10:52 14/09/2010

Ào ào nhập bia

Bộ Công thương chấp thuận cho Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam được phép nhập khẩu một số lượng cực lớn bia Heineken

Sản lượng bia sản xuất trong nước - Đồ họa: V.Tân.
Sản lượng bia sản xuất trong nước - Đồ họa: V.Tân.
Hàng loạt hãng bia nước ngoài từ Bỉ, Đức, Mỹ, Mexico, Hà Lan… đang thâm nhập thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương lại cho Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam được nhập số lượng lớn bia Heineken, trong đó có loại bia trong nước sản xuất được. Theo hải quan, bia ngoại đổ về là do thuế tiêu thụ đặc biệt giảm mạnh.

Bộ Công thương vừa ký một văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam được phép nhập khẩu một số lượng cực lớn bia Heineken. Đáng ngạc nhiên hơn, đây là loại bia trong nước sản xuất được và nhập về trong bối cảnh thị trường bia vẫn ổn định giá cả,  hàng hóa không hề khan hiếm.

Bên cạnh Heineken, trên thị trường có hàng chục loại bia nhập khẩu đang được tiêu thụ rộng rãi tại hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán bar và trong các siêu thị. Mức thuế đối với bia nhập khẩu ngày cảng giảm khiến bia ngoại nhập thi nhau nhòm ngó thị trường Việt Nam.

Nhập để nghiên cứu thị trường (?)

Theo văn bản đồng ý cho phép Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (đơn vị đang sản xuất thương hiệu bia Heineken tại Việt Nam) của Bộ Công thương do Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh ký, Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam được nhập khẩu tới 650.000 thùng bia Heineken loại 24 lon/thùng (dung tích 330 ml).

Mục đích nhập khẩu được ghi rõ là sử dụng vào việc tiếp thị, nghiên cứu thị trường. Như vậy, đồng nghĩa với việc công ty sản xuất bia Heineken không được nhập vào mục đích kinh doanh.

Tuy nhiên, với mục đích tiếp thị, nghiên cứu thị trường, số lượng 650.000 thùng là quá lớn. Một công ty chuyên nhập khẩu bia tại Tp.HCM cho biết bia nhập khẩu hiện nay không bị giới hạn bởi quy định về hạn ngạch như một số mặt hàng khác.

Để nhập khẩu, doanh nghiệp cần phải có giấy phép nhập khẩu của Bộ Công thương, theo quy định tại thông tư 24/2010/TT-BCT về việc cấp phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng. Tuy nhiên, mục đích nhập khẩu vào để tiếp thị, nghiên cứu thị trường chỉ được ghi trên giấy tờ, còn doanh nghiệp có sử dụng vào việc kinh doanh hay không lại là chuyện khác.

Theo một cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, dù đa số bia nhập khẩu về qua cảng Cát Lái (nơi đang chiếm thị phần tới trên 80% hàng xuất nhập khẩu vào khu vực Tp.HCM và các tỉnh lân cận) đều vào mục đích kinh doanh, tiêu thụ với hàng chục loại khác nhau, nhưng trên thực tế vẫn chưa có giấy phép nào được nhập khẩu với số lượng lớn tới 650.000 thùng như trên (gần 5,15 triệu lít). Nếu tính giá 300.000 đồng/thùng, giá trị lô hàng này lên tới 195 tỉ đồng.

Anh Trần Huy, một đầu mối phân phối bia nhập khẩu ở Tp.HCM, cho biết hiện nay trên thị trường chỉ có hai loại bia Heineken nhập khẩu là loại lon cao 500 ml/lon và loại chai 250 ml/chai. Bia Heineken loại 330 ml/lon là sản phẩm đã được sản xuất tại Việt Nam. Một cán bộ hải quan cảng Vict (thuộc Cục Hải quan Tp.HCM) cho biết bia nhập khẩu về với mục đích tiếp thị, nghiên cứu thị trường thường chỉ chiếm số lượng rất nhỏ. Hơn nữa, đó phải là mặt hàng chưa có tại Việt Nam. Nếu hàng đã có tại Việt Nam, lại về với số lượng lớn như trên thì khó có thể nói nhập về với mục đích nghiên cứu thị trường.

“Say” với bia ngoại!

Theo một doanh nghiệp sản xuất bia trong nước, việc bia Heineken được nhập khẩu với số lượng lớn nhằm mục đích “tiếp thị, nghiên cứu thị trường” là điều khá bất thường bởi doanh nghiệp này đã có chỗ đứng rất vững chắc tại thị trường Việt Nam từ hàng chục năm qua.

