Bạo lực leo thang, vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông có lung lay?
Chưa có dấu hiệu cho thấy giới đầu tư và doanh nghiệp tháo chạy khỏi trung tâm tài chính số 1 châu Á, ít nhất là tới hiện tại
Phong trào biểu tình ở Hồng Kông có một bước ngoặt lớn trong tuần này, khi bạo lực leo thang mạnh và lan rộng khắp các khu vực của vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo trang CNN Business, tình trạng bất ổn này dường như chưa khiến giới đầu tư và doanh nghiệp tháo chạy khỏi trung tâm tài chính số 1 châu Á, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại.
Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy Hồng Kông nhiều khả năng sẽ giữ được ngôi vị thị trường lớn nhất thế giới dành cho các vụ phát hành cổ phiếu trong năm nay. Từ đầu năm, Hồng Kông đã được "chọn mặt gửi vàng" cho hàng loạt vụ phát hành "khủng", trong đó có vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) huy động được 5 tỷ USD của chi nhánh châu Á-Thái Bình Dương hãng bia AB InBev hồi tháng 9. Hãng thương mại điện tử Alibaba cũng đang chuẩn bị niêm yết cổ phiếu lần hai tại Hồng Kông sau vài tuần nữa.
"Không gian đầu tư vẫn ổn"
Vụ phát hành của Alibaba dự kiến sẽ đưa Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKSE) vượt qua Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và sàn Nasdaq của Mỹ về tổng giá trị các vụ phát hành trong 2019.
"Tôi chưa thấy bất ổn ở Hồng Kông ảnh hưởng đến không gian đầu tư", ông Houston Huang, người phụ trách thị trường Trung Quốc thuộc bộ phận ngân hàng đầu tư toàn cầu của JPMorgan Chase, nhận định. Ông Huang chỉ ra rằng nhiều công ty lớn niêm yết ở Hồng Kông không phụ thuộc vào vùng lãnh thổ này về hoạt động kinh doanh, nên không bị ảnh hưởng bởi biểu tình.
"Ngoài ra, tất cả các điều kiện đưa Hồng Kông trở thành một trong những nền tảng giao dịch và đầu tư tốt nhất thế giới chưa hề thay đổi", ông Huang nói thêm. Chẳng hạn, Hồng Kông có các chương trình thúc đẩy đầu tư giữa Trung Quốc đại lục và phần còn lại của thế giới. "Tôi không cho là vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông bị ảnh hưởng".
Bất chấp sự nổi lên của những thành phố ở Trung Quốc đại lục như Thượng Hải và Thẩm Quyến, Hồng Kông vẫn là trung tâm tài chính toàn cầu của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc dùng Hồng Kông làm nơi huy động vốn và mở rộng mạng lưới nhà đầu tư, cũng như một bệ phóng cho việc mở rộng hoạt động ở nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng thông qua Hồng Kông để rót vốn ra nước ngoài.
Quan trọng không kém là việc phần còn lại của thế giới xem Hồng Kông như một cửa ngõ để vào thị trường Trung Quốc địa lục. Hệ thống luật pháp độc lập của Hồng Kông và mối quan hệ chặt chẽ của Hồng Kông với Trung Quốc đại lục mang đến cho các công ty phương Tây một mối liên kết quan trọng với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Thị trường IPO của Hồng Kông được xem là một thước đo quan trọng về niềm tin của các công ty muốn huy động vốn cũng như niềm tin của giới đầu tư. Theo dữ liệu từ Refinitiv, lượng vốn huy động từ các vụ phát hành cổ phiếu ở Hồng Kông năm nay đã đạt 22,3 tỷ USD, chỉ sau lượng vốn huy động được trên hai sàn Nasdaq và NYSE.
"Trung Quốc vẫn là thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhà đầu tư rất muốn nắm bắt các cơ hội ở đây. Mặc những gì đang diễn ra trên đường phố, tôi không cho rằng Hồng Kông mất đi vai trò mạch dẫn quan trọng cho các dòng tiền giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Ít nhất cho tới lúc này", ông Huang nhận định.
