13:47 20/03/2007

Báo cáo của Chính phủ: Nhiều kết quả lạc quan

Đức Thọ

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm qua tiếp tục duy trì ở mức cao và ổn định cùng với những điểm nhấn đáng chú ý

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng báo cáo trước Quốc hội.
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng báo cáo trước Quốc hội.
Sáng nay (20/3), thay mặt Thủ tướng, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2006, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007 trước Quốc hội.

>>Khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XI

Trong đó, về tổng thể các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra và cao hơn mức dự báo đã trình Quốc hội tháng 10/2006. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức 8,17%, riêng quý 4 đã đạt mức 8,96%.

Đột phá về kinh tế đối ngoại

Có thể nói 2006 chính là năm thành công nhất trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam mà điểm nhấn chính là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tổ chức thành công Hội nghị APEC 14.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, tổng giá trị vốn ODA được ký kết với các nhà tài trợ đã đạt 2,666 tỷ USD, trong đó vốn vay đạt 2,412 tỷ USD. Riêng tại Hội nghị các nhà tài trợ diễn ra đầu tháng 12/2006, các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước đã cam kết tài trợ cho Việt Nam trong năm 2007 với con số kỷ lục 4,445 tỷ USD (tăng 700 triệu USD so với năm 2006).

Ngay ở khâu giải ngân vốn được đánh giá là còn nhiều khó khăn, Việt Nam cũng đã đạt được kết quđáng khích lệ khi nguồn vốn ODA được giải ngân đạt 1,78 tỷ USD, bằng 101% kế hoạch và cao hơn mức giải ngân của năm 2005.

Không chỉ vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt được mức cao nhất từ trước tới nay cả về số vốn đăng ký lẫn vốn thực hiện. Trong đó, vốn cấp phép mới đạt 10,47 tỷ USD, tăng 49,1% so với năm 2005 và vốn thực hiện ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 18,7%. Quy mô các dự án cũng lớn hơn, với mức vốn bình quân đạt 9,4 triệu USD/dự án (năm 2005 có mức 4,6 triệu USD và năm 2004 có mức 3 triệu USD/dự án).

Lĩnh vực xuất khẩu cũng đã tăng cả về số lượng, chủng loại - mặt hàng lẫn mở rộng thị trường. Theo thống kê của Bộ Thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2006 đã đạt trên 39,8 tỷ USD, tăng 22,8% so với năm trước và cao hơn mức đã báo cáo với Quốc hội 18,7%.

Trong đó đáng chú ý là có đến 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm trước là cà phê và cao su.

Dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng

Thị trường tài chính thời gian qua của Việt Nam cũng là một điểm nhấn rõ nét với đà phát triển tương đối ổn định và toàn diện của các dịch vụ tài chính, sự sôi động và phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán, dự trữ ngoại hối đạt mức cao…

2006 là năm mà các công cụ chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành linh hoạt nhằm giảm áp lực tăng tổng phương tiện thanh toán, ổn định lãi suất, tỷ giá, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế đồng thời kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Quản lý ngoại hối cũng được thực hiện theo hướng chủ động, linh hoạt đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, dự trữ ngoại tệ thời gian vừa qua tiếp tục tăng (đạt 12,3 tuần nhập khẩu, tính đến hết tháng 2/2007 đạt 15 tuần nhập khẩu), nguồn thu về ngoại tệ tăng và cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục có thặng dư. Ngoài ra, dư nợ vay của Chính phủ và dư nợ vay nước ngoài của quốc gia tiếp tục được kiểm soát trong giới hạn an toàn cho phép.

Đặc biệt, thị trường chứng khoán đã đánh dấu một bước đột phá khi lượng công ty niêm yết và đăng ký giao dịch tại các trung tâm giao dịch chứng khoán liên tục tăng mạnh với mức tăng 4,7 lần so với năm 2005, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 221.156 tỷ đồng (tương đương 22,7% GDP).

Tính đến hết năm 2006, đã có khoảng 100.000 tài khoản giao dịch trên thị trường, tăng hơn 3 lần so với năm trước và trên 30 lần so với thời điểm mới mở thị trường.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là có quy mô nhỏ đồng thời cũng tiềm ẩn rủi ro cao. Do đó, theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực dự báo, tăng cường quản lý, đảm bảo cho thị trường tiếp tục phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững.