp lý nhất cho bài toán về nguồn nguyên liệu của Tập đoàn: tự chủ nguyên liệu, giảm giá thành để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước và tiến tới thay thế cho các sản phẩm nhựa truyền thống.

Nhận thấy xu hướng tiêu dùng dần thay đổi, cũng như mục tiêu gia nhập vào chuỗi cung ứng xanh toàn cầu, An Phát Holdings quyết định đầu tư xây dựng nhà máy nguyên liệu xanh đầu tiên tại Việt Nam, đây cũng là nhà máy có quy mô hàng đầu Đông Nam Á.

Điều đặc biệt là dự án này được xây dựng trên cơ sở công thức sản xuất PBAT độc quyền được sở hữu bởi An Phát Holdings. Dự án cũng được nhà bản quyền công nghệ PBAT hàng đầu thế giới - Technip Zimmer (CHLB Đức) cấp bản quyền duy nhất tại Việt Nam, được thiết kế với công nghệ sản xuất liên tục, trang bị thiết bị thế hệ mới nhất với 3 bình phản ứng công suất 30.000 tấn/năm, hiệu suất vận hành rất cao, trung bình 8.400 h/năm, tương ứng với 350 ngày/năm (tức là trung bình chỉ có 15 ngày dừng cho việc bảo dưỡng và sửa chữa).

Với con số 30.000 tấn/năm này, An Phát Holdings khẳng định sẽ đảm bảo được đầu ra sản phẩm ngay trong năm đầu tiên vận hành. Sản lượng này so với một quốc gia đang phát triển và có những chính sách chuyển hướng sang các sản phẩm thân thiện môi trường thì đây là một con số rất đáng nể.

Lãnh đạo An Phát Holdings cho biết, để chuẩn bị cho sự ra đời của nhà máy PBAT, doanh nghiệp này đã đầu tư 120 triệu USD, mất nhiều năm nghiên cứu, tìm kiếm đối tác, đặc biệt là mua công nghệ lõi và sở hữu sáng chế công thức sản xuất PBAT độc quyền, đồng thời đầu tư bài bản và nâng cao cho đội ngũ 200 nhân sự chất lượng cao để triển khai xây dựng và vận hành nhà máy.

Khi đi vào sản xuất, nhà máy PBAT sẽ giúp doanh nghiệp tự chủ nguồn nguyên liệu, khép kín hệ sinh thái tuần hoàn xanh đầu vào và ra của sản phẩm và giảm giá thành từ 20-30%. An Phát Holdings cũng sẽ trở thành doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nhựa tự hủy của Việt Nam.

Bên cạnh đó, dự án sản xuất nguyên liệu thân thiện với môi trường sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực xanh hoá nền kinh tế của Việt Nam. Khi 30.000 tấn PBAT được sản xuất mỗi năm sẽ giảm 33.000 tấn C02/năm - lượng khí cần 165.000 ha rừng hấp thụ, gấp 7,5 lần diện tích rừng quốc gia Cúc Phương.

Nỗ lực này của An Phát Holdings sẽ góp phần giúp Việt Nam đưa phát thải ròng về Zero (0) vào năm 2050 như cam kết tại COP 26 đồng thời thúc đẩy nhiều doanh nghiệp khác trong và ngoài ngành tham gia vào chiến lược giảm và loại bỏ rác thải nhựa của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn tới.