15:46 09/06/2016

Ba trường hợp được mang bảo vật quốc gia ra nước ngoài

Song Hà

Hiện Việt Nam có khoảng 100 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia

Trống đồng Ngọc Lũ, một trong những bảo vật quốc gia của Việt Nam.<br>
Trống đồng Ngọc Lũ, một trong những bảo vật quốc gia của Việt Nam.<br>
Quyết định quy định việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo đó, đối tượng áp dụng quyết định này là các bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập; tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu bảo vật quốc gia.

Bảo vật quốc gia được đưa ra nước ngoài trong 3 trường hợp:

- Phục vụ hoạt động đối ngoại của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội - hoạt động đối ngoại cấp Nhà nước.

- Thực hiện chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam có quy mô và ý nghĩa đặc biệt cấp quốc gia, bộ, ngành, địa phương.

- Thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế về nghiên cứu hoặc bảo quản bảo vật quốc gia.

Quyết định cũng nêu rõ, việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài phải bảo đảm các điều kiện quy định tại điều 44 Luật Di sản văn hóa; phải được xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn, không bị hư hại đối với bảo vật quốc gia trong quá trình vận chuyển ra nước ngoài, lưu giữ tạm thời tại nước ngoài và đưa trở lại Việt Nam.

Bên cạnh đó, phải được xác định giá trị bằng tiền của bảo bật quốc gia làm cơ sở cho việc mua bảo hiểm; được miễn kiểm tra thực tế khi giải quyết thủ tục hải quan tại cửa khẩu.

Đồng thời, bảo vật quốc gia đang được bảo vệ và phát huy giá trị tại di tích chỉ được đưa ra nước ngoài để nghiên cứu, bảo quản hoặc phục vụ hoạt động đối ngoại cấp nhà nước; bảo vật quốc gia thuộc bảo tàng ngoài công lập và bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân được đưa ra nước ngoài theo quy định khi có bảo tàng công lập đại diện cho chủ sở hữu trong việc hợp tác với đối tác nước ngoài.

Đối tác nước ngoài tiếp nhận bảo vật quốc gia phải bảo đảm tính hợp pháp, có cơ sở vật chất, năng lực khoa học, kỹ thuật và công nghệ phù hợp với việc trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.

Hội đồng xác định giá trị bằng tiền để mua bảo hiểm cho bảo vật quốc gia được đưa ra nước ngoài  do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định thành lập.

Thành phần hội đồng gồm: đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng thời là Chủ tịch Hội đồng; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính; đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các chuyên gia thuộc ngành, chuyên ngành liên quan tới bảo vật quốc gia được đưa đi nước ngoài.

Kết luận của Hội đồng là cơ sở để Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định mức mua bảo hiểm đối với bảo vật quốc gia được đưa ra nước ngoài.

Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu bảo vật quốc gia phải do chính Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.

Bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí sau đây: là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.

Hiện Việt Nam có khoảng 100 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó có các hiện vật như: trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh, tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn, cây đèn đồng hình người quỳ  (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Ngoài ra còn có: cuốn “Đường Kách mệnh” (tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia); tác phẩm “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) (tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia); bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia); bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam sáng 17/7/1966, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh); bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc viết từ ngày 10/5/1965 đến ngày 19/5/1969, hiện lưu giữ tại Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng)...