07:17 28/01/2022

Bản Hua Tạt còn giữ lại những nếp cổ truyền

Chu Khôi

Bản Hua Tạt (ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) là một trong những bản du lịch cộng đồng hiếm có còn giữ được khá đầy đủ những nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc H'Mông. Khi hoa mận, hoa đào bừng nở dưới bản Hua Tạt, là lúc đồng bào H’Mông ở đây ăn Tết. Trai gái xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất, rực rỡ nhất hòa vào núi rừng mùa xuân…

Quang cảnh núi non ở bản Hua Tạt
Quang cảnh núi non ở bản Hua Tạt

Từ trên quốc lộ 6 đoạn qua huyện Vân Hồ nhìn xuống, hiện lên khung cảnh bản Hua Tạt yên bình và lặng lẽ. Theo con đường bê tông mới mở xuôi xuống bản, phía bên trái nhà văn hóa, cây đào cổ thụ đang nở hoa rực rỡ. Ấn tượng đầu tiên với tôi khi đến đây là, tất cả các ngôi nhà trong bản đều làm theo lối truyền thống, kiểu nhà trệt bằng gỗ, xung quanh là vườn rau cải mèo xanh tốt dưới những tán cây mận, cây đào.

HOMESTAY VỚI NHỮNG PHONG TỤC CỔ TRUYỀN

Vài năm trở lại đây, Hua Tạt đã trở thành điểm du lịch cộng đồng, có một ngôi nhà sàn được dựng lên ngay cạnh sân vận động của bản để khách du lịch nghỉ lại, phục vụ cả ăn uống, văn hóa văn nghệ. Đó là  homestay của Tráng A Chu, một ngôi nhà sàn độc đáo với những vật liệu hết sức gần gũi: tre, nứa, thân cây khô… tạo cảm giác bình yên. Được biết, Tráng A Chu là người đầu tiên trong bản dựng homestay để thu hút du khách đến trải nghiệm cuộc sống của người H'Mông nơi đây.

Trong không gian núi rừng tĩnh mịch, tôi được thưởng thức tiếng khèn trầm bổng của A Chu, những giai điệu vang lên lúc như lưu luyến gọi mời, lúc như réo rắt. A Chu khoe, Hua Tạt là bản thuần dân tộc H'Mông và cũng là một trong số ít bản làng trên cả nước còn lưu giữ được khá đầy đủ những phong tục của người H'Mông.

Muốn được nghe về những tục lệ ngày Tết, A Chu cho biết, Tết truyền thống của đồng bào H'Mông ở Hua Tạt diễn ra trước người Kinh khoảng 1 tháng, mỗi khi hoa mận nở trắng xóa  trên các sườn đồi thì dân bản ăn Tết. 

 

Sau 3 ngày Tết, người H'Mông bản Hua Tạt mới bắt đầu đi chơi Tết và thời gian có khi kéo dài cả tháng, bởi đây là lúc nông nhàn. Những ngày này, sân vận động của bản rộn ràng tiếng cười nói và những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, cùng những trò chơi truyền thống như ném pao, đánh quay, vật gậy….

Trước khi làm lễ cúng ngày Tết, chủ nhà sẽ cầm cành tre đi xua đuổi tà ma quanh nhà, xua đuổi những điều muộn phiền trong năm cũ để cầu mong một năm mới sẽ tốt đẹp hơn. Người H'Mông lấy 3 viên đá đem nướng lên than hồng rồi đặt trước cửa nhà, sau đó đổ nước lên. Những viên đá đang nóng gặp nước sẽ bốc hơi, đem theo tất cả muộn phiền của năm cũ sẽ bay đi.

Trên bàn thờ, người H'Mông đổ mỡ lợn vào chiếc đĩa để đốt lên ngọn lửa cháy suốt 3 ngày Tết. Gà cúng giao thừa  là gà trống có lông màu đỏ. Khi chuẩn bị gà cho lễ cúng, chủ nhà phải mang gà ra trước bàn thờ cắt tiết để ông bà tổ tiên chứng kiến. Sau khi vặt lông gà, phải lấy một ít lông cổ gà dán lên trước bàn thờ để báo cáo với ông bà là gia đình đã làm xong thủ tục để cúng giao thừa.

