15:25 29/05/2008

Bản quyền phần mềm: Vi phạm giảm, thiệt hại tăng

Thanh Hà

Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính của Việt Nam đã giảm từ mức 88% năm 2006 xuống còn 85% trong năm 2007

Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính của Việt Nam đã giảm từ mức 88% trong năm 2006 xuống còn 85% trong năm 2007.
Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính của Việt Nam đã giảm từ mức 88% trong năm 2006 xuống còn 85% trong năm 2007.
Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính của Việt Nam đã giảm từ mức 88% năm 2006 xuống còn 85% trong năm 2007.

Mức giảm này đã được BSA và IDC công bố tại buổi họp báo về báo cáo vi phạm bản quyền phần mềm trên toàn cầu 2007 tổ chức tại Hà Nội ngày 28/5.

Mặc dù đã có hàng loạt các thoả thuận về phần mềm có bản quyền được ký kết trong thời gian vừa qua nhưng tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam vẫn chỉ giảm được vẻn vẹn có 3% so với năm 2006. Mức giảm này vẫn chưa đủ để đưa Việt Nam ra khỏi Top 15 nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính cá nhân (PC) cao nhất thế giới.

Những con số ở Việt Nam

Tuy tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm PC của Việt Nam giảm không nhiều nhưng đây cũng được xem là con số đáng khích lệ, chứng tỏ nỗ lực của Việt Nam trong việc chống lại việc vi phạm bản quyền phần mềm. Trong năm 2007, đã có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong khối ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin... chính thức sử dụng phần mềm máy tính có bản quyền.

Bên cạnh đó, các cuộc kiểm tra vi phạm bản quyền phần mềm đã được tiến hành thường xuyên hơn tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Tại cuộc họp báo, ông Roland Chan, Giám đốc Marketing của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) khu vực châu Á cho biết, Việt Nam là nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm giảm đáng kể nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, thiệt hại do vi phạm bản quyền phần mềm gây ra lại gấp đôi năm ngoái với tổng số tiền lên tới 200 triệu USD.

Một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam chưa giảm nhiều là do số lượng máy tính đã tăng rất nhanh trong năm 2006 và 2007. Mức tăng trưởng máy tính được IDC ước tính lên tới 40% trong năm 2007.

Theo ông Victor Lim, Phó tổng giám đốc phụ trách tư vấn của IDC châu Á-Thái Bình Dương, phạm vi nghiên cứu đề cập đến các vi phạm của các phần mềm đóng gói chạy trên máy tính cá nhân gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay và sản phẩm cầm tay.

Nghiên cứu này cũng không đề cập đến các loại phần mềm khác như phần mềm chạy trên server hoặc máy chủ. Đại diện IDC cũng cho biết: nghiên cứu cũng sử dụng các số liệu thống kê độc quyền về việc giao nhận các phần mềm và phần cứng với sự hiện diện của các nhà phân tích của IDC tại trên 60 quốc gia để xác nhận các xu thế vi phạm bản quyền phần mềm.

Những con số của nước ngoài

Trong số 108 quốc gia được điều tra, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính cá nhân đã giảm ở 64 quốc gia và chỉ tăng tại 11 quốc gia. Cũng do tỷ lệ máy tính cá nhân toàn cầu tăng trưởng nhanh ở các quốc gia có tỷ lệ vi phạm cao nên tỷ lệ vi phạm toàn cầu trong năm 2007 vẫn tăng lên 38%, tăng 3% so với năm 2006.

Tại châu Á, những nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất gồm Bangladesh (92%), Trung Quốc (82%), Indonesia (84%), Pakistan (84%), Sri Lanka (90%). Những nước có tỷ lệ vi phạm thấp nhất là Mỹ (20%), Australia (28%), Nhật Bản (23%)...

Tại Trung Quốc, nếu tính cả những dữ liệu mới về thị trường PC thì tỷ lệ vi phạm thực tế đã giảm được 2% do các hợp đồng mới của nhà cung cấp với các OEM có hiệu lực trong năm 2007 và ngày càng có nhiều các công ty có cơ sở tại Trung Quốc phát triển thành các tổ chức đa quốc gia, đã góp phần thúc đẩy việc tuân thủ chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Đáng chú ý là trong khi tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của khu vực khác trên thế giới có giảm hoặc không thay đổi thì tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tỷ lệ vi phạm lại vẫn tăng từ 55% trong năm 2006 lên mức 59% trong năm 2007. Trong khi đó, tỷ lệ vi phạm tại khu vực châu Âu giảm từ 36% xuống 35%, Bắc Mỹ giảm từ 22% xuống 21%, Trung/Đông Âu giữ nguyên tỷ lệ 68%....

Cũng nhìn vào bức tranh chung của vi phạm bản quyền phần mềm PC năm 2007, có thể thấy Top 15 nước có tỷ lệ vi phạm cao nhất từ 81 đến 93% hầu hết là các nước đang phát triển và có tỷ lệ nghèo cao. Còn nhóm 15 nước có tỷ lệ vi phạm thấp nhất từ 20% đến 42% hầu hết là các nước phát triển thuộc châu Âu, Mỹ. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ có một số ít nước và vùng lãnh thổ lọt vào Top này như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan...

Theo khuyến nghị của BSA, các quốc gia cần thực hiện chương trình hành động 5 điểm nhằm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm, giúp đem lại các lợi ích về kinh tế.

Đó là: tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của sở hữu trí tuệ và các nguy cơ khi sử dụng phần mềm không có giấy phép sử dụng; cập nhật các luật quốc gia về bản quyền nhằm thực hiện các nghĩa vụ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) để thực thi luật hiệu quả hơn đối với các vi phạm kỹ thuật số và trực tuyến; xây dựng cơ chế thi hành luật vững chắc theo các yêu cầu của Hiệp định TRIPS của WTO, bao gồm cả các bộ luật về chống vi phạm; cần dành nguồn lực đáng kể của Chính phủ bao gồm các cơ quan thựuc thi quyền sở hữu trí tuệ quốc gia, hợp tác quốc tế, đào tạo các quan chức địa phương và toà án; làm gương bằng việc thực hiện các chính sách về quản lý phần mềm và yêu cầu khu vực công chỉ sử dụng phần mềm hợp pháp.