09:54 18/06/2009

Áp lực việc làm khi lao động trở về quê

Lý Hà

Suy giảm kinh tế đã khiến trung bình mỗi tỉnh có gần 22% lao động di cư từ thành phố trở về nông thôn

Chỉ có trên 11% lao động di cư từ thành phố về nông thôn tìm được việc làm mới - Ảnh minh họa.
Chỉ có trên 11% lao động di cư từ thành phố về nông thôn tìm được việc làm mới - Ảnh minh họa.
Suy giảm kinh tế đã khiến trung bình mỗi tỉnh có gần 22% lao động di cư từ thành phố trở về nông thôn và hơn 17% lao động xuất khẩu phải về nước trước thời hạn. Trong đó, chỉ có trên 11% số lao động di cư trở về tìm được việc làm mới.

Đây là số liệu điều tra mới nhất về “ảnh hưởng của suy thoái kinh tế lên đời sống lao động, việc làm của người nông dân” do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn công bố.

Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp chính là nền tảng của kinh tế đất nước, lao động nông thôn sẽ là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, chính nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng mạnh nhất và người nông dân là đối tượng chịu tác động xấu nhất từ suy thoái kinh tế hiện nay.

Mất việc - đã nghèo lại nghèo thêm

Một phần đáng kể người lao động di cư, xuất khẩu, ở các trang trại hoặc tại các doanh nghiệp bị mất việc trở về nông thôn khiến áp lực giải quyết việc làm, giảm đói nghèo ở khu vực này càng tăng.

Nghiên cứu mới nhất tại 4 tỉnh An giang, Bình Thuận, Lạng Sơn và Nam Định cho thấy Nam Định có số lao động trở về địa phương cao nhất (gần 40% lao động trở về là công nhân doanh nghiệp; gần 55% lao động trở về từ trang trại).

Tại xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường, Nam Định, nhiều nông dân vừa trở về từ thành phố. Hầu hết họ đều đã mất việc làm từ cuối năm 2008. Khi ở thành phố, công việc bấp bênh, khi quay trở lại quê hương, họ gần như không tích luỹ được gì nhiều, cả về vốn liếng và kỹ năng nghề nghiệp.

Hầu hết những người vừa trở về vẫn chờ đợi những cơ hội ra đi mới. Mặc dù đã cố gắng chuyển đổi từ 3 lên bốn vụ sản xuất song lượng người đổ về quá lớn nên vẫn không đủ việc làm cho lao động trở về.

Còn tại An Giang, trong 4 tháng đầu năm nay, gần 30% số người đi xuất khẩu lao động đã phải về nước trước thời hạn. Hơn 1/3 số lao động từ nông thôn đi làm việc tại các khu công nghiệp đã mất hẳn việc làm.

Không những vậy, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế nên tiêu thụ sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp cũng giảm. 71,6% số xã cho biết giá bán nông sản giảm (mức độ giảm trung bình 16,6%). 14% xã có sản phẩm nông nghiệp không bán được. Gần 6% xã không bán được sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. 36% xã bán sản phẩm tiểu thủ công nghiệp giảm giá.

Chính điều này đã làm cho 68% hộ nông dân bị tổn thương. Bản báo cáo đã đưa ra nhiều kết luận quan trọng, trong đó đáng chú ý là suy giảm trong sản xuất nông nghiệp khi đầu tư cho trang trại giảm 21%; trung bình 15,4% số cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở những địa phương này phải ngừng hoạt động từ đầu năm 2009 đến nay do không bán được sản phẩm, 8% cơ sở giảm quy mô lao động.

Cần ưu tiên hơn cho tam nông

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ hộ nghèo nói chung tại 4 tỉnh tuy có giảm 7,2% so với năm 2008, nhưng ở các xã đặc biệt khó khăn thì số hộ nghèo đói vẫn tăng lên.

Do đó đòi hỏi cần “một hệ thống giám sát thông tin để nắm bắt chính xác diễn biến sản xuất, đời sống người dân ở nông thôn và có cơ chế điều chỉnh chính sách kịp thời trước những tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế”, ông Sơn nói.

Dự báo tình hình nghèo đói thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp do tính bền vững của giảm nghèo chưa cao và còn phải phụ thuộc vào tình hình hồi phục kinh tế, bà Vũ Thị Hồng Lê, Vụ Lao động, văn hoá, xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cùng với việc tiếp tục triển khai các chính sách an sinh xã hội thời gian qua, Nhà nước cần xúc tiến nghiên cứu, hình thành mạng lưới an sinh xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế, bảo đảm tiếp cận đến với tất cả người dân.

Bà Lê cũng kiến nghị cần sớm nghiên cứu điều chỉnh chuẩn nghèo mới để tăng tính bền vững của công tác xoá đói giảm nghèo.

Liên quan đến vấn đề việc làm, bà Lê cho rằng cần tăng cường công tác thống kê lao động - việc làm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành các giải pháp. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt lao động nước ngoài, hạn chế tình trạng du nhập lao động phổ thông để tăng cường việc làm cho lao động trong nước.

Còn về gói kích cầu của Chính phủ đã ưu tiên cho khu vực nông nghiệp nông thôn nhưng làm thế nào cho hiệu quả vẫn là việc phải bàn. Theo ông Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược lược phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đã có hỗ trợ lãi suất giãn nợ cho các doanh nghiệp thì tại sao không áp dụng với nông dân, thậm chí nông dân phải ưu tiên hơn để họ vượt qua khủng hoảng nhất là một số doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn.