14:47 05/06/2024

Bài toán thuế quan của Mỹ: Bên địa chính trị, bên người tiêu dùng

An Huy

Khi phát động chiến tranh thương mại vào năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đối mặt sự chỉ trích mạnh mẽ của các nhà kinh tế theo trường phái tự do, những người đưa ra một sự khẳng định đanh thép: Thuế quan chính là thuế đánh vào người tiêu dùng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Với việc Tổng thống Joe Biden duy trì phần lớn các thuế quan mà ông Trump đã áp, cộng thêm việc ông Trump tuyên bố sẽ áp thêm thuế quan nếu đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay, sự chỉ trích càng tăng thêm. Theo tờ Wall Street Journal, hai nghiên cứu được công bố mới đây cho thấy thuế quan mang tính luỹ thoái (regressive), nghĩa là ảnh hưởng bất lợi của thuế quan rơi nhiều hơn vào những gia đình thu nhập thấp - đối tượng có khuynh hướng phải chi phần lớn hơn trong thu nhập để mua những loại hàng hoá giá rẻ nhập khẩu.

Ai phải trả thuế quan đến hiện tại vẫn là một chủ đề gây tranh cãi, nhưng không hẳn là vấn đề quan trọng nhất. Thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hoá Trung Quốc không nhằm mục đích kiếm thêm nguồn thu cho ngân sách liên bang, mà để giảm sự phụ thuộc của nước này vào quốc gia đối thủ. Ở góc nhìn như vậy, thuế quan hiện nay của Mỹ không giống thuế thông thường, và cũng không giống thuế quan ở những thời kỳ trước đây.

Trong cuốn sách mang tên “Clashing Over Commerce: A History of U.S. Trade Policy” (tạm dịch: “Xung đột thương mại: Lịch sử chính sách thương mại Mỹ”), nhà kinh tế học Douglas Irwin của trường Dartmouth College cho biết chính sách thuế quan của Mỹ từ những năm 1700 đến nay đã trải qua 3 thời kỳ khác nhau.

THU NGÂN SÁCH, HẠN CHẾ, CÓ ĐI CÓ LẠI…

Ông Irwin viết rằng từ khi nước Mỹ độc lập cho tới thời Nội chiến, mục đích của thuế quan chủ yếu là thu ngân sách. Thuế quan khi đó chiếm 90% thu ngân sách của Chính phủ liên bang. Từ thời Nội chiến tới Đại suy thoái, thuế quan nhằm mục đích hạn chế, để bảo vệ các nhà sản xuất ở miền Bắc - khi đó được đại diện bởi Đảng Cộng hoà đang chiếm ưu thế - khỏi sự cạnh tranh của hãng hoá nhập khẩu.

Thời kỳ thứ ba bắt đầu khi Mỹ thông qua Đạo luật Các thoả thuận thương mại có đi có lại (Reciprocal Trade Agreements Act) vào năm 1934. Đạo luật này trao quyền cho tổng thống Mỹ đàm phán hạ thuế quan nếu các nước khác cũng làm như vậy. Sự có đi có lại trong thương mại vẫn là một hình mẫu chủ đạo sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi các tổng thống Mỹ thuộc cả hai đảng tìm cách dỡ bỏ hàng rào thương mại của các quốc gia khác thông qua công thức kết hợp giữa “củ cà rốt” là các thoả thuận thương mại và ‘cây gậy” là thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu có mục tiêu cụ thể.

Thuế quan mà ông Trump áp đầu tiên lên các mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời, máy giặt, thép và nhôm là sự kết hợp giữa hai mục tiêu hạn chế và có đi có lại, nhằm bảo vệ một số ngành công nghiệp trong nước trong khi gây áp lực đòi Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc điều chỉnh quan hệ thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, thuế quan mà ông Trump áp lệ hàng hoá Trung Quốc và được ông Biden bổ sung lại có mục đích khác nữa. Một phần mục đích của những thuế quan này là sự hạn chế và có đi có lại - bảo vệ các ngành công nghiệp còn non trẻ ở Mỹ và gây sức ép đòi Trung Quốc thay đổi hành vi thương mại. Tuy nhiên, mục đích căn bản hơn của việc áp thuế quan này là điều chỉnh các dòng chảy thương mại, đa dạng hoá hoạt động thương mại của Mỹ khỏi Trung Quốc.