Đan thổ cẩm ở bản Hua Tạt
Đan thổ cẩm ở bản Hua Tạt

Một trong những phong tục độc đáo còn lưu giữ được là tục “kéo vợ”. Tráng A Chu chia sẻ: nhiều người miền xuôi không hiểu nên thường gọi tục lệ này của người H'Mông là “bắt vợ” và cho rằng mang tính “cưỡng ép”, là hủ tục cần loại bỏ.

Nhưng thực tế, tục “kéo vợ” luôn có sự đồng tình của cả đôi bên. Khi đi chơi Xuân, trai gái chưa có gia đình sẽ đưa mắt tìm nhau. Nếu thích cô gái nào, thì chàng sẽ đến bên cô gái ấy và dùng tay vỗ vào mông. Nếu cô gái ưng thuận thì vỗ nhẹ lại vào mông chàng trai.

Cứ như thế, đôi trai gái vừa đi chơi hội vừa vỗ mông nhau cho đến khi vỗ đủ 9 lần. Nếu cả 2 bên đã thực lòng ưng thuận, thì dù ngày hôm trước chưa vỗ đủ “chín cặp” thì họ lại hẹn nhau chờ đến ngày hôm sau lại tìm gặp nhau để tâm sự và vỗ tiếp cho đủ. Khi đã ưng thuận, cô gái sẽ hẹn chàng trai đến một nơi nào đó để chờ chàng trai kéo tay về nhà ra mắt bố mẹ.

Trong 3 ngày ở nhà chàng trai, cô gái sẽ được ở một phòng riêng và được tiếp đón như một người khách và không được quan hệ vợ chồng trước hôn nhân. Qua 3 ngày ở nhà chàng trai, cô gái vẫn không thay đổi ý định thì nhà trai sẽ mang sính lễ đến nhà cô gái chọn ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới.

NHỨC NHỐI VẤN NẠN PHÁ RỪNG BẪY THÚ

Gặp những thanh niên H'Mông ở bản Hua Tạt, tôi được nghe kể nhiều về chuyện đặt bẫy săn thú rừng. Anh Tráng A Sòng cho biết, ở đây ai cũng biết đặt bẫy săn thú. Khi hết mùa nông, nhàn rỗi, Sòng cũng như mọi người trong bản thường đi đặt bẫy quanh nương rẫy nhà mình, mỗi ngày rải khoảng 15-20 bẫy.

“Bây giờ chỉ bẫy được chuột, sóc, cầy hôi, nếu may mắn thì bắt được con lửng (cầy giun) tầm 17-20 kg. Hồi trước, rừng quanh bản có cả những bầy khỉ, con cu li. Năm 2008, rừng ở bản vẫn còn gấu và sơn dương, nhưng từ đó đến nay không thấy chúng nữa, khỉ cũng không thấy, con cu li giờ rất hiểm”, Sòng cho hay. Theo A Sòng, năm 2000 trở về trước, người dân bản thường đi săn bằng súng kíp, nhưng sau đó Nhà nước cấm dùng súng, cấm thuốc nổ, thì mọi người chuyển sang dùng bẫy. “Tôi bẫy thú chỉ để phục vụ làm thực phẩm cho gia đình, nếu có con nào to dính bẫy thì mới bán ra ngoài. Hiện trong bản vẫn có một số người chuyện đi bẫy thú để bán, nhưng họ phải đi đặt bẫy ở rất xa, lên tận rừng Pha Luông để bẫy. Để bẫy lợn rừng và sơn dương, người ta thường dùng bẫy thòng lọng hoặc bẫy dây phanh”, A Sòng cho biết.

