06:00 20/07/2021

Áp chỉ tiêu ESG cho doanh nghiệp toàn cầu: Ủng hộ và phản đối

Tiến sĩ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý

Có vẻ như, chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp dụng nhiều chỉ tiêu về “trách nhiệm giải trình và minh bạch” được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra để đánh giá (hoặc định giá) “rủi ro” và “cơ hội” của doanh nghiệp liên quan đến “môi trường, xã hội và quản trị” (từ đây gọi tắt là ESG)...

Môi trường là một trong ba trụ cột của ESG.
Môi trường là một trong ba trụ cột của ESG.

ESG (viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Environmetal, Social and Corporate Governance) là một phần của nỗ lực toàn cầu nhằm chuyển đổi toàn diện chủ nghĩa tư bản từ “bảng cân đối kế toán” sang “bảng giá trị”.

BA TRỤ CỘT VÀ CÁC CHỈ TIÊU CỦA CỦA ESG

ESG “dựa trên các căn cứ, bằng chứng thực tiễn”, chủ yếu dựa trên ba trụ cột với hàng chục chỉ tiêu cụ thể.

Môi trường: Biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm, thiết kế thân thiện sinh thái, đổi mới sáng tạo.

Xã hội: Sức khỏe lao động, an toàn, sự đa dạng, quan hệ cộng đồng, từ thiện.

Quản trị: Quyền cổ đông, cơ cấu thành phần và sự đa dạng của hội đồng quản trị, lương ban quản trị, gian lận và hối lộ.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và các doanh nghiệp thành viên trên toàn cầu của tổ chức này kiên trì theo đuổi các tiêu chuẩn ESG suốt nhiều thập kỷ và đã đạt được một số thành công nhất định. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) bắt đầu quảng bá ESG đến 37 quốc gia thành viên từ năm 2017. Từ năm 2018, Liên minh châu Âu đã tích cực theo đuổi một chương trình tài chính bền vững gắn với biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các quốc gia G7 cũng đang tiến tới thực hiện ESG.

Thêm vào đó, chính quyền của ông Biden cũng đang đẩy nhanh phong trào này. Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ - cơ quan quản lý thị trường chứng khoán - đang có kế hoạch buộc các tập đoàn phải chịu trách nhiệm giải trình về biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nhân lực.

Bốn ngân hàng chi nhánh của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đang tiến hành khảo sát xem các tổ chức tài chính có đang hoạt động trên cơ sở các chỉ tiêu ESG hay không và việc đó được thực hiện như thế nào.

Đồng thời, Hạ viện Mỹ cũng vừa mới thông qua dự luật ESG, chỉ với một phiếu chênh (tỷ lệ ủng hộ-phản đối là 215 -214), và dự luật này đã được trình lên Thượng viện chờ thông qua.

TẠI SAO CẦN TRIỂN KHAI ESG?

Trong mắt những người ủng hộ ESG, các tập đoàn đều là phi đạo đức, tham nhũng, vô trách nhiệm với xã hội và gây phương hại đến các giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc tối đa hóa lợi nhuận của cổ đông và ít quan tâm đến các giá trị được Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc, Diễn đàn Kinh tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác hậu thuẫn.

 
Chương trình ESG thực sự trở nên phổ biến từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nếu được duy trì thực hiện nghiêm túc, ESG sẽ giúp gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp, đồng thời làm “điều tốt” cho thế giới, chẳng hạn như cứu vãn môi trường và đạt được công bằng xã hội. Như vậy là các bên cùng có lợi.

Những người ủng hộ ESG còn lấy ví dụ là những vụ bê bối trước đây của các tập đoàn lớn để biện minh cho sự cần thiết phải thực hiện ESG. Enron Corporation, một công ty đa quốc gia hùng mạnh của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng, sụp đổ vào năm 2001 vì đã “tô hồng” các báo cáo kiểm toán.

Năm 2010, giàn khoan dầu sâu nhất thế giới Deepwater Horizon của hãng BP (Anh) đột ngột phát nổ và chìm xuống biển, khiến 11 công nhân thiệt mạng và hàng trăm triệu lít dầu thô tràn ra biển, trở thành sự cố tràn dầu lớn nhất từ trước tới nay ở Vịnh Mexico. Năm 2015, Volkswagen bị kết án tội làm sai lệch kết quả kiểm tra khí thải đối với các xe hơi sử dụng động cơ diesel của hãng này sản xuất.

Cả Liên minh Đầu tư bền vững toàn cầu và nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm, với giá trị “tài sản đang quản lý” (AUM) lần lượt là 30 nghìn tỷ USD và 85 nghìn tỷ USD, đều đang theo đuổi trách nhiệm xã hội và đầu tư bền vững. Các nhà đầu tư nắm giữ số vốn này trong tay sẽ có thể khiến các doanh nghiệp có trách nhiệm cao hơn, nếu không muốn có nguy cơ mất vốn.

QUAN ĐIỂM PHẢN ĐỐI CHƯƠNG TRÌNH ESG

Những người chỉ trích ESG cho rằng các chỉ tiêu này mâu thuẫn với các nguyên tắc dựa trên thị trường: Mỗi quyết định đưa ra trên cơ sở cung-cầu sẽ quyết định việc đầu tư, sản xuất, giá cả, phân phối và tiêu dùng. Cạnh tranh tự do thúc đẩy hệ thống, kích thích tăng trưởng và phát triển, đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh nhân. Việc ESG kiểm soát vốn, lao động và quản lý của doanh nghiệp sẽ biến thị trường trở thành hệ thống chỉ huy và kiểm soát.

