Chiến lược nhân dân tệ hóa của Trung Quốc gặp nhiều rào cản
Các khảo sát mới nhất cho thấy “nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc vẫn không sẵn sàng sử dụng nhân dân tệ”...
Bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài, các khảo sát mới nhất cho thấy “nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc vẫn không sẵn sàng sử dụng nhân dân tệ”. Đây là rào cản lớn nhất đối với việc thanh toán thương mại xuyên biên giới bằng đồng nội tệ Trung Quốc.
Theo báo cáo Cross-Border Yuan Insight quý 1/2024 vừa được ngân hàng Bank of Communications và Viện Nghiên cứu Tiền tệ Quốc tế thuộc Đại học Renmin (Trung Quốc) công bố, 47,7% doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc được hỏi cho biết việc các đối tác thương mại không muốn sử dụng nhân dân tệ là rào cản lớn nhất trong thanh toán quốc tế.
Khoảng hơn 30% doanh nghiệp cho biết mức độ của sự khó khăn này hiện tại không có sự thay đổi so với một năm trước, trong khi khoảng 11% nói rằng mức độ khó khăn tăng lên.
Theo tờ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), khảo sát trên được thực hiện vào tháng 3 với 1.657 doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, trong đó 71% là doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, 13% là doanh nghiệp quốc doanh và 15% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Kết quả khảo sát cho thấy thách thức mà Bắc Kinh đang đối mặt khi thực hiện tham vọng đưa nhân dân tệ trở thành một đồng tiền toàn cầu có khả năng cạnh tranh với vị thế thống trị của đồng USD.
Trên thực tế, từ năm 2009 đến nay, chỉ số quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ, được đo lường bởi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong thanh toán thương mại, thanh toán quốc tế, giao dịch ngoại hối và dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, đồng tiền này vẫn theo sau USD và euro một khoảng cách lớn.
Cũng theo khảo sát trên, những rào cản khác với tham vọng nhân dân tệ hóa toàn cầu của Bắc Kinh còn bắt nguồn từ sự biến động của tỷ giá nhân dân tệ, chênh lệch lãi suất của Trung Quốc với các quốc gia khác và rào cản với dòng chảy vốn xuyên biên giới.
Hơn 64,84% doanh nghiệp được hỏi nói rằng “sự phức tạp trong chính sách” là một khó khăn lớn khi sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch xuyên biên giới. Trong khi đó, hơn 40% nói rằng khó khăn nằm ở “tính tương thích về luật pháp” và “rào cản dòng vốn”. Gần 30% thấy khó khăn vì “phạm vi đầu tư hạn chế” của nhân dân tệ và khoảng 20% thấy khó vì “thiếu nghiệp vụ đối xứng”.
Theo ông George Lu, giám đốc vận hành tại một công ty thiết bị y tế châu Âu tại khu vực đồng bằng sông Dương Tử của Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) nhận thanh toán bằng USD từ trụ sở ở nước ngoài của họ, sau đó đổi sang nhân dân tệ để chi trả cho các khoản chi phí sản xuất và vận hành. Các khoản tiền thừa bằng nhân dân tệ sau đó được giữ trong tài khoản ngân hàng Trung Quốc.
“Số dư bằng nhân dân tệ trong tài khoản ngân hàng của chúng tôi chỉ được dùng cho các sản phẩm quản lý tài sản ngắn hạn, sau đó được đổi ngược lại USD khi tỷ giá thuận lợi”, ông Lu cho biết. “Chúng tôi không có kế hoạch sử dụng nhân dân tệ cho các hoạt động khác, bởi rất khó kiểm soát rủi ro chính sách và rủi ro thị trường”.
Còn ông Kent Liu – chủ một hãng sản xuất in kỹ thuật số tại Quảng Châu và có nhà máy ở cả Mỹ, Đông Nam Á – cho biết các khách hàng ở Đông Nam Á có xu hướng chấp nhận nhân dân tệ nhiều hơn nhưng hầu hết họ có nguồn gốc Trung Quốc. Trong khi đó, khách hàng ở các thị trường nước ngoài khác ưu tiên sử dụng USD bởi họ khó mang nhân dân tệ về đầu tư tại nước mình.
Khảo sát trên cho thấy hầu hết doanh nghiệp được hỏi đều có hoạt động thanh toán xuyên biên giới bằng nhân dân tệ hoặc giao dịch ngoại hối liên quan tới nhân dân tệ theo nhiều mức độ. Tuy nhiên, chưa tới 25% thực hiện giao dịch tài chính, gửi tiền hoặc quản lý tài sản bằng đồng tiền này.
Nói về kế hoạch quý 2, gần 80% doanh nghiệp cho biết sẽ không tăng tỷ lệ sử dụng nhân dân tệ trong giao dịch quốc tế. Chỉ 10% dự định tăng tỷ lệ này thêm tối đa 10%, 9% dự định tăng thêm 10-50% và chỉ 2% có kế hoạch tăng 50-100%.
“Bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu gia tăng, biến động của thị trường tài chính quốc tế tăng lên, cùng với rủi ro địa chính trị và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang là những tác động lớn nhất tới hoạt động thanh toán quốc tế bằng nhân dân tệ”, báo cáo khảo sát kết luận.
Báo cáo thúc giục các cơ quan chức năng Trung Quốc nỗ lực hơn nữa để đơn giản hóa quy trình thanh toán xuyên biên giới bằng nhân dân tệ, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài mới, đồng thời thúc đẩy sử dụng nhân dân tệ trong giao dịch hàng hóa lớn như dầu mỏ, khí đốt và quặng sắt.