Tráng A Sòng kể, tình trạng bẫy thú và chặt cây gỗ rừng đem bán rộ lên mạnh nhất từ cách đây 15 năm. Khi đó, ma túy phủ “bóng đen” lên khắp các bản làng ở Vân Hồ, từ Lóng Luông đến Hua Tạt, khiến nhiều người nghiện ma túy, phải bán hết đất vườn, đất nương. Không còn kế sinh nhai, trong khi nhiều thương lái, nhà hàng tìm đến đặt mua thú rừng. Thế là người ta tàn sát thú và cây rừng, Bẫy được một con thú to có thể bán được vài triệu đồng, nên nhà nhà ham thích đặt bẫy để bắt thú. Từ đó, thú cứ vắng dần ở Hua Tạt. Bây giờ, nạn ma túy đã đi qua, chỉ còn một số người tái nghiện, nhưng việc đặt bẫy thú vẫn còn khá phổ biến.

Hỏi đi bẫy thú không sợ bị bắt, bị phạt sao? “Nếu bị bắt, thì chỉ bị tịch thu con vật và thu bẫy. Phạt thì chẳng ai có tiền”, Sòng nói ráo hoảnh. Sòng bảo: “Tôi chỉ bẫy thú, chứ nhiều người ở đây vẫn lên rừng chặt cây gỗ đem bán, bất chấp pháp luật. Rừng quanh bản Hua Tạt hồi trước nhiều cây gỗ to, người dân đốn hạ, đem về nhà, thân cây sử dụng làm nhà, ngọn thì làm củi đun bếp. Bây giờ thì rừng Nhà nước giao cho người dân trông nom bảo vệ, nên không bị phá nữa. Nhưng một số khu rừng ở xa phía trên là rừng của chung của bản, vẫn còn một số người lên khai thác. 

 

“Bây giờ môi trường rừng rất hẹp, người ta phá rừng để làm nương rẫy, lấy gỗ làm nhà… khiến sinh cảnh cho bầy vượn cứ thu hẹp dần. Tôi ước mong mọi người dân ở bản Hua Tạt đều có sinh kế bền vững, đặc biệt du lịch cộng đồng phát triển mạnh hơn nữa, để không còn ai đi bẫy thú, chặt phá cây rừng, cho muông thú sinh sôi trở lại”. 

Tráng A Tòng, bản Hua Tạt bày tỏ.

Chúng tôi vào thăm nhà ông Tráng A Chơ, một thợ rèn nghe kể về rèn vũ khí săn bắn. Ông Chơ cho biết, trong những năm từ 1976 đến 1995, ông chuyên chế tác súng kíp để bán. Để chế tạo nòng súng kíp rất dài, phải sử dụng mũi khoan dài 2 mét, phải hàn nối nhiều mũi khoan với nhau. Cứ hai người khoan ròng rã mất gần 3 ngày mới mới xong một cái nòng súng.

Nguyên liệu bào chế thuốc súng thì đi lấy phân dơi ở trong hang đá ở trên Mộc Châu. Lấy 40 kg phân dơi đem về, chỉ chọn lọc được 2 kg loại phân có thể làm được thuốc súng. Đem phân dơi, trộn với tro bếp và đất, nghiền rồi sấy khô cô lại. Đạn ghém hoa cải thì làm bằng gang. Gang đem nấu chảy, rồi nhỏ xuống nước nó sẽ đông khô lại thành những hạt nhỏ li ti chỉ bằng hạt cải. Đem những hạt đó gang nhồi vào nòng súng để bắn.

Ở Hua Tạt, tôi còn được Tráng A Tòng dẫn lên núi cao xem vượn đen má trắng. Rừng ở đây hiện còn một quần thể vượn đen má trắng nguy cấp, đang được bảo tồn. “Mình sinh ra đã thấy tiếng vượn hú. Nghe các cụ kể lại, các loại thú khác thì ai cũng bẫy được, nhưng riêng với bầy vượn này thì bản có quy định: Ai bắn một con chết thì sẽ phải đền một mạng. Nhờ thế, nên bây giờ bầy vượn vẫn còn, hiện đã phát triển thành 3 bầy”, Tòng nói.