06:00 15/03/2024

Bắc Giang nỗ lực để đáp ứng hơn 110.000 lao động

Châu Anh

Lạng Sơn là tỉnh có số lao động đông nhất hiện đang làm việc tại tỉnh Bắc Giang, với khoảng hơn 27 nghìn người, chiếm tỷ lệ 20% tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tại Bắc Giang...

Hội nghị xúc tiến thu hút lao động giữa Bắc Giang và Lạng Sơn
Hội nghị xúc tiến thu hút lao động giữa Bắc Giang và Lạng Sơn

UBND hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn vừa phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Năm 2024, tỉnh Bắc Giang có nhu cầu tuyển dụng trên 112.500 người. Ngành nghề tuyển dụng tập trung ở lĩnh vực sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử và may mặc. 

Mức lương cơ bản được các doanh nghiệp Bắc Giang đưa ra từ 4,2 - 6,5 triệu đồng, tổng thu nhập hàng tháng của người lao động từ 7 - 12 triệu đồng đối với người trực tiếp sản xuất (là lao động thủ công); mức lương từ 8 đến dưới 15 triệu đồng đối với vị trí lao động gián tiếp (làm việc ở văn phòng, kế toán, phiên dịch, lao động kỹ thuật); mức lương từ 15 triệu đồng trở lên chủ yếu được trả cho lao động làm công việc quản lý như trưởng phòng, tổ trưởng, trưởng các bộ phận, giám đốc bộ phận.

Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn trong năm 2024 như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải cần tuyển khoảng 27.000 lao động; Công ty Luxshare – ICT cần tuyển gần 47.000 lao động; Công ty TNHH New wing Interconnect Technology (Bắc Giang) cần tuyển khoảng 27.000 lao động; Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam cần tuyển 12.000 lao động; Công ty TNHH Seojin Việt Nam cần tuyển 1.200 lao động; Công ty TNHH Ce Link Việt Nam cần tuyển 900 lao động…

Đại diện các doanh có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn trong năm cho biết, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như thông tin trên phương diện trực tuyến và trực tiếp trên các nền tảng xã hội; phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố trong công tác tuyên truyền và tuyển dụng lao động tại địa phương; ký kết hợp tác với các đơn vị cung ứng nhân lực…

Tuy nhiên, tiến độ tuyển dụng lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhất là các doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp.

Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân là do nhu cầu tuyển dụng lao động thường vào cùng khoảng thời gian đầu năm và giữa năm nhằm đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh nên dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng.

Lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ phải về quê xin đóng dấu của địa phương trong tài liệu sơ yếu lý lịch, giấy xác nhận dân sự, ảnh hưởng đến tiến độ tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhận thức, tác phong công nghiệp của lao động ngoại tỉnh, đặc biệt lao động đến từ vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, thiếu tính ổn định. Lao động ngoại tỉnh đến các khu công nghiệp trong tỉnh còn khó khăn trong việc tìm nhà trọ ổn định chỗ ở…

Để đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn lao động, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có hội nghị xúc tiến tìm kiếm lao động ở một số địa phương lân cận, như Lạng Sơn, Tuyên Quang…

Theo thống kê, Lạng Sơn là tỉnh có số lao động đông nhất hiện đang làm việc tại tỉnh Bắc Giang, với khoảng hơn 27 nghìn người, chiếm tỷ lệ 20% tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tại Bắc Giang.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang và Hiệp hội cung ứng nhân lực và việc làm tỉnh Bắc Giang giới thiệu khái quát về cơ chế, chính sách thu hút người lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp Bắc Giang. Đồng thời, mong muốn phối kết hợp với các trường nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, cùng các cơ quan, tổ chức, đoàn thể của tỉnh Lạng Sơn để giúp người lao động tiếp cận nhiều hơn với các thông tin tuyển dụng.

Sau khi trao đổi, hội nghị thống nhất các nội dung gồm: Các doanh nghiệp đến tỉnh Lạng Sơn tuyển dụng lao động phải cam kết có đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực; có sự thẩm định của lãnh đạo 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn, trong đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 2 tỉnh là đơn vị đầu mối, cung cấp đầy đủ thông tin cho đơn vị tuyển dụng và người lao động có nhu cầu; cùng với đó cấp chính quyền từ huyện đến xã tỉnh Lạng Sơn cần phát huy vai trò của mình để cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu tuyển dụng cho người dân địa phương.

Phía doanh nghiệp Bắc Giang cần tiếp tục quan tâm, thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình, phối hợp tốt trong công tác đào tạo nguồn lao động để người lao động yên tâm làm việc ổn định, lâu dài.