Một doanh nghiệp chuyên phân phối bia thuộc loại lớn tại Tp.HCM cho biết thị phần của Heineken hiện nay chiếm khá lớn, đặc biệt ở phân khúc thị trường bia cao cấp. Do đó khả năng nhập khẩu để kinh doanh lượng bia trên là rất lớn bởi ở phân khúc trên, khách hàng sử dụng bia của thương hiệu này lại chuộng bia được nhập khẩu hơn, thay vì được sản xuất tại Việt Nam.

Đại diện một doanh nghiệp lớn trong ngành bia cho biết hiện năng lực sản xuất bia trong nước đang vượt cả nhu cầu của người sử dụng. Nhiều nhà máy bia đang còn có dây chuyền được nghỉ ngơi, chưa cần chạy hết công suất. Do đó, việc nhập loại bia này về trong thời điểm này là khá bất thường.

Thuế giảm nhanh khiến bia nhập khẩu về nhiều

Không chỉ hàng trăm ngàn thùng bia Heineken đang chuẩn bị về Việt Nam, nhiều loại bia khác cũng đang nhòm ngó thị trường trong nước. Mới đây, tại hội chợ quốc tế thực phẩm và đồ uống cũng có một số gian hàng giới thiệu bia ngoại nhập. Các nhân viên trực gian hàng cho biết việc tham dự hội chợ nhằm tìm kiếm nhà phân phối để đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam.

Nổi bật tại đây là bia Lucky. Đây là loại bia thương hiệu Úc nhưng được đóng chai tại Trung Quốc. Hiện đơn vị nhập khẩu mặt hàng này đang ráo riết tìm nhà phân phối tại các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, tìm cách đưa hàng vào các siêu thị, nhà hàng, khách sạn...

Cũng chiếm lĩnh được thị phần tiêu dùng cao cấp, nhiều loại bia như Leffe Brown, Leffe White xuất xứ từ Bỉ đang có mặt ở nhiều siêu thị và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Tp.HCM. Giá bán các loại bia này lên tới 66.500 đồng/chai 330ml. Cũng có xuất xứ từ Bỉ và được nhập khẩu bởi Công ty Thực phẩm Ân Nam (Tp.HCM), bia Hoegaarden White thuộc dòng cao cấp đang được một số lượng đáng kể người tiêu dùng mua về sử dụng tại gia đình với giá tương đương hai loại bia trên (giá tại Big C).

Trong khi đó, tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, bia Corona, Budweiser... nhập khẩu từ Mexico, Mỹ cũng gần như đã chiếm lĩnh thị phần. Ngoài ra, thị trường còn có nhiều loại bia nhập khẩu khác như Bit Burger, Cooper, MOA (Đức); bia Bavaria lon cao, loại 500ml nhập khẩu từ Hà Lan bán giá 500.000 đồng/thùng (loại 24 lon, 500ml/lon) đang được các đầu mối nhập khẩu ồ ạt chào hàng.

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cho biết từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu bia chỉ riêng qua cảng Cát Lái đạt 282.661 USD. Với khoảng 33.842 thùng và 40.140 chai bia đã được thông quan. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu bia tăng tới gần 55,2%. Các loại bia đang được nhập khẩu về cảng chủ yếu xuất xứ từ Mexico, Bỉ, Đức...

Theo nhận định của lãnh đạo hải quan cảng Cát Lái, thuế giảm là một trong những nguyên nhân khiến bia ngoại nhập tăng vọt. Hiện nay, bia nhập khẩu kinh doanh đang phải chịu ba loại thuế: thuế nhập khẩu (47%), thuế tiêu thụ đặc biệt (45%), thuế VAT (10%). Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được giảm mạnh. Năm ngoái, mức thuế này là 75%. Đến năm 2012, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này chỉ còn 30%.

* Địa phương nào cũng có nhà máy bia

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết tiêu thụ bia theo đầu người ước khoảng 28 lít/người/năm. Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 350 cơ sở sản xuất bia ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, trong đó có hơn 20 nhà máy đạt công suất trên 20 triệu lít/năm, 15 nhà máy có công suất lớn hơn 15 triệu lít/năm và trên 260 cơ sở có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít/năm.

Bạch Hoàn - Trần Vũ Nghi (Tuổi Trẻ)