17:13 06/12/2011

Ba ngân hàng hợp nhất, nhiều chủ nợ thấp thỏm

Nguyễn Hoài

Vấn đề xử lý nợ của Ficombank, TinNghiaBank và SCB đang gây đau đầu cho một số ông chủ nhà băng

Vấn đề xử lý nợ của Ficombank, TinNghiaBank và SCB do vay mượn trên thị trường liên ngân hàng trước đó, đang gây đau đầu cho một số ông chủ nhà băng.
Vấn đề xử lý nợ của Ficombank, TinNghiaBank và SCB do vay mượn trên thị trường liên ngân hàng trước đó, đang gây đau đầu cho một số ông chủ nhà băng.
Sau nhiều chờ đợi, ngày 6/12, Ngân hàng Nhà nước chính thức phát đi thông điệp sáp nhập 3 ngân hàng có trụ sở chính tại Tp.HCM, gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank).

Lượng tiền Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản trước đó cho 3 đơn vị trên được giao lại cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) quản lý, với tư cách là cổ đông nhà nước tại ngân hàng hợp nhất.

Chủ nợ có thành cổ đông bất đắc dĩ?

Có mấy vấn đề đặt ra xung quanh câu chuyện sáp nhập của Ficombank, TinNghiaBank và SCB, mà đầu tiên là giải quyết nghĩa vụ nợ giữa tổ chức tín dụng với người gửi tiền; giữa tổ chức tín dụng với tổ chức tín dụng và quyền lợi của các cổ đông hiện hữu.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “Bất kỳ tổ chức tín dụng nào cũng đều đi vay và cho vay. Vì thế, quá trình xử lý sáp nhập sẽ bao gồm cả việc xử lý nghĩa vụ còn lại của những đơn vị này; trong đó, có nghĩa vụ trả nợ theo đúng quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các bên liên quan cơ cấu lại nợ giữa tổ chức tín dụng với tổ chức tín dụng khác; giữa tổ chức tín dụng với khách hàng”.

Đối với quyền lợi cổ đông hiện hữu trước khi sáp nhập, Thống đốc nhấn mạnh: Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá lại giá trị cổ đông của ngân hàng và xử lý từng bước theo quy định luật pháp. Theo đó, những cổ đông và những cổ phần trước đây trên thực tế đã bị mất vốn sẽ được thay thế bằng những cổ đông mới, trong đó có sự tham gia của những cổ đông nhà nước để đảm bảo rằng: ngân hàng hợp nhất không tiếp tục phá sản, tiếp tục phát triển và đảm bảo đầy đủ quyền lợi người gửi tiền cũng như quyền lợi khách hàng của ngân hàng.

Theo những thông tin người viết có được, vấn đề xử lý nợ của Ficombank, TinNghiaBank và SCB do vay mượn trên thị trường liên ngân hàng trước đó, đang gây đau đầu cho một số ông chủ nhà băng.

Chủ một nhà băng ở Hà Nội cho biết, 3 ngân hàng này đang nợ ngân hàng ông khoảng 864 tỷ đồng. Trong đó, SCB nợ 394 tỷ đồng, Ficombank nợ 70 tỷ đồng, TinNghiaBank nợ gần 400 tỷ đồng.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần khác cũng cho biết, từng cho một trong ba ngân hàng này vay trên thị trường 2 một khoản tương đối lớn, nhưng đến nay vẫn chưa đòi được.

Vấn đề ở đây không phải chuyện trả hay không mà chính là vay mượn trên thị trường 2 có đặc điểm riêng biệt là giải quyết nhanh, trong khi quá trình sáp nhập và xử lý nợ nần thường kéo dài vì phải có kiểm toán đánh giá mọi khoản nợ, định giá tài sản với vô số hóa đơn chừng từ dồn tích cả chục năm.

Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước không ưu tiên giải quyết nhanh và dứt điểm những khoản nợ mang tính đặc thù như nợ vay trên thị trường 2 mà lại đợi đến khi kiểm toán xong thì sẽ ảnh hưởng thanh khoản tới những ngân hàng khác.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nhận định: trong những ngày tới, các chủ nợ là tổ chức tín dụng có thể sẽ ráo riết hơn trong việc thu hồi nợ. Tình trạng đó sẽ làm cho chuyện vay mượn trên liên ngân hàng không dễ dàng như trước.

Tình trạng cũng đó sẽ làm cho quá trình luân chuyển dòng vốn bị ảnh hưởng, nhất là đối với các con nợ yếu thanh khoản nên đành phải chọn biện pháp chây ỳ trả nợ. Ngoài ra, có thể những chủ nợ này sẽ trở thành những cổ đông bất đắc dĩ của những ngân hàng trong diện buộc phải sáp nhập, nếu như không đòi được nợ!

Phát pháo đầu tiên của Thống đốc

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Ngân hàng Nhà nước đã trình lên Chính phủ đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và về cơ bản, Chính phủ đã thông qua. Tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm cần hoàn thiện thêm để trình Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo với những nguyên tắc cơ bản nhất.  

Theo lộ trình của đề án, từ nay đến hết năm 2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sắp xếp, chia nhóm các ngân hàng dựa trên tình trạng hoạt động của họ; trong đó đặc biệt chú ý đảm bảo tính thanh khoản cho những đơn vị còn yếu kém. Bước đầu tiên là từ ngày 6/12/2011, Ngân hàng Nhà nước chính thức về chủ trương cho phép sáp nhập Ficombank, TinNghiaBank và SCB thành một ngân hàng.

Thống đốc cho biết, trong thời gian hoạt động vừa qua đây, ba ngân hàng nói trên lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản tạm thời. Nguyên nhân chủ yếu do họ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, gặp khi thị trường biến động, nhất là khi nguồn vốn huy động ngắn hạn không còn dồi dào như trước nên rủi ro thanh khoản xảy ra. Thực hiện quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho ba ngân hàng này và đến nay, tình hình thanh khoản của 3 đơn vị trên đã được cải thiện đáng kể.

Trước tình hình này, hội đồng quản trị của ba ngân hàng đã tự nguyện sáp nhập với nhau thành một ngân hàng. Tên mới của ngân hàng này sẽ do hội đồng quản trị mới quyết định sau khi hợp nhất.

“Chúng tôi đánh giá cao hành động của Ficombank, TinNghiaBank và SCB. Điều đó cho phép họ phát huy hết thế mạnh vốn có của mỗi ngân hàng để trở thành một ngân hàng có tiềm lực mạnh, tiếp cận thị trường sâu,  hoạt động lành mạnh và từng bước vươn tới những chuẩn mực cần thiết theo quy định của luật pháp”, Thống đốc nói.

Nhờ đó, họ tiết giảm chi phí do việc giảm từ ba bộ máy hoạt động xuống còn một bộ máy hoạt động; góp phần nâng cao năng lực quản trị của ngân hàng, trên cơ sở lựa chọn những cán bộ tốt nhất từ 3 đơn vị trước đó để đảm nhiệm những vị trí chủ chốt nhất tại ngân hàng hợp nhất.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ định BIDV chính thức tham gia toàn diện vào quá trình hợp nhất của 3 ngân hàng này. Cụ thể, trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho ba ngân hàng đó một cơ số tài chính nhất định. Chính phủ coi phần hỗ trợ trên như một phần vốn của nhà nước tại ngân hàng này và BIDV thay mặt nhà nước đại diện để quản lý phần vốn đó.

Song song, BIDV sẽ trực tiếp tham gia vào mọi hoạt động cơ bản của ngân hàng sau hợp nhất và nắm giữ các vị trí trọng yếu tại hội đồng quản trị, ban kiểm soát và bộ máy điều hành.