15:11 03/05/2013

Bangladesh và bài học từ ngành dệt may Việt Nam

An Huy

AFP đánh giá, điều kiện làm việc trong các nhà máy may ở Việt Nam đã được cải thiện trong 10 năm trở lại đây

Nữ công nhân làm việc trong một xưởng may nhỏ ở ngoại ô Hà Nội hôm 2/5/2013 - Ảnh: AFP.<br>
Nữ công nhân làm việc trong một xưởng may nhỏ ở ngoại ô Hà Nội hôm 2/5/2013 - Ảnh: AFP.<br>
Theo đánh giá của hãng tin AFP, ngành dệt may của Việt Nam có nhiều điểm đáng để Bangladesh học tập, nhất là sau vụ sập nhà máy may khiến hàng trăm người thiệt mạng ở nước này mới đây.

Vụ sập nhà máy may xảy ra hồi tuần trước ở gần thủ đô Dhaka của Bangladesh khiến 550 người thiệt mạng và mất tích đã làm dấy lên những quan ngại trên toàn cầu về điều kiện làm việc trong các nhà máy sản xuất hàng thời trang “mì ăn liền”, hay còn gọi là thời trang nhanh (fast fashion) cho các thương hiệu có tầm phủ sóng khắp thế giới. Đây là những mặt hàng thời trang giá bình dân, hút khách bởi được lấy cảm hứng từ các mẫu thiết kế trên sàn catwalk.

Trao đổi với hãng tin AFP, ông Kalpona Akter, một thành viên của Trung tâm Đoàn kết công nhân Bangladesh, nhận định rằng, khi thế giới bắt đầu nói về nguy cơ hàng dệt may Bangladesh bị người tiêu dùng tẩy chay, cũng là lúc nước này cần phải cải tổ ngành dệt may của mình. Nếu không, những người đam mê thời trang sẽ đặt câu hỏi “liệu họ có nên mặc những bộ váy ‘dính máu”, ông Akter nói.

Theo các chuyên gia, Việt Nam, quốc gia tham gia sản xuất cho các hãng thời trang lớn như Zara, Mango và H&M, có những ưu thế vượt trội so với Bangladesh. Việt Nam cho thấy khả năng có được luật bảo vệ người lao động mạnh mẽ, mức lương hợp lý, và một ngành dệt may phát triển lành mạnh.

“Ở đây không có một cuộc chạy đua về cắt giảm lương”, bà Tara Rangarajan, nhà quản lý dự án về phát triển tổ chức người lao động International Labour Organisation's Better Work tại Việt Nam, nhận định.

“Chính sách bắt công nhân làm việc cật lực là một phần trong chiến lược ngắn hạn về chi phí thấp, mang lại hiệu quả tức thời. Việt Nam muốn cạnh tranh trong dài hạn nhờ một ưu thế nào đó bên cạnh giá nhân công rẻ, nên họ đang nỗ lực cải thiện pháp luật bảo vệ người lao động”, bà Rangarajan nói thêm.

Theo bà Rangarajan, lương công nhân ở Việt Nam cao gấp 3 lần ở Bangladesh, nhưng Việt Nam vẫn thu hút được khách hàng, nếu như những khách hàng đó có uy tín và muốn giữ uy tín với người tiêu dùng.

AFP đánh giá, điều kiện làm việc trong các nhà máy may ở Việt Nam đã được cải thiện trong 10 năm trở lại đây. Công nhân cho biết, họ đã được chủ sử dụng lao động tôn trọng hơn và được hưởng những chế độ như ăn, ở miễn phí. Những công nhân được đào tạo thường được công ty có chính sách giữ chân.

“Khi tôi mới vào làm ở đây, lương mới chỉ là 40 USD/tháng. Giờ mỗi công nhân giỏi có thể kiếm 350-400 USD/tháng”, anh Nguyễn Hữu Linh, công nhân làm việc trong nhà máy của một công ty may túi xách tại Tp.HCM đã 18 năm, cho biết.

“Công nghệ đã giúp ích nhiều. Trước đây, chúng tôi là thủ công nhiều, nhưng giờ chúng tôi có máy móc”, anh Linh nói. Năm nay 36 tuổi, anh đang là quản đốc một dây chuyền sản xuất trong nhà máy.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt mức 3,1 tỷ USD trong quý 1 năm nay, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo chuyên gia luật Nguyễn Đình Huân, ưu tiên số 1 của Chính phủ Việt Nam là thúc đẩy phát triển công nghệ.

Trong khi đó, theo bà Nayla Ajaltouni, điều phối viên của tổ chức Collectif Ethique sur l'etiquette, Bangladesh lại chuyên về sản xuất giá rẻ và theo đuổi mô hình công nhân làm việc cực nhọc trong xưởng sản xuất, thay vì đầu tư vào công nghệ và cải thiện các điều kiện làm việc.

“Ngành dệt may của Bangladesh đã phát triển rất nhanh chóng. Đó là lý do vì sao những vấn đề về sức khỏe và an toàn lại tập trung ở đây”, bà Ajaltouni nhận định.

Cũng theo bà Ajaltouni, sự giận dữ của dư luận xung quanh vụ sập nhà máy may mới đây có thể sẽ dẫn tới một bước ngoặt. Lương tối thiểu ở Bangladesh đã tăng vào năm 2011 “không phải vì lý do từ thiện mà do các cuộc biểu tình bắt đầu gây xáo trộn trong chuỗi cung ứng”.

“Có thể là hơi bất nhẫn, nhưng thảm họa này sẽ là một cột mốc mà từ đó các thương hiệu có thể sẽ bị giới truyền thông và dư luận thúc đẩy phải có những thay đổi”, bà Ajaltouni nói.

Một nhà quản lý tại Hồng Kông của một thương hiệu thời trang toàn cầu cũng có chung quan điểm cho rằng, vụ sập nhà máy mới đây ở Bangladesh “đang tạo áp lực đối với tất cả các công ty, cho dù họ có ở trong tòa nhà đó hay không, phải thắt chặt chuỗi cung ứng. Đó là một việc tốt”.

“Nhưng xét cho cùng, khách hàng không thể thay đổi hệ thống ở Bangladesh. Chính phủ nước này cần phải có trách nhiệm”, nhà quản lý trên nói thêm. Theo vị này, không giống như Việt Nam, ở Dhaka  không áp dụng chế độ tăng lương tối thiểu hàng năm hay cho phép công nhân dệt may tham gia tổ chức công đoàn.

Nhà quản lý này cũng cho rằng, trừ phi các tiêu chuẩn được cải thiện, Bangladesh sẽ sớm nhận thấy ngành dệt may của nước này gặp khó. Dệt may hiện được xem là “cỗ máy in tiền” cho Bangladesh, đóng góp khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này.