Vị thế thống trị của Trung Quốc ở nhiều loại hàng hoá thành phẩm và khoáng sản đã qua chế biến đã khiến giới chức Mỹ lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ giành được ảnh hưởng quá lớn đối với nền kinh tế của Mỹ và các nước đồng minh với Mỹ, rồi sau cùng là an ninh của các quốc gia này. Mối lo ngại đó đã gia tăng cùng với nguy cơ xuất hiện một “cú sốc Trung Quốc” mới đến từ việc Trung Quốc ồ ạt xuất khẩu hàng hoá thành phẩm giá rẻ.

Văn phòng của đại diện thương mại (USTR) Mỹ, bà Katherine Tai - người giữ cương vị đại sứ thương mại của ông Biden, đã làm rõ vấn đề này vào tuần trước, khi đưa ra giải thích vì sao nhiều nhà nhập khẩu bị từ chối miễn thuế quan. Trước đó, các nhà nhập khẩu này đã nộp đơn xin Chính phủ Mỹ gia hạn việc họ được miễn trừ khỏi thuế quan.

“Nhiều nhà nhập khẩu khẳng định rằng các sản phẩm thay thế là không có vì Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp rẻ nhất”, nhưng việc gia hạn miễn trừ sẽ gây trì hoãn sự dịch chuyển “sang các nguồn cung thay thế và duy trì sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng và sản phẩm Trung Quốc, dẫn tới xói mòn mục tiêu” khiến Trung Quốc thay đổi hành vi thương mại - tuyên bố của USTR viết.

Việc ai là người thực sự trả thuế quan tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một vài nghiên cứu cho thấy các nhà nhập khẩu Mỹ phải trả phần nhiều hơn vì phần chi phí tăng thêm này không hẳn được đẩy về phía người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác lại nhận thấy hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thông qua mức giá rẻ hơn. Đồng thời, cũng chính dòng chảy hàng hoá này lại khiến hàng triệu người lao động Mỹ mất việc làm. Mà người tiêu dùng chính là người lao động, nên việc áp thuế quan vừa giúp bảo vệ việc làm cho họ nhưng cũng gây thiệt hại cho họ vì có thể làm giá hàng hoá tăng lên.

NGƯỜI NGHÈO PHẢI TRẢ THUẾ QUAN

Hai nhà kinh tế học Amit Khandelwal của Đại học Yale và Pablo Fajgelbaum của Đại học California, LA đã minh hoạ rõ nét ảnh hưởng này thông qua nghiên cứu về sự gia tăng ngưỡng áp dụng miễn trừ “de minimis” - một nguyên tắc thương mại mà theo đó những gói hàng nhỏ được vào Mỹ không bị áp thuế quan - lên 800 USD từ 200 USD vào năm 2016.

Các tác giả đã phát hiện thấy rằng trong số các gói hàng được vận chuyển trực tiếp đến các khu vực mã ZIP nghèo nhất ở Mỹ, có 74% là các gói hàng được miễn trừ thuế quan theo nguyên tắc “de minimis”. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các khu vực có mã ZIP giàu nhất ở Mỹ chỉ là 52%. “De minimis” là một nguyên tắc gây nhiều tranh cãi, vì bị nhiều nhà nhập khẩu tận dụng để né thuế quan áp lên hàng hoá Trung Quốc. Hai công ty bán hàng trực tuyến khổng lồ là Shein và Temu đã tranh thủ “de minimis” để vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc vào Mỹ.

