Áp lực từ nguồn cung mùa vụ, giá cà phê thiết lập mức đáy mới
Sản lượng cà phê dự kiến tăng tại 18 quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất
Dấu hiệu dư cung cà phê thế giới do tới vụ đã khiến giá cà phê trong nước giảm sâu 700 đồng/kg, xuống mức thấp kỷ lục từ đầu năm tới nay. Ngày 20/8/2018, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên không đổi sau cú lao dốc cuối tuần, thấp nhất 33.100 đồng/kg tại Lâm Đồng và cao nhất 33.900 đồng/kg tại Gia Lai. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% tại cảng Tp.HCM giao dịch ở mức 1.450 USD/tấn, trừ lùi 110 USD/tấn (FOB).
Giá bán đang xuống thấp hơn cả giá thành sản xuất, khiến người nông dân không chú tâm vào chăm bón gây ảnh hưởng tới năng suất của mùa vụ. Dự báo, thời gian tới giá cà phê khó tăng mạnh do thị trường vẫn chịu áp lực nguồn cung từ mùa vụ mới và nhu cầu chưa có nhiều cải thiện.
Được mùa tạo áp lực lên nguồn cung
Báo cáo từ Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết, sản lượng cà phê thế giới trong năm 2017 - 2018 ước đạt 159,66 triệu bao, tăng 1,2% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica dự kiến giảm 4,6% xuống 97,43 triệu bao, trong khi sản lượng cà phê Robusta được dự báo tăng 12,1% lên 62,24 triệu bao.
Sản lượng cà phê dự kiến tăng tại 18 quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất. Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 9 tháng của niên vụ 2017 - 2018 (từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2018) tăng 0,3% so với niên vụ 2016 - 2017 lên 90,86 triệu bao. Tồn kho cuối kỳ ước tính 29,4 triệu bao.
Tổng sản lượng cà phê vụ mùa 2017 - 2018 của Brazil ước đạt ngưỡng cao nhất từ trước đến nay dao động từ 58 - 65 triệu bao. Điều này sẽ gây áp lực lên giá cà phê toàn cầu nhất là khi Brazil là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Theo Hiệp hội Cà phê, cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê niên vụ 2017 - 2018 của Việt Nam ước đạt 1,55 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với niên vụ 2016 - 2017. Xuất khẩu cà phê trong niên vụ này ước đạt 1,5 triệu tấn, đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng 0,8% về lượng nhưng giảm 10,5% về giá trị so với vụ trước. Giá cà phê giảm như hiện nay là chu kỳ 5 - 7 năm/lần.
Tại thị trường Đông Nam Á, thương mại cà phê robusta tiếp tục trầm lắng khi phần lớn giới thương nhân chờ đợi diễn biến mới trên sàn London và nhất là gần như Việt Nam đã cạn hàng trong khi nông dân Indonesia yêu cầu mức giá cạnh tranh hơn. Giá cà phê còn chịu áp lực của cuộc chiến thương mại lan rộng và đồng nội tệ nhiều nước sản xuất tiếp tục mất giá trong khi thu hoạch vụ mới ở Brazil đang vào giai đoạn cuối.
Theo Bộ Công Thương, giá cà phê toàn cầu thời gian tới sẽ tiếp tục chịu áp lực dư cung từ vụ mùa mới của Brazil và Indonesia, trong khi nhu cầu chưa có nhiều cải thiện và dự trữ cà phê tại các kho của Mỹ tính đến cuối tháng 6 mặc dù giảm, nhưng vẫn ở mức cao.
Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo sẽ tăng
Bên cạnh dự báo nguồn cung tăng thì một dự báo khác là tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2017 - 2018 sẽ đạt 158,7 triệu tấn, tăng 1,02% so với niên vụ trước sẽ giúp giảm áp lực phần nào lên nguồn cung.
Trong đó, 5 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất vẫn là EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Philippines. Mức tiêu thụ của Mỹ và Canada ước khoảng 570.000 bao/mỗi tuần.
Nhập khẩu cà phê của EU dự báo tăng 1 triệu bao lên 48 triệu bao và chiếm hơn 40% lượng nhập khẩu cà phê của thế giới. Các nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường này gồm Brazil (29%), Việt Nam (24%), Honduras (7%) và Colombia (7%). Dự trữ cà phê cuối năm tại thị trường này dự kiến sẽ tăng 800.000 bao lên 11,9 triệu.
Mỹ nhập khẩu lượng cà phê lớn thứ hai thế giới và ước tính sẽ tăng 2,4 triệu bao lên 27 triệu bao. Các nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường này gồm Brazil (23%), Colombia (22%), Việt Nam (15%) và Honduras (6%). Dự trữ cuối năm tại thị trường này được dự báo sẽ tăng 600.000 bao lên 7,2 triệu bao.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng dự báo, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2018 - 2019 sẽ tăng 600.000 bao lên mức kỷ lục 29,9 triệu bao. Diện tích canh tác cũng được dự báo tăng nhẹ so với năm ngoái, với gần 95% tổng sản lượng là cà phê Robusta.
Xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và dự trữ cuối năm ước tính sẽ tăng do nguồn cung sẵn có cao hơn. Lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam niên vụ 2018 - 2019 khoảng 2,6 triệu bao, tăng 100.000 bao so với niên vụ 2017 - 2018 do các hệ thống cửa hàng cà phê thương hiệu trong nước và nước ngoài ngày càng lan rộng. Xuất khẩu cà phê niên vụ 2018 - 2019 được dự đoán đạt khoảng 27,9 triệu bao do sản lượng tăng.