Theo quan điểm này thì ESG là một loại “chính sách ngành” được áp đặt lên các tập đoàn bởi những thế lực bên ngoài, bao gồm chính phủ, tổ chức tài chính và những người ủng hộ ESG - những người đang đầu tư dựa trên cảm nhận, cảm xúc và có động cơ chính trị hơn là kinh tế.

Ngân hàng Wells Fargo bị phạt 3 tỷ USD năm 2020 vì thiết lập tài khoản trái phép, vi phạm tiêu chuẩn ESG về “Xã hội: khách hàng và sản phẩm”.
Ngân hàng Wells Fargo bị phạt 3 tỷ USD năm 2020 vì thiết lập tài khoản trái phép, vi phạm tiêu chuẩn ESG về “Xã hội: khách hàng và sản phẩm”.

“Phúc lợi công ty” có thể sẽ tăng khi thực hiện chương trình ESG. Intel, Tesla, Microsoft, Apple, các ngành công nghiệp thép và ô tô đều nhận được những khoản tiền lớn từ chính phủ. Rất có thể, những doanh nghiệp này vẫn có thể đã thành công mà không cần đến trợ cấp của chính phủ.

Công bằng xã hội là chỉ tiêu xuyên suốt chương trình ESG. Theo đúng như thiết kế ban đầu, ESG có chính sách ưu ái sự đa dạng chỉ vì để đảm bảo đạt tiêu chuẩn đa dạng, và hệ quả tất yếu là năng lực bị xếp thứ yếu.

Một số nhà phê bình cho rằng ESG thúc đẩy tái phân phối của cải. Những người khác thì cho rằng đích cuối của ESG là một chính phủ toàn cầu giống như Liên hợp quốc và EU.

 
Những người chỉ trích ESG đặt ra câu hỏi liệu các tập đoàn toàn cầu đang theo đuổi trách nhiệm xã hội có phải là những tấm gương điển hình hay không. Hãy xem xét ba trong số những doanh nghiệp đi tiên phong thực hiện chương trình này.

BlackRock đã kiên quyết nói không với các khoản đầu tư có tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến năm 2017, họ đã đầu tư rất nhiều vào tuyến đường sắt du lịch Maya, làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối ở Guatemala về sự suy thoái môi trường mà dự án này gây ra. BlackRock cũng đã đầu tư vào 2 dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và 6 dự án thăm dò mỏ dầu trong khu vực, vi phạm tiêu chuẩn ESG về “Môi trường: khí hậu và thải carbon”.

Goldman Sachs bị phạt 6,5 tỷ USD năm 2020 vì đã hối lộ các quan chức nhà nước trong vụ bê bối Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB, vi phạm tiêu chuẩn ESG về “Quản trị: gian lận và hối lộ”.

Ngân hàng Wells Fargo bị phạt 3 tỷ USD năm 2020 vì thiết lập tài khoản trái phép, vi phạm tiêu chuẩn ESG về “Xã hội: khách hàng và sản phẩm”. Kể từ năm 2000, theo dữ liệu của trang Violation Tracker, Ngân hàng Wells Fargo đã bị phạt 217 lần.

VIỄN CẢNH TƯƠNG LAI 

Việc áp dụng và thúc đẩy ESG trong lĩnh vực kinh tế đang được triển khai tốt, và có thể đã vượt qua điểm bản lề, không thể đảo ngược tiến trình được nữa.

Những người phản đối ESG vẫn đang tiếp tục cự tuyệt.  Điều đáng lo ngại là với sự thành công trong việc áp đặt ESG lên các công ty đại chúng, bước tiếp theo sẽ là áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp chưa hợp nhất, đang còn phải vay vốn đầu tư hoàn toàn từ ngân hàng. Hiện tại, ESG đang được áp dụng cho lĩnh vực phi lợi nhuận: Tiểu bang California đã ban hành luật yêu cầu các tổ chức phi chính phủ tiết lộ tên của các nhà tài trợ.

Cuối cùng, vấn đề đặt ra khi thực hiện ESG là cơ quan nào sẽ thiết lập tiêu chuẩn?

Lấy ví dụ là đầu tư môi trường. Nhiều nhà bảo vệ môi trường kịch liệt phản đối năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn như Bill Gates và Warren Buffett lại đang đổ rất nhiều vốn vào xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mini. Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và Akio Toyoda, Chủ tịch Tập đoàn Toyota, tuyên bố rằng xe điện sẽ không sớm thay thế xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Những nhà đầu tư này không phải là đại diện cho tư duy đi đầu về biến đổi khí hậu.

Vậy doanh nghiệp của họ có nên bị từ chối đầu tư vì có vẻ như họ đang vi phạm tiêu chuẩn ESG về môi trường hay không?

Rất có thể, điểm yếu trong ESG là không có các tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi để đánh giá doanh nghiệp và có thể không bao giờ có tiêu chuẩn nào như vậy. Điều này cùng với chương trình nghị sự về chuyển đổi toàn diện xã hội của ESG khiến cho sáng kiến này có khả năng phản tác dụng.