Biến động ngắn hạn?
Kể từ sau vụ IPO thành công của AB InBev ở Hồng Kông vào cuối tháng 9, số vụ IPO tại đây tăng mạnh. Riêng trong tháng 10, có 22 công ty lên sàn ở Hồng Kông, so với con số 7 công ty trong tháng 9 và 1 cong ty trong tháng 8. Trong tháng 11 này, đã có 16 công ty bắt đầu niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông.
Vụ phát hành sắp tới của Alibaba có thể huy động được 13,4 tỷ USD thông qua phát hành 500 triệu cổ phiếu tại Hồng Kông.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thị trường tài chính Hồng Kông hoàn toàn bình tĩnh trước những diễn biến xấu của phong trào biểu tình. Chỉ số Hang Seng đã giảm mạnh trong tuần này khi bạo lực leo thang. Chỉ số giảm hơn 1% trong phiên ngày thứ Năm, sau khi giảm gần 2% trong phiên ngày thứ Tư và gần 3% trong phiên ngày thứ Ba. Tuần này có thể trở thành tuần giảm mạnh nhất của Hang Seng trong hơn 3 tháng.
Bất động sản và bán lẻ là những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do nền kinh tế Hồng Kông "lĩnh đủ" vì biểu tình. Gần đây, nền kinh tế của vùng lãnh thổ đã rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên trong 1 thập kỷ. Hôm thứ Tư, hãng hàng không Cathay Pacific của Hồng Kông cho biết lượng khách bay tới Hồng Kông trên các chuyến bay của hãng trong tháng 10 giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuần này, người biểu tình tiếp tục chặn các con phố ở quận tài chính trung tâm - điều chưa từng xảy ra trước đó trong phong trào xuống đường bắt đầu từ tháng 6. Ngày thứ Năm, các trường học ở Hồng Kông đóng cửa, nhiều doanh nghiệp cũng đóng cửa văn phòng vì lo ngại cho an toàn của nhân viên. Đụng độ tiếp tục diễn ra dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình, cả trên phố và tại học xá của các trường đại học.
Mặc dù vậy, các nhà giao dịch cho rằng biến động tuần này của chứng khoán Hồng Kông chỉ là vấn đề ngắn hạn.
"Các công ty niêm yết ở Hồng Kông chủ yếu là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ở nơi khác, phần lớn ở Trung Quốc đại lục", chuyên gia về danh mục đầu tư chứng khoán Ken Wong thuộc Eastspring Investments phát biểu. "Tôi cho rằng thương chiến Mỹ-Trung mới là nhân tố lớn quyết định diễn biến thị trường trong dài hạn".
Ở thời điểm hiện tại, chỉ số Hang Seng vẫn tăng khoảng 2,8% so với thời điểm đầu năm.
"Chưa có sự hoảng loạn"
"Biểu tình là vấn đề địa chính trị, còn trong giới kinh doanh, câu chuyện lại khác", ông Wong nói thêm.
Nhưng trên thị trường tài chính Hồng Kông vẫn xuất hiện một vài dấu hiệu của sự căng thẳng. Lãi suất liên ngân hàng đối với các khoản vay kỳ hạn 1 tháng tăng lên mức 2,39% vào ngày thứ Tư, mức cao nhất 3 tháng. Lãi suất liên ngân hàng tăng có thể là một bằng chứng của sự thoái vốn.
Đầu tuần này, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông, tức ngân hàng trung ương của vùng lãnh thổ, tuyên bố hệ thống ngân hàng Hồng Kông vẫn vững vàng và đủ thanh khoản. Ông Wong nói rằng lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn ở Hồng Kông trong thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 cao hơn nhiều so với hiện nay.
"Vào năm 1997, căng thẳng tăng cao trên thị trường tài chính Hồng Kông, khi đồng Đôla Hồng Kông và hệ thống ngân hàng Hồng Kông cùng bị tấn công", ông Wong nói. "Nhưng ngày nay, hệ thống tài chính của Hồng Kông rất vững vàng, và tôi chưa thấy có bất kỳ sự hoảng loạn nào".