Áp dụng hoá đơn điện tử có dễ dàng?
Đối với xã hội, việc sử dụng hoá đơn điện tử sẽ góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, làm giả hoá đơn
Hoá đơn điện tử có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí, khắc phục được rủi ro làm mất hỏng, cháy khi sử dụng hoá đơn giấy, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng từ bỏ hoá đơn giấy.
Hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế
Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 119 hướng dẫn quản lý, sử dụng hoá đơn điện tử theo phương thức mới - có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Sau đó, Nghị định 119 có hiệu lực từ ngày 1/11/2018 đã quy định đến ngày 1/11/2020, toàn bộ các tổ chức, cá nhân phải hoàn thành việc chuyển đổi sang sử dụng hoá đơn điện tử.
Như vậy, việc chuyển đổi sang sử dụng hoá đơn điện tử là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp, thay vì sử dụng hoá đơn giấy như trước kia và hiện nay. Vậy, hoá đơn điện tử mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp và xã hội?
Trao đổi với báo chí, ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hà Nội, khẳng định, hoá đơn điện tử không cho mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội mà cho cả với cơ quan quản lý.
Trước tiên, đối với doanh nghiệp, hóa đơn điện tử là giải pháp "vàng" cho các doanh nghiệp thời đại cách mạng công nghệ 4.0.
Sử dụng hoá đơn điện tử giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy. Chẳng hạn như giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn…
Song song với đó, còn giúp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy do hệ thống lưu trữ hóa đơn điện tử được sao lưu và thường xuyên cập nhật nên khả năng mất hoàn toàn dữ liệu hóa đơn là khó xảy ra.
"Hóa đơn điện tử còn tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Bởi sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua", ông Sơn phân tích.
Bên cạnh đó, với việc hệ thống của cơ quan thuế ngừng không cho doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích được xuất hóa đơn sẽ hạn chế việc người mua sử dụng phải hóa đơn của các doanh nghiệp này.
Đối với cơ quan thuế và cơ quan khác của nhà nước, hóa đơn điện tử giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, từ đó giảm chi phí, thời gian đối chiếu hoá đơn giữa cơ quan Thuế và các cơ quan khác của Nhà nước như hiện nay. Đồng thời, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người nộp thuế, doanh nghiệp tra cứu, nắm bắt.
"Với độ an toàn, chính xác cao của hóa đơn điện tử, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích kịp thời được các cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn", lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội nói.
Đối với xã hội, sử dụng hóa đơn điện tử góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên).
Khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn góp phần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Giúp việc triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ việc đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng, thanh toán qua mạng; góp phần làm giảm bớt việc sử dụng giấy nên sẽ góp phần bảo vệ môi trường.
Tâm lý ngại thay đổi là rào cản
Mặc dù hoá đơn điện tử mang lại rất nhiều lợi ích tuy nhiên vẫn còn tồn tại hạn chế khiến một số doanh nghiệp "ngại" sử dụng hoá đơn điện tử.
Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế nhận định, việc áp dụng hoá đơn điện tử đối với các doanh nghiệp quy mô lớn là dễ dàng và thuận tiện, tuy nhiên với các doanh nghiệp quy mô nhỏ thì vẫn còn nhiều thách thức.
Ví như, để sử dụng được hoá đơn điện tử thì doanh nghiệp phải hoàn toàn chủ động các công việc khởi tạo và phát hành hóa đơn. "Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tâm lý ngại thay đổi trước cái mới sẽ là trở ngại", ông nói.
Chính tâm lý này sẽ dẫn đến hệ quả là chậm tiếp cận công nghệ. Mặc dù đã biết ưu điểm của hóa đơn điện tử nhưng nhiều doanh nghiệp do số lượng sử dụng không nhiều và số lượng hóa đơn giấy in còn rất nhiều trong kho nên vẫn còn đang "nghe ngóng" lộ trình chuyển đổi theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Mặt khác, việc áp dụng hóa đơn điện tử rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông. Không có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử có đủ quy mô và năng lực cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
"Khi sử dụng hóa đơn điện tử sẽ dẫn đến nhiều vấn đề mà doanh nghiệp chưa biết cách xử lý, đặc biệt, đối với ngành nghề chuyên về vận chuyển.
Chẳng hạn, khi vận chuyển hàng hóa phải có hóa đơn để trình cơ quan chức năng kiểm tra trên đường, như vậy khi dùng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp không biết lấy hóa đơn nào để xuất trình. Đó là chưa kể các chi phí xác nhận, photo các hóa đơn chứng từ khi đối tác yêu cầu hóa đơn giấy rất mất thời gian", vị chuyên gia nhận định.
Ngoài ra, việc sử dụng hoá đơn điện tử còn phải có một hệ thống nhân lực với trình độ cao để có thể sử dụng.
Việc áp dụng hóa đơn điện tử phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc, khi có sự cố mắt điện hay hệ thống lỗi, hoặc mất tín hiệu internet thì các doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề với loại hình hóa đơn này, dẫn tới chậm trễ trong việc xuất hàng hóa và ảnh hưởng tới công việc kinh doanh.