Nhiều nghị sỹ Quốc hội Mỹ và cả các cố vấn của ông Trump muốn “de minimis” bị xoá bỏ. Nhưng hai nhà kinh tế trên nói rằng việc xoá bỏ nguyên tắc này sẽ gây thiệt hại cho người nghèo: những người sống ở khu vực mã ZIP có thu nhập thấp hơn sẽ thiệt hại 45 USD/năm, so với chỉ 35 USD đối với những người ở các khu vực có thu nhập trung bình, và 81 USD đối với những người sống ở các khu vực có mã ZIP giàu nhất.

Hiện tại, thuế quan tương đương 2% tổng giá trị hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ. Tỷ lệ này sẽ tăng vọt lên 17%, mức cao nhất kể từ khi Mỹ thông qua Thuế quan Smooth-Hawley vào năm 1930, nếu ông Trump tái đắc cử và thực hiện cam kết tăng thuế quan lên 60% hoặc hơn đối với toàn bộ hàng Trung Quốc nhập khẩu và 10% đối với hàng hoá từ phần còn lại của thế giới vào Mỹ - theo các nhà kinh tế Sarah Bianchi và Matthew Aks của công ty môi giới Evercore IS.

Mức thuế quan như vậy sẽ gây thiệt hai thực sự lớn đối với người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp thu nhập thấp hơn. Hai nhà kinh tế Kimberly Clausing và Mary Lovely của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính thuế quan như vậy sẽ làm suy giảm 4,2% sức mua của 20% hộ gia đình Mỹ nghèo nhất, nhưng chỉ giảm 0,9% đối với top 1% giàu nhất. Thiệt hại này chưa tính đến tất cả tổn thất, chẳng hạn việc các nhà sản xuất kém hiệu quả đẩy chi phí về phía người tiêu dùng hay những gián đoạn do tổ chức lại chuỗi cung ứng.

THUẾ QUAN NHƯ MỘT LOẠI THUẾ “PIGOVIAN”

Liệu những mặt bất lợi này có thể bác bỏ được sự cần thiết của thuế quan hay không sẽ tuỳ thuộc vào mức độ của bất lợi. Thuế quan đối với hàng Trung Quốc có thể được cho là một loại thuế “Pigouvian”. Được đặt tên theo nhà kinh tế học người Anh Arthur Pigou, thuế này bù đắp thiệt hại xã hội, tương tự như thuế carbon giúp làm giảm sự ấm lên toàn cầu. Người tiêu dùng phải gánh chịu một tổn thất trực tiếp từ thuế quan áp lên hàng hoá Trung Quốc, nhưng nước Mỹ nói chung lại có được một cơ sở chuỗi cung ứng vững vàng và đa dạng hơn. Việc chấm dứt việc miễn trừ thuế quan theo nguyên tắc “de minimis” sẽ giúp lấp đầy một lỗ hổng vẫn được sử dụng cho việc né thuế quan.

Tuy nhiên, hệ quả về phân phối là có thật. Một cách để giải quyết vấn đề này có thể là hoàn một phần số tiền thuế quan thu được cho những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tương tự như những gì Canada đã làm với thuế carbon. Tuy nhiên, hai nhà kinh tế Clausing và Lovely đã chỉ ra rằng kế hoạch của Đảng Cộng hoà về gia hạn chương trình cắt giảm thuế năm 2017 của đảng này - trong đó phần lớn các nội dung sẽ hết hạn vào năm 2025 - sẽ dẫn tới điều ngược lại, nghĩa là mang lại lợi ích lớn cho top 1% giàu nhất và lợi ích không đáng kể cho nhóm 20% nghèo nhất.

Có thể nói rằng thuế quan có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với thuế. Thuế quan cũng là một công cụ của cạnh tranh địa chính trị. Tuy nhiên, cũng giống như thuế, thuế quan dẫn tới những thiệt hại cần phải được đặt lên bàn cân với lợi ích. Bài báo của Wall Street Journal kết luận rằng chưa rõ lợi ích có đủ để biện minh cho việc Mỹ áp thuế quan 10% lên toàn thế giới hay không, nhất là trong trường hợp thế giới trả đũa Mỹ.